Đồng bằng sông Cửu long: Khẩn cấp trữ nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 03:37, 12/01/2017

(moitruong.net.vn) –

ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng. Trong đó đặc biệt là nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất ngày càng bị tác động nghiêm trọng. Chính vì vậy, trữ “lũ” hay nói đúng hơn là trữ nước để phát triển nông nghiệp, ổn định kinh tế, xã hội của gần 20 triệu dân trở thành vấn đề sống còn của vùng châu thổ Cửu Long.

dap đe

ĐBSCL đắp đê trữ nước

Trữ nước để phát triển nông nghiệp, ổn định kinh tế, xã hội
Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS-TS Gerardo Van Halsema, chuyên gia người Hà Lan – cố vấn cho Ngân hàng Thế giới (WB) nghiên cứu các vấn đề về biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL, trình bày một nghiên cứu chứng minh việc quay về với hệ thống canh tác tự nhiên, trữ nước là cần thiết. ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng, không dễ đối phó và nó vẫn đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, trong đó có việc nguồn nước thay đổi do tác động từ tự nhiên và cả con người. Có một thực tế, ĐBSCL càng đắp nhiều đê đập để trồng nhiều lúa lại càng nghèo.
Cụ thể, 15 năm trước GDP của vùng ĐBSCL cao hơn mức trung bình của cả nước còn hiện nay thì ngược lại, dẫn đến tình trạng di dân tự nhiên khỏi vùng này. Lý do: Trong 15 năm qua đê bao và lúa vụ 3 phát triển mạnh ở ĐBSCL. Đê bao có lợi là bảo vệ nhà cửa, mùa màng không bị ảnh hưởng bởi lũ, nhưng đi kèm với đó là rủi ro vỡ đê và nếu xảy ra thì thiệt hại càng lớn hơn.
Bên cạnh đó, có những vấn đề sâu xa hơn cần được nhìn nhận khi diện tích lúa vụ 3 tăng lên đồng nghĩa với việc chúng ta phải trả giá về môi trường. Phù sa ít ảnh hưởng không chỉ đến cây trồng mà còn làm nguồn thức ăn tự nhiên cho các loài thủy sản giảm sút. Trước khi có đê, lượng nước về ĐBSCL mỗi năm khoảng 16,8 tỉ m3, sau khi có đê chỉ còn 13,5 tỉ m3. Điều này có nghĩa là chúng ta đã mất hơn 3 tỉ m3 nước mỗi năm. Đê bao xây dựng ở khắp nơi và nó vô tình tạo thành hành lang thoát nước nhanh và nhiều hơn.
Đáng nói, trước đây ĐBSCL có 3 “túi nước” tự nhiên là Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và từ Biển Hồ – Tonle Sap. Hai túi nước Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên chúng ta đã đắp đê để làm lúa 3 vụ nên mùa khô không còn nước cung cấp cho hạ nguồn. Bên cạnh đó, diện tích Biển Hồ ngày càng thu hẹp do các hoạt động kinh tế của Campuchia. “Campuchia cũng đang tính cách trữ nước. Họ thậm chí còn có kế hoạch can thiệp vào hoạt động điều tiết tự nhiên của Tonle Sap, biến vai trò tự nhiên của hồ này thành điều tiết nhân tạo. Chính vì vậy, việc bàn giải pháp tích nước cho ĐBSCL là việc rất cấp bách hiện nay”, ông Nguyễn Hồng Toàn, chuyên gia đồng thời của Ủy ban Sông Mê Kông VN và Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế, cảnh báo.
PGS-TS Gerardo Van Halsema khuyến cáo: Cần trữ nước để chống hạn, đẩy mặn vào mùa khô. Việc tính toán để đặt ranh giới ngọt – mặn ở đâu cho phù hợp và trữ bao nhiêu nước là đủ cần phải được nghiên cứu và tính toán cẩn thận. Điều quan trọng đây phải là một ranh giới “mềm”, có thể linh động áp dụng các giải pháp phi công trình hơn là các giải pháp công trình. “Chúng ta không nên giới hạn nó bằng cơ sở hạ tầng cứng. Giải pháp cứng rất tốn kém về mặt chi phí xây dựng và cả bảo quản. Về mặt tự nhiên có thể tạo ra các vùng đệm giữa ngọt và mặn. Dựa trên cơ sở đó để nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế và sinh kế cho người dân”, PGS-TS Gerardo Van Halsema nói.
han han
Biến đổi khí hậu làm ĐBSCL phải hứng chịu nhiều tác động nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn
Trữ nước ở đâu ?
GS-TS Nguyễn Ngọc Trân kể ông có làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp. Hiện nay, diện tích sản xuất lúa vụ 3 của họ đã vượt so với quy hoạch của Bộ NN-PTNT đến năm 2020 – 2030, vì “làm như vậy mới đạt chỉ tiêu được giao về số lượng”. Theo ông Trân, tư duy này cần phải thay đổi, từ chỉ tiêu số lượng sang chất lượng. Chúng ta chỉ sản xuất lúa ở những vùng “ăn chắc” và làm lúa chất lượng cao. Đối với vấn đề trữ nước thì không ở đâu tốt bằng 2 túi nước tự nhiên trước đây của chúng ta là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Chỉ xin lưu ý là 2 túi nước có điểm khác nhau, Tứ giác Long Xuyên là túi nước nửa đóng nửa mở nên thoát nước nhanh hơn Đồng Tháp Mười – túi nước đóng. Cách trữ nước tốt nhất là phải tuân theo quy luật tự nhiên, trồng lại rừng tràm để trữ nước ngọt. “Bên cạnh trữ nước, một điều quan trọng chính là phải sử dụng nước tiết kiệm. Trước giờ chúng tôi vẫn khuyến cáo phát triển phải tôn trọng môi trường, dựa vào đó. Việc làm đê bao triệt để để làm 3 vụ lúa là lãng phí nước, lãng phí tài nguyên”, ông Trân nói.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, bổ sung ở vùng ven biển có thể trữ nguồn nước ngọt từ nước mưa. Lượng mưa của vùng ven biển ĐBSCL khoảng 2.000 mm mỗi năm, là nguồn nước ngọt rất lớn. Bên cạnh đó, cần suy nghĩ đến việc phổ cập nước ngầm. Việc này rất khó nhưng cần phải tính đến.
“Tuyệt đối không nên nghĩ đến chuyện đào các hồ chứa với diện tích cả trăm héc ta, sâu vài ba mét vì sẽ bị xì phèn, gây ngộ độc đất và nước”, ông Tuấn cảnh báo. Lãnh đạo các địa phương cũng đồng ý với những quan điểm này và cho rằng cần khôi phục rừng tràm để trữ nước.
Các chuyên gia đều đồng ý quan điểm là việc tích nước tạo tác động lan tỏa giữa các địa phương, chính vì vậy cần có sự liên kết vùng chia sẻ lợi ích và chi phí. Theo ông Nguyễn Hồng Toàn, chính vì Campuchia đóng một vai trò rất quan trọng đối với nguồn nước của ĐBSCL nên chúng ta cần phải phối hợp với họ trong bảo vệ nguồn nước, cùng nhau chia sẻ bài toán lợi ích và chi phí. Việc phối hợp này được thực hiện trực tiếp và cả thông qua các tổ chức quốc tế.
PV