Thừa Thiên – Huế: Dự án môi trường 5.000 tỷ đồng gây ô nhiễm, dân “kêu trời”
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 10:33, 07/08/2017
(Moitruong.net.vn) – Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế), với vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng được xem là dự án trọng điểm, nhằm cải tạo nguồn nước trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc thi công dự án diễn ra chậm chạp, không an toàn, nước thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Thi công chậm, nhiều hệ lụy xấu
Theo tìm hiểu, dự án do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư; được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với lãi suất chỉ 0,5%. Kinh phí là 24 tỷ yên (khoảng 5.000 tỷ đồng), trong đó 20,8 tỷ yên là của chính phủ Nhật Bản, phần còn lại Trung ương cam kết thông qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính chi trả.
Tổng thể dự án sẽ có 1 nhà máy xử lý nước thải, 7 trạm bơm, 160 km đường cống thu nước, 30 km đường cống bao, 94 giếng tách. Dự án gồm 8 gói thầu xây lắp – thiết bị và 6 gói thầu xây lắp. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 sẽ triển khai trên phạm vi 10 phường trung tâm phía Nam TP. Huế và dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành.
Tuy vậy, với nhiều lý do nên dự án đang thi công một cách chậm chạp. Điều này đã gây bức xúc cho nhiều người dân, cuộc sống sinh hoạt trở nên “xáo trộn”.
Theo như phản ánh với PV, việc dự án chậm đã gây chậm hoàn trả mặt bằng cho người dân khiến họ khó khăn trong kinh doanh buôn bán. Đường sá thì hư hỏng, hạn hẹp, hay ngập úng khiến đi lại một cách khó khăn, ách tắc giao thông liên tục xảy ra, nhất là vào mùa mưa. Nước thải từ dự án thì chảy tràn lan, gây ô nhiễm. Nhiều vật dụng được đặt ngỗn ngang trên đường gây nên tai nạn giao thông bất cứ lúc nào, đặc biệt vào ban đêm. Nhiều nhà dân cũng bị nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng. Việc đổ thải cũng không đúng quy định…
Hiện tại dự án đang được tiến hành ở hàng trăm tuyến kiệt, đường ở phía nam sông Hương (TP. Huế). Theo quan sát, nhiều tuyến đường, kiệt hiện nay như Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Khuyến, Duy Tân, Tố Hữu… được các đơn vị thi công tiến hành đào bới, san lấp, lắp đặt ống cống. Nhưng, nhiều điểm thi công làm bụi bay mù mịt, thiếu biển cảnh báo nguy hiểm hoặc cảnh báo sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường.
Chị Minh Thư, một người dân sống trên đường Trần Phú bức xúc: “Việc thi công chậm khiến đường sá hư hết, bụi bặm bay tứ tung, nhiều ổ voi ổ gà xuất hiện khiến lúc trước tôi đi ngang qua hết sức bực mình; nhiều lần xém tai nạn nữa…”.
Một hộ dân khác buôn bán trên đường Duy Tân cho hay, so với nhiều đường khác thì đường này mới làm xong. Làm thì xong nhưng hoàn trả mặt bằng chậm khiến gia đình chả buôn bán được gì. Khách hàng tới mua thì than thở khi không có chỗ đi vào, để xe cũng không xong.
Ông Hứa Bội Vỹ (59 tuổi, trú đường Bùi Thị Xuân) lo lắng: “Các vết nứt trên tường bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều và sâu hơn. Từ khi dự án được thi công đến nay, căn nhà lúc nào cũng rung chuyển, chưa đêm nào vợ chồng tôi ngủ ngon, bởi trong lòng cứ thấp thỏm lo âu không biết nhà mình sẽ sụp đổ lúc nào…”.
Người dân còn cho rằng, dù một số tuyến đường kiệt đơn vị thi công đã hoàn trả mặt đường bằng xi măng, nhưng sau một thời gian ngắn sử dụng thì đã bong tróc bề mặt, gây bụi bẩn và nguy hiểm khi tham gia giao thông.Theo phản ánh, họ đã chứng kiến nhiều trường hợp tai nạn do dự án này như lọt vào hố công trình, rào chắn đổ bất ngờ… dẫn đến nhập viện cấp cứu.
Cũng theo ghi nhận của PV, vào mùa mưa năm vừa qua, toàn TP. Huế đã ngập lụt trên diện rộng, một phần cũng là do dự án cải thiện môi trường nước nói trên đang thi công dang dở.
Những “cái bẫy” rất nguy hiểm xuất hiện vào mùa mưa
Cần tăng cường các giải pháp
Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh- Giám đốc Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án, do gặp nhiều vướng mắc nên tiến độ thực hiên các gói thầu đều chậm so với kế hoạch đề ra, khó hoàn thành đúng thời hạn; gây ách tắc giao thông, mất an toàn và ảnh hưởng đến đời sống như người dân phản ánh là không thể nào tránh khỏi.
“Dự án đã triển khai tất cả các gói thầu, gồm 31 gói thầu lớn nhỏ, trong đó 6 gói thầu xây lắp lớn nhất đang triển khai. Hai gói thầu đã hoàn thành, 4 gói thầu còn lại mới thực hiện từ 16 đến 40%. Đã giải ngân được 1387 tỷ đồng vốn đầu tư, đạt 27,5%.Ban quản lý đã mở nhiều mũi thi công và sắp tới thi công hơn 2 ca mỗi ngày, làm việc tất cả các ngày trong tuần, tổ chức thi công dây chuyền để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian này…”- ông Tuấn Anh cho hay.
Cũng theo vị giám đốc dự án, để thi công an toàn, tránh ảnh hưởng đến người dân, Ban quản lý dự án đã yêu cầu các nhà thầu phải có hệ thống biển báo đèn hiệu đúng quy định; hệ thống rào chắn phải có khoảng cách phù hợp; nhà thầu phải thường xuyên vệ sinh công trường; bố trí người trực gác, điều tiết giao thông khi thi công; cán bộ phải luôn có mặt để giám sát hiện trường…
Đồng thời Ban quản lý dự án đã được tăng cường, chấn chỉnh nhân sự; thay Giám đốc, biệt phái thêm Phó Giám đốc, tăng cường thêm cán bộ kỹ thuật và chấn chỉnh lề lối làm việc, nhất là với các đơn vị tư vấn. Ngoài ra, Ban sẽ làm việc với các ngành giao thông, đường sắt để triển khai cắt, đào đường, nhất là các hạng mục trên các trục đường, khu vực do Trung ương quản lý để triển khai dự án nhanh hơn.
Ông Lê Trường Lưu- Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế giữa tháng 7 vừa qua: “Ban quản lý dự án cần đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng thi công công trình; làm đến đâu, hoàn thiện đến đó để người dân đi lại thuận tiện. Rà soát năng lực của nhà thầu, tăng cường thi công, kể cả ban đêm. Làm đến đâu phải hoàn trả mặt bằng đến đó. Mùa mưa sắp tới nên cần đẩy nhanh tiến độ. Huế tiếp tục tổ chức Festival vào năm 2018 nên cần làm cho xong các tuyến đường trung tâm và những nơi thường tổ chức lễ hội…”.
Theo TNMT