Thanh Hóa cần có giải pháp khắc phục ô nhiễm ở các làng nghề chế biến hải sản

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 02:13, 05/01/2018

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, nghề chế biến hải sản ở các địa phương ven biển của Thanh Hóa đã và đang tạo ra các sản phẩm truyền thống đặc trưng của tỉnh mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề chế biến hải sản đang ngày càng báo động tại các địa phương của tỉnh Thanh Hóa.

Báo động ô nhiễm từ làng nghề thủy sản

Hiện xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) có 45 cơ sở kinh doanh và hộ chế biến hải sản với các sản phẩm hải sản khô và đông lạnh, nước mắm… Hàng năm, doanh thu chế biến hải sản của xã đạt gần 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động địa phương. Dù có nhiều lợi thế, nhưng hiện nay, lĩnh vực chế biến hải sản trên địa bàn xã Ngư Lộc đang gặp không ít khó khăn. Hầu hết các cơ sở chế biến thủ công, sản phẩm chế biến phơi khô là chủ yếu, quy mô nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nhất là xã Ngư Lộc, không có quỹ đất để các cơ sở chế biến mở rộng sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Hải Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết: Phần lớn các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn xã có diện tích sản xuất nhỏ hẹp, một số cơ sở chế biến tạm bợ ngay trên mặt đê biển, ảnh hưởng đến môi trường. Rác biển hiện nay một phần là do hoạt động mua bán hải sản, một phần là do thủy triều đẩy từ ngoài khơi vào. Hàng tháng xã tổ chức tổng vệ sinh; đồng thời, tích cực tuyên truyền để người dân không vứt rác xuống biển, nhưng lượng rác quá lớn không thể xử lý hết được. Vì vậy, dọc ven biển của xã Ngư Lộc đang tồn ứ hàng trăm tấn rác. Mùi rác thải cộng mùi tôm, cá tanh hôi nồng nặc đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Lâu nay, người dân xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) đang phải sống chung với ô nhiễm từ các cơ sở, hộ dân chế biến hải sản thủ công trên địa bàn gây ra. Chỉ cần đến đầu xã, mùi hôi tanh đặc trưng đã bốc lên nồng nặc. Toàn xã hiện có hơn 400 doanh nghiệp, HTX, cơ sở và hộ dân chế biến hải sản, phần lớn nằm trong khu dân cư. Vì vậy, các cơ sở này đã gây ô nhiễm về khí thải, nước thải.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Tĩnh Gia cũng đã rà soát, quy hoạch các cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường vào nơi tập trung, nhưng chưa thực hiện được do vướng mắc về quỹ đất của địa phương. Xã Hải Thanh thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường, xã đã đứng ra hợp đồng với Công ty TNHH Xuân Thành Công thu gom rác thải trên địa bàn. Tuy nhiên, với dân số hơn 10.000 người và lượng rác thải ra trên dưới 10 tấn/ngày, nên dọn không xuể, rác dồn ứ bốc mùi hôi khó chịu, nhiều hộ đem rác ra triền sông Lạch Bạng đổ gây ô nhiễm môi trường.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 500 hộ sản xuất hải sản khô và 6 làng nghề với hơn 1.000 hộ sản xuất nước mắm, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Xã Hải Thanh, Hải Bình, Hải Ninh (Tĩnh Gia); xã Quảng Nham (Quảng Xương); xã Ngư Lộc (Hậu Lộc)… các sản phẩm chủ yếu, như: Moi khô, mực khô, cá khô, tôm khô, rong biển. Hầu hết các làng nghề chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh đều còn sản xuất thủ công.

Các xưởng sản xuất đều được bố trí ngay tại hộ gia đình, gần khu vực sinh hoạt, gây khó khăn cho việc thu gom những chất thải, nước thải từ sản xuất. Thêm vào đó, nguồn nước thải và chất thải này không được xử lý đã gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cũng như ô nhiễm môi trường. Do sự thiếu nhận thức về các vấn đề môi trường cũng như thiếu nguồn kinh phí xây dựng các công trình xử lý chất thải nên việc cải thiện môi trường tại các làng nghề chế biến hải sản đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho bảo vệ môi trường tại các làng nghề chế biến hải sản chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống xử lý nước thải và khí thải tại các làng nghề hầu như chưa có và tại một số làng nghề nếu có thì cũng đã xuống cấp. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm từ các điểm sơ chế hải sản tươi ngay tại bờ biển đang là thực trạng đáng lo ngại ở một số địa phương ven biển. Phần lớn các điểm sơ chế vô tư xả trực tiếp nước thải ra bờ biển. Việc nước thải từ sơ chế hải sản tươi sống được xả thẳng ra môi trường đã gây ra tình trạng ô nhiễm.

Việc phát triển các làng nghề chế biến hải sản là định hướng cần được khuyến khích. Tuy nhiên, để nghề này phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, các hộ dân thuộc làng nghề cần thay đổi tư duy, từ bỏ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thủ công để tham gia vào mô hình làng nghề tập trung theo quy hoạch. Có như vậy, bài toán môi trường mới được giải quyết, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của các làng nghề chế biến hải sản.

Theo THO