Nghiên cứu chung về quản lý phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:32, 14/03/2018
(Moitruong.net.vn) – Ngày 13/3, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia đối với công trình Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông bao gồm tác động của các dự án thủy điện dòng chính. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
>
>>>Họp Tổ soạn thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên (giữa) tham dự và phát biểu tại Hội thảo
Trong bối cảnh việc sử dụng tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên lưu vực sông Mê Kông phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế ngày một gia tăng, đặc biệt là hoạt động phát triển thủy điện trên dòng chính, các hoạt động chuyển nước phục vụ tưới phát triển nông nghiệp với với những dự án có quy mô rất lớn, có thể dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi với tài nguyên và môi trường, xã hội.
Vì vậy, tháng 11/2011, các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã nhất trí tiến hành nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông. Ban Thư ký Ủy hội đã thực hiện Nghiên cứu này từ năm 2011 đến năm 2017.Mục tiêu của Nghiên cứu là: xây dựng thêm các bằng chứng khoa học đáng tin cậy về các tác động tích cực và tiêu cực của quá trình sử dụng tài nguyên nước lên các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội; kết hợp các kết quả của nghiên cứu vào cơ sở kiến thức của MRC để đẩy mạnh quá trình lập kế hoạch phát triển lưu vực; tăng cường năng lực và đảm bảo chuyển giao công nghệ cho các Ủy ban sông Mê Kông quốc gia.
Ông Trương Hồng Tiến – Giám đốc Vụ Môi trường, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đánh giá: Nghiên cứu đã đạt được những mục tiêu đề ra, hoàn thành nhiệm vụ các quốc gia thành viên giao phó và nghiên cứu này cũng được xem như một thành công trong nhiều lĩnh vực, xây dựng các quy trình, công cụ và tập hợp dữ liệu có thể sử dụng để định hướng phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công trong tương lai.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân trình bày ý kiến góp ý tại Hội thảo
Trong đó, các kết quả chính của nghiên cứu bao gồm: đánh giá kết quả tổng hợp và tích lũy từ các dự án phát triển tài nguyên nước hiện tại và dự kiến ở hạ lưu sông Mê Kông; đưa ra các khuyến nghị và các thông điệp quan trọng để các nước thành viên tham khảo trong quá trình ra quyết định ở quốc gia và trong các quyết định chung của Ủy hội sông Mê Công quốc tế; củng cố năng lực cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật của các nước thành viên; xây dựng phương pháp và công cụ đánh giá tác động tổng hợp cho hạ lưu lưu vực. Việc nâng cao năng lực này sẽ giúp Ban thư ký Ủy hội và các thành viên trong việc lập kế hoạch, phát triển chung, quản lý và giám sát các nguồn tài nguyên nước ở hạ lưu lưu vực.
Ông Phạm Tuấn Phan – Giám đốc điều hành, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế khẳng định: Thành công lớn nhất của nghiên cứu chính là củng cố tăng cường năng lực để từ đó nêu bật các tác động tích cực và tiêu cực của các dự án phát triển tài nguyên nước vùng hạ lưu vực, đánh giá bằng các chỉ tiêu bền vững được thể hiện trong các chỉ số môi trường, kinh tế xã hội do các quốc gia thành viên lực chọn. Các dự án phát triển bao gồm các dự án thủy điện dòng chính và các các dự án thủy điện hiện đã có và dự án thủy điện nằm trong quy hoạch, mở rộng nông nghiệp và các công trình thủy lợi, sử dụng nước cho sinh hoạt gia đình và sản xuất công nghiệp, giao thông thủy và phòng chống lũ. Khung đánh giá do nhóm nghiên cứu xây dựng cho phép đánh giá có hệ thống các tác động tích cực và tiêu cực liên quan đến các kế hoạch phát triển gắn liền với tài nguyên nước, đồng thời hỗ trợ các thành viên trong quá trình ra quyết định về tương lai vùng hạ lưu vực.
Theo yêu cầu của các quốc gia thành viên, các kết quả của nghiên cứu phải có sự tham vấn với các cơ quan quản lý và nghiên cứu có liên quan tới đông đảo cộng đồng các nhà khoa học, các chuyên gia độc lập để có thể hoàn thiện các kết quả nghiên cứu, đồng thời chỉ ra những khiếm khuyết, thiếu sót và những vấn đề cần tiếp tục thực hiện trong tương lai.
Tại buổi Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với kết quả “Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông bao gồm tác động của các dự án thủy điện dòng chính” về phương pháp nghiên cứu, các số liệu công bố, cũng như các mục tiêu đưa ra của Nghiên cứu…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo “Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông bao gồm tác động của các dự án thủy điện dòng chính” của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế. Đồng thời, cũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội thảo và trao đổi lại của các chuyên gia của Ban Thư ký, đặc biệt là vấn đề xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Toàn cảnh Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh: Dòng sông Mê Kông đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho các quốc gia ven sông là nguồn nước quý giá phục vụ dân sinh, canh tác nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản đánh bắt với giá trị kinh tế lớn, và còn là sinh cảnh của rất nhiều loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu, tạo nên sự đa dạng sinh học phong phú vào bậc nhất trên thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nằm cuối cùng của lưu vực sông Mê Kông, được hưởng lợi của phù sa màu mỡ do con sông bồi đắp, là nguồn dinh dưỡng dồi dào phục vụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho hàng triệu người dân.
Do vậy, việc bảo vệ và giữ gìn nguồn tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên của sông Mê Kông là mối quan tâm hàng đầu và cũng là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, đặc biệt là Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ ngành rất quan tâm đến vấn đề phát triển của ĐBSCL trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và những thách thức trong chia sẻ nguồn nước của sông Mê Kông. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam tổ Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ( tháng 9/2017). Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng Quy hoạch tổng thể để để thực hiện Nghị quyết 120, trong đó đặt ra nhiều kỳ vọng các mục tiêu phải đạt được đến năm 2020, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Monre