Hà Nam: Hàng nghìn hộ dân khổ sở vì mỏ đá ở Thanh Liêm

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:48, 03/05/2017

(Moitruong.net.vn) – “Ăn với bụi đá, ngủ với bụi đá và hít thở với bụi đá” là những gì mà hàng vạn người dân sống gần các mỏ đá phải chịu đựng.

Yên Phong(Bắc Ninh): Công ty Vạn Lợi xả thải ô nhiễm, dân kêu cứu

Cà Mau ngăn chặn các lò hầm than hoạt động trái phép

Hàng nghìn hộ dân khổ sở vì mỏ đá ở Thanh Liêm

Khai thác tràn lan gây ô nhiễm môi trường
Cùng với sự giàu có của doanh nghiệp là mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước ngày càng cao. Theo đề án tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực Tây sông Đáy, do ông Trương Minh Hiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ký ngày 4/11/2016 thể hiện, môi trường tại đây đang bị ô nhiễm nặng nề do khói, bụi từ hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng từ các nhà máy xi măng, các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá và một số lò apphan.

6 nhà máy đang hoạt động: Xi măng Hoàng Long, xi măng Thanh Thắng, xi măng Xuân Thành, xi măng vissai Hà Nam, xi măng Bút Sơn, xi măng Kiện Khê… Theo đề án này, tất cả các nhà máy xi măng này đều chưa lắp thiết bị quan trắc bụi tự động. Thậm chí, một số nhà máy xi măng không chạy lọc tĩnh điện để lọc bụi vào thời điểm ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày có mưa mà xả khói, bụi rực tiếp vào môi trường không khí. Hoạt động nghiền nguyên liệu đá, băng tải xi măng rời, máng rót đá, clinke xuống tàu thuyền cũng phát tán bụi với nồng độ lớn gây ô nhiễm nặng nề.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vượt quá khối lượng theo thiết kế, phương án được chấp thuận; hệ thống phun sương dập bụi tại khu vực dàn nghiền không được thực hiện thường xuyên, triệt để cũng là một trong những nguyên nhân phát tán bụi đá khiến môi trường ô nhiễm; việc nổ mìn gây dung chấn lớn khiến lún nứt nhà dân là do một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản có vị trí mỏ gần nhau tiến hành nổ mìn đồng thời, cùng 1 thời điểm, sử dụng lượng thuốc nổ lớn, vượt định mức trong phương án phê duyệt dẫn đến dung chấn.

Một thị trấn có 100 người mắc ung thư

Thông tin trên báo Gia đình và Xã hội, theo ông Trần Quyết Thành – Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm), tỉ lệ người dân bị ung thư ngày càng nhiều. Trong vòng 5 năm trở lại đây, có khoảng 100 người đã chết, hoặc đang điều trị vì ung thư. Theo ông Thành, mức độ ô nhiễm môi trường ở Kiện Khê đã ở mức báo động.

Năm 2016, UBND thị trấn Kiện Khê được Trung tâm Y tế tỉnh Hà Nam về kiểm tra sức khỏe. Theo đó, 100% cán bộ ở đây đều bị nhiễm độc chì, asen. “Năm ngoái kiểm tra sức khỏe tổng thể, thị trấn có 23 cán bộ thì tất cả đều bị nhiễm độc chì, asen. Khi sang làm chủ tịch tôi đã mua 1 máy lọc nước cho UBND thị trấn dùng nhưng không ăn thua”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, hiện khu vực Đồng Ấm, Tân Lâm của thị trấn có khoảng trên 200 hộ dân, chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm mỏ đá. Nặng nhất là khu vực Đồng Ấm có 17 hộ dân sống trong khu vực lòng chảo. Hiện UBND thị trấn đang xin khu đất tái định cư để di dời 17 hộ dân trong lòng chảo ra bên ngoài.

Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam) cho thấy, hàm lượng bụi tổng số ở hầu hết các khu vực nóng về môi trường ở khu vực Tây Đáy đều cao hơn Quy chuẩn Việt Nam từ 1,96- 3,09 lần.

Chất lượng nước sông Đáy đang bị suy giảm do hoạt động khai thác đá gây ra. Một số chỉ tiêu đặc trưng của nước đều vượt QCVN 08-MT:2005/BTNMT như BOD5 vượt từ 1,67 – 3 lần, COD vượt từ 1,13 – 2,13 lần, NH4+ vượt từ 4,2 – 12 lần.

Đỗ Lực

Đỗ Lực