Sông, hồ “chết” đang bủa vây các đô thị
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 07:43, 27/08/2017
(Moitruong.net.vn) – Vấn đề kiểm soát và xử lý nước thải tại các đô thị trên cả nước hiện nay còn nhiều bất cập. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhưng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp đã khiến sông, hồ “chết” xuất hiện ngày càng nhiều và bủa vây các đô thị lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, hiện, tại các đô thị vẫn còn những vấn đề nổi cộm về môi trường. Đó là vấn đề kiểm soát và xử lý nước thải đô thị. Mức độ gia tăng lượng nước thải tại các đô thị ngày càng tăng đã dẫn đến xuất hiện ngày càng nhiều sông, hồ “chết”.
Số liệu thống kê từ Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 cũng cho thấy, sông, hồ tại các đô thị đã trở thành nơi chứa nước thải. Tỷ lệ nước thải được xử lý chiếm 10 – 12%, còn lại là thải ra ngoài mà chưa qua xử lý. Chỉ có 42 đô thị trong tổng số 787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung, nhiều hệ thống đã xuống cấp. Đây là nguyên nhân tác động lớn đến chất lượng nước sông, hồ đô thị.
Với sự nỗ lực cải tạo, chất lượng nước tại một số sông, kênh, hồ nội thành, nội thị của một số thành phố lớn đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ô nhiễm nước mặt tại các khu vực sông, hồ, kênh, rạch trong nội thành, nội thị vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Phần lớn thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ (BOD5, COD), chất dinh dưỡng (Amoni) đều vượt chuẩn.
Mà nguyên nhân chủ yếu là do các khu vực này phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải từ một số cơ sở sản xuất trong nội đô… chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Điển hình là TP. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là những đô thị có mức độ ô nhiễm sông, hồ, kênh rạch nội thành nghiêm trọng nhất.
Trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cũng nêu rõ, đối với các hồ ở khu vực nội thành, chức năng chủ yếu là điều tiết nước, xử lý nước thải và tạo cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, do các hoạt động phát triển đô thị và ô nhiễm kéo dài, một số hồ bị thu hẹp, lấn chiếm, bồi lắng, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước và xử lý nước thải. Thêm vào đó là việc các khu dân cư xung quanh hồ chưa có hệ thống thu gom nước thải nên nước thải đô thị xả trực tiếp vào hồ làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Chính những điều này đã làm cho phần lớn các hồ nội thành, nội thị ở các đô thị đều bị ô nhiễm chất hữu cơ và chất dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau. Ô nhiễm nước hồ xảy ra không chỉ ở các thành phố lớn (loại đặc biệt, loại I) mà tại các đô thị nhỏ hơn (cấp II, cấp III), đây cũng đang là vấn đề nổi cộm ở nhiều địa phương.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra, các sông, kênh mương nội thành là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của các khu đô thị, chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng khá lớn. Tình trạng vứt rác bừa bãi, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống lòng sông, kênh mương khá phổ biến. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng sông, kênh mương xảy ra khắp nơi khiến diện tích mặt nước thu hẹp, cản trở dòng chảy.
Và tình trạng sông, hồ đô thị ô nhiễm đã xảy ra từ nhiều năm nay, điển hình như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Sét… (Hà Nội); kênh Ba Bò, kênh Tham Lương, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè… (TP.HCM). Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm nước sông, hồ tại các đô thị nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn ở mức báo động.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, để quản lý tốt công tác xả thải vào nguồn nước cần phải nghiên cứu cơ chế thực hiện việc thu tiền để xử lý nước thải gắn liền với thu tiền sử dụng nước hoặc thực hiện việc ký quỹ để thực hiện trách nhiệm xử lý nước thải theo quy định của pháp luật.
B.Liên