TP. Đà Nẵng: Khẩn trương rà soát, quy hoạch vùng nuôi cá tại đoạn sông bị ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 00:00, 10/08/2017

Cá nuôi chết hàng loạt trên sông Cổ Cò

(Moitruong.net.vn) – Liên quan đến sự cố hàng chục tấn cá nuôi chết trắng trên sông Cổ Cò, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng khẳng định tại khu vực nuôi cá có dấu hiệu ô nhiễm chất dinh dưỡng và hữu cơ.

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, hiện tượng cá chết xảy ra vào khoảng 18h ngày 16/7/2017 tại 32 bè cá trải dài khoảng 300m trên sông Cổ Cò. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở TN &MT đã phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra thực tế và lấy 3 mẫu nước mặt đoạn sông Cổ Cò tại khu vực cá chết. Số mẫu nước này được giao cho Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thực hiện phân tích chất lượng.

Theo đó, kết quả phân tích chất lượng nước tại các bè nuôi của người dân trên sông Cổ Cò cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong cả 3 mẫu thấp (thấp nhất là 0,55mg/l, cao nhất là 3,42mg/l), đều thấp hơn giới hạn cho phép (DO phải lớn hơn hoặc bằng 4mg/l).

Tại khu vực nuôi cá có dấu hiệu ô nhiễm chất dinh dưỡng và hữu cơ; COD và Amoni mẫu nước (tại bè ông Huỳnh Văn Hùng) lần lượt là 1,37 và 4,3 lần; mẫu nước (tại khu vực sông tiếp nhận nước thải Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn) có thông số COD, Amoni và Phosphat vượt lần lượt là 1,6; 13,2 và 10,7 lần.

Qua các phân tích trên, Sở TN&MT đưa ra các nguyên nhân ban đầu khiến cá chết là: do nồng độ oxy hòa tan trong nước sông đoạn có hoạt động nuôi cá thấp (DO thấp hơn 4mg/l); đoạn sông có hoạt động nuôi cá lưu thông nước kém, người dân thả nuôi với mật độ lồng bè lớn (228 lồng); do bị chắn bởi đường qua khu Đồng Nò và bị chặn dòng thi công cầu số 1 đoạn nối đường Minh Mạng và khu vực Hòa Xuân của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thực hiện.

Sở TN&MT đề xuất UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục theo dõi tình trạng ô nhiễm và đề nghị UBND giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát quy hoạch vùng nuôi cá thích hợp cho người dân.

Trước đó, báo Điện tử TN&MT đã phản ánh, ngày 17/7, nhiều chủ lồng bè nuôi cá trên sông Cổ Cò (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) điêu đứng khi hàng chục tấn cá chết bất thường trong đêm. Trước đó, tình trạng cá chết cũng từng xuất hiện tại khu vực này nhưng ở mức độ rải rác và không đáng kể. Nhiều người nghi ngờ nguyên nhân cá chết do ô nhiễm nguồn nước vì gần máy xử lý nước thải.

Trao đổi với ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước & xử lý nước thải Đà Nẵng – đơn vị quản lý Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn thừa nhận nước thải qua xử lý từ trạm này đổ ra sông Cổ Cò không đạt một số chỉ tiêu về môi trường.

Cụ thể, công nghệ xử lý nước thải tại trạm này đang sử dụng là công nghệ kị khí, hiệu suất xử lý chất hữu cơ trong nước thải chỉ đạt khoảng 50%. Trong khi đó, để đạt chuẩn nước sạch loại A thì chất thải hữu cơ trong nước sau xử lý phải đạt 0%.

Chưa hết, nước qua xử lý vẫn tồn dư lượng vi khuẩn coliform và amoniac vượt 1-5 lần quy chuẩn cho phép. Quan trọng hơn cả, do xử lý bằng công nghệ kị khí nên nước thải ra có lượng DO (hàm lượng oxy trong nước) rất thấp.

“Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cùng với UBND quận, phòng Tài nguyên & Môi trường nhiều lần tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được nuôi thủy sản tại khu vực này. Mặc dù vậy, các hộ dân bất chấp khuyến cáo, tự ý nuôi thả cá lồng bè”- ông Mai Mã cho biết thêm.

Trong thời gian tới, chính quyền và ngành chức năng quận Ngũ Hành Sơn chấn chỉnh hoạt động nuôi cá trên sông, cấm nuôi cá trái phép để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và tránh thiệt hại cho người dân. Đồng thời, tiến hành nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường tại Trạm xử lý theo phê duyệt các hạng mục ưu tiên của thành phố.

Theo TNMT

Theo TNMT