TP. Đà Nẵng: Cần mạnh tay xử lý cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn xả thải ra biển
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:01, 27/08/2017
(Moitruong.net.vn) – Hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại TP. Đà Nẵng, nhất là khu vực gần biển đang từng ngày “bức tử” môi trường. Để chấn chỉnh tình trạng này, góp phần bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các cơ sở kinh doanh xả thải trực tiếp ra biển.
Hiện nay, cùng với việc phát triển của ngành du lịch và cuộc cạnh tranh thu hút khách, hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng không ngừng được mở rộng và đa dạng hóa. Do đó, vấn đề xử lý môi trường tại các nhà hàng, khách sạn cần được quan tâm, nhất là những nhà hàng, khách sạn ven biển. Bởi, các điểm kinh doanh dịch vụ này thường lợi dụng để xả thải trực tiếp ra biển, gây ô nhiễm nguồn nước và làm mất mỹ quan của các khu du lịch ven biển.
Điển hình là tại thành phố Đà Nẵng, thành phố du lịch bậc nhất của cả nước lại diễn ra tình trạng nước thải đen ngòm, hôi thối từ các nhà hàng, khách sạn xả thải ra bãi biển Mỹ Khê, Thọ Quang, Mân Thái… Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm này và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Lượng nước thải từ các nhà hàng, khách sạn đổ ra biển ngày càng nhiều và đang nhanh chóng “bức tử” các bãi tắm ở Đà Nẵng.
Theo thống kê của Sở Du lịch Tp. Đà Nẵng, trong ba năm qua, phòng khách sạn trên địa bàn tăng 2.000 – 3.000 phòng /năm. Năm 2015 có 490 resort và khách sạn, trong đó khách sạn 1 – 2 sao chiếm 80,4% với 18.233 phòng. Đến năm 2016 con số resort và khách sạn đã tăng lên 575 với 21.324 phòng, tăng đến 3.091 phòng. Trong đó có 459 khách sạn 1 – 2 sao với 10.038 phòng, chiếm gần 80% tổng số cơ sở lưu trú. Ngoài ra, chỉ tính riêng khu vực ven biển có tới hàng ngàn nhà hàng lớn, nhỏ khác nhau. Như vậy, mỗi ngày các bãi biển ở Đà Nẵng phải hứng chịu hàng nghìn m3 nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn. Nếu Tp. Đà Nẵng không mạnh tay xử lý các nhà hàng, khách sạn xả thải vô tội vạ thì những bãi biển trên địa bàn sẽ bị ô nhiễm trầm trọng, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch của thành phố.
Hiện nay, do sự kiểm tra của các cơ quan quản lý về môi trường nên một số khách sạn đã xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng công tác vận hành, bảo trì hệ thống, kiểm tra chất lượng nước thải đầu ra còn nhiều vấn đề bất cập. Trừ một số khách sạn lớn, có uy tín thường xuyên duy trì, vận hành hệ thống xử lý nước thải, còn lại đa số vẫn sử dụng hệ thống xử lý nước thải để “làm cảnh”, đối phó với các cơ quan chức năng.
Bên cạnh công tác xử lý nước thải thì công tác xử lý rác thải tại các nhà hàng, khách sạn đóng vai trò rất quan trọng. Các nhà hàng, khách sạn thải ra một lượng lớn chất thải rắn, bao bì, các loại thức ăn thừa, các vật liệu sử dụng trong công việc vệ sinh và bảo trì, một vài thứ trong số này là độc hại. Trong nhiều trường hợp, chất thải được tập trung tại các thùng rác không thích hợp không phân loại ngay từ đầu hoặc được thải trực tiếp vào môi trường tự nhiên. Việc đổ bỏ chất thải không hợp lý có thể gây ô nhiễm đất và nước do các chất nhiễm bẩn thấm qua các đống rác xuống đất. Các bãi đổ rác được thiết kế không thích hợp có thể gây cháy, bốc mùi, phát sinh ruồi nhặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người xung quanh.
Để quản lý môi trường tại các nhà hàng, khách sạn có hiệu quả thì các cơ quan chức năng cần kiểm tra nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục hành chính về môi trường, biện pháp xử lý môi trường đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải. Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải bố trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát theo quy định. Thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các chủ nhà hàng, khách sạn tăng tần suất nạo vét cặn các hố ga, bể phốt để đảm bảo khả năng lắng cặn và phân hủy các chất hữu cơ của các bể xử lý.
Hoài An