Cao Bằng khó khăn trong xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:51, 05/03/2018

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn 7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Riêng năm 2017, tỉnh  Cao Bằng đã hoàn thành việc xử lý triệt để 3/7 cơ sở. Tuy nhiên, đến thời điểm này cả 3 cơ sở vẫn chưa được lập hồ sơ để đưa ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bãi rác thị trấn Nước Hai (Hòa An) khó khăn trong vận hành do chưa được đầu tư đồng bộ

Qua kiểm tra 56 cơ sở, năm 2017 không phát hiện thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong số các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xác định hoàn thành xử lý triệt để không phát hiện cơ sở nào gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trở lại. Riêng năm 3/7 cơ sở trong danh sách phải hoàn thành việc xử lý triệt để trong năm 2017 là Bãi rác Khuổi Kép, phường Đề Thám (Thành phố); Bãi rác thị trấn Nước Hai (Hòa An); Bãi rác thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh). Giai đoạn 2018 – 2020 còn 4 cơ sở phải hoàn thành việc xử lý triệt để là các Bãi rác thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm), Bãi rác Thị trấn huyện Nguyên Bình, Bãi rác huyện Trùng Khánh và Nhà máy Than cốc xã Đức Xuân (Thạch An).

Trong năm 2017, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Tại Bãi rác Khuổi Kép, phường Đề Thám (Thành phố), triển khai phương án đóng cửa bãi rác, năm 2016, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và môi trường đã đầu tư 1 ô chôn rác tại bãi rác Nà Lần, xã Chu Trinh (Thành phố) và đào, vận chuyển hơn 100.000 m3 rác thải thông thường, hơn 2 m3 rác thải nguy hại tại bãi rác Khuổi Kép về bãi rác Nà Lần để chôn lấp theo quy trình, đảm bảo hợp vệ sinh; tiến hành rắc vôi, khử trùng đất và lập chương trình quan trắc, giám sát môi trường tại khu vực bãi rác. Tổng kinh phí thực hiện dự án 19,9 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ gần 9 tỷ đồng, địa phương đối ứng 9,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa lập hồ sơ thủ tục xác nhận đã hoàn thành xử lý triệt để. Mặc dù dự án đã giải ngân hơn 18,8 tỷ đồng nhưng vẫn còn thiếu 1,1 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.

Có mặt tại Bãi rác thị trấn Nước Hai được đầu tư tại đồi Khuôn Tùng, xã Bế Triều (Hòa An), ông Bế Văn Quân, Phó Giám đốc Hợp tác xã Môi trường và quản lý chợ – đơn vị quản lý Bãi rác cho biết: Dự án cải tạo và nâng cấp bãi chôn lấp rác thải thị trấn Nước Hai có tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng được triển khai từ năm 2014. Dự án đã hoàn thành tất cả các hạng mục và bàn giao đưa vào sử dụng từ cuối tháng 6/2017. Hiện dự án đang xử lý rác thu gom tại khu vực thị trấn, các xóm Bản Vạn, Vò Đáo, xã Bế Triều với năng lực thu gom khoảng 8 m3 rác/ngày. Dự án được quyết toán với tổng kinh phí 16,7 tỷ đồng nhưng hiện mới được giải ngân 15,1 tỷ đồng, còn thiếu 1,6 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bãi rác cũng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến khó khăn trong vận hành. Hiện xe chở rác vào bãi không thể xuống hố rác nên phải đổ trên bờ. Trong khi Bãi rác chưa đầu tư máy xúc, máy ủi san gạt rác nên phải thuê lao động rất tốn kém. Còn hợp tác xã đang thiếu kinh phí để duy trì vận hành Hệ thống xử lý nước rỉ rác trong khi việc thu phí thu gom rác thải của các hộ dân và hộ kinh doanh cũng hạn chế.

Đối với Bãi rác thị trấn Hùng Quốc cũng trong điều kiện tương tự. Dự án có tổng mức đầu tư 18,9 tỷ đồng được triển khai từ năm 2014 và cũng hoàn thành tất cả các hạng mục đầu tư và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 6/2017. Dự án được phê duyệt quyết toán 15,776 tỷ đồng nhưng mới giải ngân gần 15,5 tỷ đồng, còn thiếu 282 triệu đồng. Với 3 bãi rác tại thị trấn Pác Mjầu và 2 huyện Nguyên Bình, Trùng Khánh, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Môi trường tỉnh đã lập dự án “Xử lý nâng cấp và cải tạo bãi rác khu vực Bảo Lâm, Nguyên Bình, Trùng Khánh” và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường xin kinh phí theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đang chờ ghi vốn để triển khai trong giai đoạn 2018 – 2020. Với Nhà máy Than cốc tại xóm Lũng Diều, xã Đức Xuân đã dừng hoạt động từ năm 2012. Qua đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành tháng 10/2017, do Nhà máy đã ngừng hoạt động (hiện không có đại diện chủ cơ sở) nên không có phát sinh các nguồn thải. Tuy nhiên, đoàn yêu cầu Công ty thực hiện các biện pháp lưu giữ, thu hồi các hóa chất hiện có trong các thiết bị tại nhà máy; xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, sự cố môi trường, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; khi hoạt động trở lại phải lập các thủ tục, hồ sơ hoàn thành việc xử lý triệt để.

Ông Đoàn Ngọc Báu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Cao Bằng cho rằng: Khó khăn lớn nhất trong triển khai kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chính là thiếu kinh phí để triển khai. Riêng 3 bãi rác Khuổi Kép, thị trấn Nước Hai và thị trấn Hùng Quốc kinh phí cấp còn thiếu khoảng 3 tỷ đồng so với quyết toán được phê duyệt. Ngoài ra, kinh phí thực hiện các dự án còn lại cũng khá lớn trong khi nguồn ngân sách của địa phương hạn chế. Kiến nghị tỉnh tiếp tục ghi vốn bổ sung kinh phí còn thiếu để sớm hoàn thành đưa 3 bãi rác Khuổi Kép, thị trấn Nước Hai, thị trấn Nguyên Bình ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tạo điều kiện tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho địa phương triển khai thực hiện các dự án xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo kế hoạch. Trước mắt, xem xét cấp kinh phí cho Dự án “Xử lý, nâng cấp, cải tạo bãi rác khu vực Bảo Lâm, Nguyên Bình, Trùng Khánh” để địa phương triển khai thực hiện.

Theo báo Cao Bằng