Báo động ô nhiễm hữu cơ trên sông, rạch Cà Mau
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 09:52, 19/08/2017
(Moitruong.net.vn) – Qua khảo sát thực tế và kết quả phân tích các mẫu nước cho thấy, trên nhiều tuyến sông, rạch ở Cà Mau đang bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ…
Xác cá chết trong vuông tôm hộ dân dọc kênh xáng Lương Thế Trân (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau)
Tổ kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường tỉnh Cà Mau vừa có báo cáo chính thức gửi UBND tỉnh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số tuyến sông, rạch vùng sông nước Cà Mau. Kết quả khảo sát chất lượng nguồn nước từ Tổ liên ngành tiến hành vào cuối tháng 7-2017 vừa qua cho thấy, vào lúc triều kiệt (nước ròng), dòng nước chảy từ trung tâm TP Cà Mau và Kênh xáng Lương Thế Trần về sông Gành Hào đã bị ô nhiễm.
Cụ thể, đoạn từ ngã ba Hòa Trung đến ngã ba Vàm Mương Điều (xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi), nước trên sông có màu trắng đục, cặn lơ lửng, có mùi hôi, tanh nhẹ. Còn tuyến sông từ Kênh xáng Lương Thế Trân đến ngã ba Hòa Trung, nước có mùi hôi, tanh. Đặc biệt tại khu vực xả thải của các nhà máy sản xuất Chitin (trên tuyến sông Gành Hào), nước sông ven bờ có màu đen nhạt, mùi hôi (từ quá trình phân hủy yếm khí) và có nhiều bọt khí.
Tổ liên ngành về bảo vệ môi trường tỉnh Cà Mau cũng tiến hành lấy 12 mẫu nước tại các đoạn sông có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, phần lớn các chỉ tiêu đều vượt chuẩn giới hạn cho phép, nước mặt tại các khu vực lấy mẫu đã bị ô nhiễm, phần lớn là ô nhiễm hữu cơ (COD, BOD 5). Môi trường nước bị ô nhiễm sẽ làm giảm, làm thiếu oxy hòa tan trong nước, hạn chế khả năng làm sạch của nguồn nước và hạn chế sự sinh trưởng, phát triển của thủy sinh vật trong nước, thậm chí có thể gây chết tôm, cá và nhiều thủy sản khác.
Nước sông đen ngòm ngay vị trí xả thải của một xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm trong Khu công nghiệp Hòa Trung
Về nguyên nhân bước đầu của tình trạng ô nhiễm nêu trên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau là do: nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý tại Trung tâm TP Cà Mau theo các tuyến sông chảy về hạ lưu khi triều kiệt; nguồn nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Hòa Trung (Nhân Dân điện tử phản ánh bài “Báo động tình trạng tôm, cá chết ở vùng sông nước Cà Mau) và khu vực Cảng cá Cà Mau.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau Trịnh Văn Lên cho biết: “Hai nguồn thải nêu trên nếu vào thời gian nước kém (lúc triều kiệt) sẽ trùng với thời điểm cống Cà Mau xả nước, nên chất thải gây ô nhiễm chảy theo sông Gành Hào về hướng Mương Điều (huyện Đầm Dơi) làm cho nồng độ oxy hòa tan (DO) giảm thấp, dẫn đến một số loài cá sống tầng đáy buộc phải nổi đầu lên mặt nước. Nếu duy trì trong thời gian dài, có thể làm cá chết”.
Trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước mặt và góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản địa phương, trong ngày 16-8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường: Nghiên cứu việc đóng, mở cống Cà Mau vào thời điểm thích hợp để hạn chế nguồn nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm từ Trung tâm TP Cà Mau chảy về sông, rạch trên địa bàn huyện Đầm Dơi – địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Cà Mau (từng xảy ra hiện tượng “cá chết trên sông, rạch” – PV); Tăng cường công tác trinh sát, giám sát, theo dõi địa bàn, nhất là tại các khu vực có cơ sở sản xuất, chế biển thủy hải sản trên tuyến sông Gành Hào và kênh xáng Lương Thế Trân; tiếp tục vận hành liên tục, ổn định Trạm quan trắc nước mặt tự động tại kênh xáng Lương Thế Trân và ba trạm khác đã đưa vào sử dụng.
Song hành với đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Tổ kiểm tra liên ngành tập trung theo dõi dấu hiệu vi phạm để tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn. Xây dựng hoặc điều chỉnh kế hoạch thanh tra phù hợp việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản trên địa bàn TP Cà Mau và huyện Cái Nước (dọc sông Gành Hào và kênh xáng Lương Thế Trân (nơi có Khu công nghiệp Hòa Trung (khu công nghiệp có mùi), bị dân phản ảnh xả thải gây ô nhiễm – PV). Ngoài ra, UBND huyện Đầm Dơi phân công cơ quan chuyên môn và UBND xã trên địa bàn thường xuyên theo dõi, kiểm tra hiện trường. Khi phát hiện có hiện tượng cá nổi đầu hoặc cá chết trên sông, rạch… phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau.
Ngoài nước thải, người dân bức xúc vì mùi hôi phát tán không khí từ một số cơ sở chế biến Chitin trong Khu công nghiệp Hòa Trung
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cà Mau là do quy hoạch ban đầu chưa hợp lý khi để khu công nghiệp nằm gần khu dân cư. Cho đến nay, ba khu công nghiệp lớn ở Cà Mau là Hòa Trung, Sông Đốc và Khánh An vẫn chưa xây dựng được hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Bởi vậy, việc xử lý thải còn lệ thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, cũng như trách nhiệm vì cộng đồng của doanh nghiệp.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước trong thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải TP Cà Mau; Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Hòa Trung để làm cơ sở cho Ban Quản lý các khu kinh tế mời gọi đầu tư xử lý nước thải tập trung, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.
Theo NDO