Cà Mau: Siết chặt quản lý việc xả thải tại Khu công nghiệp Hòa Trung
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 02:31, 23/10/2017
(Moitruong.net.vn) – Nằm giáp ranh TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Khu công nghiệp (KCN) Hòa Trung (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) đi vào hoạt động hơn bảy năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cũng từng ấy thời gian, người dân trong vùng khổ sở vì môi trường bị ô nhiễm nặng nề.
Mùi lạ, nước ô nhiễm từ KCN
Vào mùa mưa, người dân ở ấp Hòa Trung (xã Hòa Thành, TP Cà Mau) ra đường phải đeo khẩu trang, hoặc một tay bịt mũi, tay còn lại điều khiển xe gắn máy. Anh Từ Hữu Tình, một người dân sống trong ấp nói: Chẳng rõ KCN Hòa Trung sản xuất gì mà phát tán thứ mùi như xác động vật chết, gỡ khẩu trang ra là không thể chịu nổi. Tội nhất là hơn 100 học sinh hai điểm trường tiểu học. Ngoại trừ giờ ra chơi, các phòng học hầu như luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Thầy Nguyễn Minh Thủy, Trường tiểu học Hòa Thành 3 Khu B cho biết: “Tôi dạy lâu năm ở trường, ngửi cái mùi ấy mãi rồi bị viêm mũi luôn. Chỉ tội cho các em, nhiều lúc mùi nặng quá phải vừa học vừa bịt mũi”. Phó trưởng ấp Hòa Trung Huỳnh Bi Chúc cho biết: Mùi lạ xuất hiện từ khi KCN Hòa Trung đi vào hoạt động, một số xí nghiệp phơi vỏ tôm để chiết xuất chitin (chất để sản xuất một loại thực phẩm chức năng). Do phế phẩm phơi ngoài trời, mùi hôi thối phát tán cả một vùng rộng lớn. Nhiều người già, trẻ nhỏ trong ấp bị nhức đầu, viêm xoang. Vì thế Hòa Trung còn có thêm tên gọi là “xóm viêm xoang”.
Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân Lê Văn Hai cho biết: “Người dân bức xúc lắm, cho nên tiếp xúc cử tri lần nào cũng phản ánh vấn đề ô nhiễm. Nhưng đến nay, cơ quan chức năng tỉnh vẫn chưa giải quyết dứt điểm”. Khảo sát thực tế tại KCN Hòa Trung, chúng tôi được biết, các nhà máy, xí nghiệp ở đây tự xử lý chất thải, sau đó xả ra kênh xáng Lương Thế Trân theo đường ống dưới đáy kênh. Chưa rõ nguồn thải có đạt quy chuẩn hay không, nhưng khi nước triều rút, bằng mắt thường cũng có thể thấy, nước có mầu đen ngòm, các bãi sình ven bờ đen như than bùn, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. Trong khi đó, dòng nước từ kênh xáng Lương Thế Trân đổ ra sông Gành Hào, kênh xáng Ðội Cường và nhiều rạch nhỏ trên địa bàn xã thường được người dân lấy nuôi tôm và các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn nước luôn ngầu đục, mùi tanh, ảnh hưởng nhiều gia đình nuôi tôm.
Cuối năm 2016, đầu năm 2017, người dân trong vùng phản ánh nhà máy, xí nghiệp ở KCN Hòa Trung xả thải độc hại, ảnh hưởng nước sông phía hạ nguồn ở xã Tân Trung, Tạ An Khương (huyện Ðầm Dơi). Nhiều buổi sáng, mặt nước sông nổi đầy bọt như bọt xà-phòng, bốc mùi tanh hôi nồng nặc. Trong ấp, nhiều gia đình lấy phải nguồn nước ô nhiễm vào vuông tôm khiến tôm, cá trong vuông chết trắng. Ít nhất ba lần, chính quyền các địa phương nêu trên tiếp nhận phản ánh của người dân về hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông vào thời điểm triều kiệt. Từ phản ánh nêu trên và qua báo cáo của chính quyền huyện Ðầm Dơi, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Cà Mau xác minh, lấy mẫu nước phân tích. Kết quả cho thấy, phần lớn các mẫu nước đều bị ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép, không bảo đảm cho đời sống thủy sinh. Trong khi đó, Ðầm Dơi có hơn 70 nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản, là huyện nuôi tôm trọng điểm ở “vựa tôm” Cà Mau.
Không thể đánh đổi môi trường
Phó Giám đốc Sở TN-MT Cà Mau Huỳnh Thanh Dũng thừa nhận, một số xí nghiệp trong KCN Hòa Trung phát tán mùi khó chịu ra môi trường trong quá trình sản xuất. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành của sở xác định nước sông bị ô nhiễm vượt chuẩn, khả năng bắt nguồn từ nguyên nhân: Do một số xí nghiệp thuộc KCN xả thải độc hại hoặc nguồn nước thải chưa qua xử lý của các hộ dân, cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong khu vực thải trực tiếp ra sông.
KCN Hòa Trung có quy mô hơn 320 ha, có hơn 10 doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn trong lĩnh vực thủy sản. Các doanh nghiệp tự mua đất xây dựng nhà máy, tự lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tự xây hệ thống xử lý nước thải. KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Giám đốc Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Cà Mau Lê Minh Ái thừa nhận, tình trạng chung của các KCN trong tỉnh là chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư, một vài đơn vị tìm hiểu nhưng về sau đều rút lui. Theo đại diện Sở TN-MT, tuy chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng các doanh nghiệp trong KCN Hòa Trung đều phải cam kết nguồn thải đạt chuẩn cho phép trước khi thải ra sông, rạch. Thêm vào đó, thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải. Ngoài kiểm tra định kỳ, tỉnh thành lập Tổ tự quản môi trường, hỗ trợ cơ quan chức năng tỉnh kịp thời phát hiện xử lý những hành vi lén lút xả thải. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của Tổ còn gặp rất nhiều trở ngại. Theo ông Trần Vũ Luân, Tổ trưởng Tổ tự quản môi trường xã Lương Thế Trân, quy định nêu ống xả thải phải đặt trên mặt nước nhưng doanh nghiệp giấu tận đáy sông, rất khó phát hiện. Nhiều lúc, Tổ tự quản phải cử người kiểm tra vào ban đêm mới bắt quả tang hành vi xả thải nguy hại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ bất hợp tác và tìm mọi cách trì hoãn. Tổ tự quản cũng không được trực tiếp lấy mẫu nước từ ban đầu. Khi cơ quan chức năng xuống đến nơi, mẫu nước không còn như lúc mới phát hiện. Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân Lê Văn Hai cho rằng: Lẽ ra, sau khi kiểm tra, xử phạt, nên có chế tài đủ mạnh để buộc doanh nghiệp khắc phục nghiêm túc. Ðơn vị nào tái phạm phải kiên quyết đóng cửa, thậm chí bồi thường thiệt hại cho người nuôi tôm. Nếu chỉ phạt hành chính với mức “phạt cho có” thì sau khi đoàn kiểm tra rút về, doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để xả thải.
Lãnh đạo tỉnh có chủ trương và đang xúc tiến xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở KCN Hòa Trung bằng nguồn vốn vay ODA. Khi hoàn thành xây dựng, sẽ kiểm soát tốt hơn việc xả thải của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước mắt, chính quyền tỉnh Cà Mau cần có phương án chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ các hành vi cố tình xả thải, gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp tại KCN Hòa Trung.
Theo ND