Đồng Nai: Suối Reo ô nhiễm nước đen ngòm bốc mùi thối

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 07:38, 10/03/2017

Suối Reo dài khoảng 10 km, bắt nguồn từ xã Quang Trung đi qua Gia Tân 3, Gia Tân 2 và điểm cuối là xã Gia Tân 1 (đều thuộc H.Thống Nhất

(Moitruong.net.vn) Nhiều người dân thiếu ý thức đã xả trực tiếp phân lợn và rác thải sinh hoạt xuống suối khiến cho nguồn nước ở suối Reo bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ở dọc hai bên suối Reo có nhiều hộ dân sinh sống và chăn nuôi heo khiến nguồn phân xả xuống lòng suối suốt ngày đêm. Nhất là mỗi khi có mưa xuống, rác thải theo nước suối đổ xuống lòng hồ Trị An gây ô nhiễm nặng.

Theo phản ánh của người dân nơi đây, dòng nước ở nhiều đoạn suối Reo chảy qua các xã thuộc huyện Thống nhất chuyển màu đen ngòm, bốc mùi hôi khó chịu.  Tình trạng ô nhiễm “nhức nhối nhất” phải kể đến khu vực cầu đập tràn (xã Gia Tân 1),  phân heo đen đặc quánh và sủi bọt nổi từng lớp lềnh bềnh trên mặt nước. Nước chảy qua đập tràn đổ ra thác đen thui, bốc mùi hôi thối và rất tanh. Bao tải chứa heo chết, rác từ khắp nơi đổ về ùn ứ lại kéo dài hàng chục mét.

13a4_iwkx

Cầu đập tràn, cách thác suối Reo khoảng 150 m bị ô nhiễm khủng khiếp. Ảnh: Báo TN

Ông Nguyễn Văn Hóa (55 tuổi, ngụ xã Gia Tân 1) chia sẻ với báo chí: “Hơn 10 năm trước, con suối Reo đẹp lắm, nước trong veo và nhiều cá. Thác suối Reo là nơi vui chơi và tắm mát của người dân trong vùng. Vậy mà mấy năm nay, người chăn nuôi heo và sinh sống ở hai bên bờ sông xả thải xuống khiến con suối bị ô nhiễm khủng khiếp. Nước suối chuyển màu đen đặc, bốc mùi hôi thối. Thác suối Reo thì bị phân heo bám dày từng lớp đen thui, không ai đứng được lâu bên dòng thác này. Tiếc cho một cảnh đẹp bị hủy hoại”.

Bên cạnh việc ô nhiễm quang cảnh chung ở thác Reo, những hộ dân ở huyện Thống Nhất còn lo lắng vì nước suối Reo đổ vào lòng hồ Trị An, nguồn cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho hàng triệu người dân ở Đồng Nai và TP.HCM.

Trên TTXVN đưa, theo ông Trần Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của Đồng Nai, trong khi đó suối Reo chảy qua 4 xã trên là những xã có nhiều hộ dân chăn nuôi lợn nhất. Xã Gia Tân 1 là điểm cuối nguồn của suối Reo trước khi đổ vào hồ Trị An nên phải hứng chịu sự ô nhiễm dồn về. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã vận động người dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cấm xả thải ra lòng suối. Những trường hợp xả thải ra suối sẽ bị phạt hành chính, không để phát sinh thêm mức độ ô nhiễm. Về lâu dài, chính quyền địa phương đã có kế hoạch đưa các trang trại vào khu quy hoạch chăn nuôi tập trung nhằm giảm mức xả thải. Tuy nhiên, việc di dời cần có thời gian và lộ trình.

Phạm Huyền

Phạm Huyền