Yên Phong, Bắc Ninh: Làng tái chế phế thải thành làng ung thư
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 09:37, 04/04/2017
(Moitruong.net.vn) – Làng nghề tái chế rác Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) tồn tại hàng chục năm nay, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất này lại khiến cho vấn đề ô nhiễm môi trường “nhức nhối” hơn bao giờ hết.
Đã từ lâu ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) các làng nghềđã được biết đến về về mức độ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Và trong đó, thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn là khu vực “trọng điểm” nhất. Trong dự án nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề được công bố mới đây do một đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, kết quả cho thấy, Mẫn Xá là một trong 37 “làng ung thư” của Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước, không khí.
Bãi rác nghi ngút khói
Được biết, toàn thôn Mẫn Xá có gần 600 hộ dân, với gần 3.000 nhân khẩu. Trong đó, trên 90% lao động tại địa phương gắn bó với nghề tái chế nhôm, chì và vận chuyển phế liệu
Theo thống kê của Trạm y tế xã Văn Môn, mỗi năm, xã có trên dưới 20 người chết vì ung thư. “Nếu ô nhiễm tiếp tục không được cải thiện, số ca ung thư sẽ tăng lên”, ông Nguyễn Văn Duy – Trạm trưởng chia sẻ với báo chí.
Một người dân Mẫn Xá than phiền: “Người nào mới đến cũng choáng váng vì tình trạng ô nhiễm ở đây. Người dân bản địa chúng tôi cũng khó sống lắm, phải làm mọi cách để thích nghi, lâu rồi cũng thành quen. Nhiều hộ gia đình không làm nghề đã chuyển đi. Còn chúng tôi làm nghề, biết độc hại, ô nhiễm nhưng nó là… cái nghiệp rồi”.
Từ chiếu tối đến đêm ngọn lửa ở bãi rác lại bùng lên, mùi khét lẹt
Tuy làm việc trong điều kiện môi trường ô nhiễm, độc hại nhưng người lao động ở đây lại không có dụng cụ bảo hộ lao động đạt chuẩn, hầu hết mọi người đều mặc quần áo và đeo khẩu trang bình thường. Chính đồng lương từ 200-300 nghìn đồng/ngày công đã “ràng buộc” người dân sống với nghề này mặc cho sức khỏe ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Đức Phúc – Chủ tịch UBND xã Văn Môn, ngoài hơn 20 xưởng cô, đúc nhôm, chì, luyện đồng, kẽm có quy mô lớn (mỗi xưởng có từ 15 – 20 lò), hầu như gia đình nào tại Mẫn Xá cũng sở hữu ít nhất một lò riêng với mức độ tiêu tốn trung bình là 12 – 14 tấn nguyên liệu/lò. Không qua bất kì khâu xử lý nào, khói từ các lò được xả trực tiếp vào môi trường. Đó cũng là lý do tại sao ở Mẫn Xá, hàm lượng chì trong môi trường luôn cao gấp vài chục lần tiêu chuẩn cho phép.
Lò đốt rác thải ở xã Văn Môn
Đầu năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tái chế nhôm thôn Mẫn Xá, với tổng vốn đầu tư hơn 44 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp TNMT được giao hàng năm và các nguồn vốn khác.
Quy mô đầu tư dự án bao gồm các hạng mục chính như xây dựng hệ thống xử lý nước thải (sản xuất và sinh hoạt) với công suất khoảng 1.800 – 2.000m3/ngày đêm, bảo đảm nước thải trước khi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn (cột A) theo quy chuẩn, quy định; xây dựng bãi tập kết và trung chuyển rác thải sản xuất, sinh hoạt thôn Mẫn Xá với công suất khoảng 30 – 40 tấn/ngày đêm; lắp đặt hệ thống xử lý nước – khí – bùn thải…”.
Dự án tỷ đồng đang đem lại nhiều hy vọng mới cho người dân nhưng ý thức tự giác của các hộ làm nghề chưa cao, Các hộ làm nghề trốn tránh cam kết bảo vệ môi trường. Dù dự án đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt nhưng tiến độ thi công vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Là địa phương giáp với bãi rác phế thải ở xã Văn Môn nên xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) cũng chịu ảnh hưởng không kém,
Ông Nguyễn Hữu Tửu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) gửi công văn đề nghị tới Công an, UBND huyện Đông Anh, huyện Yên Phong.
Cùng với sự lên tiếng của nhiều cơ quan báo chí, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị UBND huyện Yên Phong kiểm tra, xử lý tình trạng đốt rác thải ở xã Văn Môn nhưng tình trạng không được cải thiện là bao.
Trao đổi với báo chí ngày 1/4, ông Nguyễn Hữu Tửu cho biết, chính quyền xã Thụy Lâm cũng đã phối hợp trực tiếp với các cơ quan chức năng huyện Yên Phong để tìm hướng giải quyết. Thời gian qua, tình trạng đốt rác đã giảm hơn nhưng vẫn còn.
Minh Hằng (t/h)