Lâm Đồng: Cơ sở y tế xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:31, 23/02/2017
5/10 đơn vị xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép ra môi trường, gồm các TTYT Lâm Hà, Đức Trọng, Cát Tiên, Đạ Huoai và Bệnh viện II Lâm Đồng; riêng TTYT Cát Tiên và Lâm Hà.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, ngày 22/2, Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết đơn vị vừa kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với 10 đơn vị y tế trên địa bàn, gồm: Trung tâm y tế (TTYT) các huyện: Đức Trọng, Đạ Tẻh, Đơn Dương, Di Linh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Lâm Hà và TP.Đà Lạt, Bệnh viện II Lâm Đồng.
Trong khi đó, có 8/10 đơn vị được xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) từ chương trình của Ban quản lý dự án chăm sóc sức khỏe Tây nguyên (trong thời gian 2007 – 2009), nhưng từ tháng 5/2015 đến nay hệ thống XLNT của 2 TTYT Lâm Hà và Cát Tiên đã hư hỏng hoàn toàn. Công an đã lấy mẫu nước thải để phân tích, kiểm nghiệm thì có tới 5/10 đơn vị xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép ra môi trường, gồm các TTYT Lâm Hà, Đức Trọng, Cát Tiên, Đạ Huoai và Bệnh viện II Lâm Đồng; riêng TTYT Cát Tiên và Lâm Hà, hệ thống XLNT không vận hành được nên mỗi ngày đêm xả trực tiếp hàng chục m3 nước thải y tế không qua xử lý ra môi trường. Hiện nay còn 3 TTYT: Đam Rông, Lạc Dương, TP.Đà Lạt vẫn chưa có hệ thống XLNT.
Cơ quan chức năng lấy mẫu nước thải
Không chỉ vậy, 2 TTYT Đạ Tẻh và Bảo Lâm chưa có lò đốt rác thải y tế nên xử lý bằng cách chôn lấp rác thải ý tế trong khuôn viên trung tâm không đảm bảo vệ sinh môi trường.
UBND tỉnh yêu cầu trong vòng 6 tháng tới, phải sửa chữa, cải tạo các hệ thống xử lý nước thải bị hư hỏng, đảm bảo nước thải sau xử lý khí thải ra môi trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
Đồng thời yêu cầu Sở Y tế xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý nước thải và lò đốt chất thải y tế cho các cơ sở y tế hiện nay chưa được đầu tư hệ thống này.
Nước thải từ bệnh viện mang theo nhiều loại vi rút nguy hại như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E.coli cùng nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus bại liệt… có khả năng xâm nhập các loại thủy sản, vật nuôi, rau thủy canh. Người dân ăn phải các thực phẩm mang mầm bệnh thì nguy cơ mắc bệnh sẽ rất cao.
Theo các chuyên gia y tế, việc tiếp xúc với các rác thải y tế rắn có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể. Hơn nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như: virus HIV, viêm gan B. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp do hít phải, qua đường tiêu hóa do nuốt hoặc ăn phải.
Khánh Thu (t/h)