Hà Nội: Tồn tại 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:38, 14/03/2018
(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xác định còn tồn tại 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Đó là báo cáo của Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, chiều 13/3.
Ông Lê Tuấn Định – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát biểu
Theo Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đánh giá, qua kết quả thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường trong thời gian vừa qua cho thấy: số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn thấp, công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở được kiểm tra còn chưa được thường xuyên và nghiêm túc. Xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng các nội dung trong các hồ sơ pháp lý về môi trường…
Đặc biệt, trong năm 2017, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra tại 2.161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 16,5 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thanh, kiểm tra, Sở Tài nguyên Môi trường đã tiến hành rà soát, kiểm tra và xác định các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đến nay, qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã đã xác định 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường.
Trên cơ sở đó, năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai rà soát, đánh giá cụ thể, chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường tại các điểm đen, các khu vực bức xúc về môi trường trên địa bàn Thành phố để xây dựng lộ trình, biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tại các khu vực này.
Cũng trong năm 2017, Thành phố thực hiện công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C đối với 86 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh trên 49 hồ và máy sục khí trên 30 hồ, nạo vét bùn 6 hồ (Giáp Bát, Công viên Ngọc Lâm, Cầu Tình, Kim Liên lớn và nhỏ, Hồ Trúc Bạch (phần eo hồ) để hỗ trợ công tác duy trì chất lượng hồ. Trong năm 2018, Thành phố tiếp tục duy trì, nhân rộng việc xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C, đồng thời tiến hành triển khai nạo vét cải tạo Hồ Tây nhằm giảm lượng bùn thải, tăng lượng oxi cho hệ sinh thái dưới nước.
Ngoài ra, trong năm 2017, Sở Tài nguyên Môi trường đã tiến hành triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” trên địa bàn Thành phố, thí điểm tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, đồng thời, thử nghiệm chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trực tiếp tại đồng để làm phân bón hữu cơ, tốt cho đất. Kết quả cho thấy, chính quyền địa phương và bà con rất quan tâm và nghiêm túc thực hiện, hiệu quả của chế phẩm sử dụng cho kết quả cao.
Đáng chú ý, Thành phố đã triển khai Chương trình sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Năm 2017 đã tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong và nhu cầu, nhận thức của người dân đối với các loại bếp để từ đó đề xuất các giải pháp thay thế, không sử dụng bếp than tổ ong.
Năm 2018, một trong những giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường ở Thủ đô là huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, tập trung vào tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen về đốt rơm rạ theo lộ trình: Năm 2018 – Phường xã không đốt rơm rạ; Năm 2019 – Quận, huyện không đốt rơm rạ; Năm 2020 – Thành phố không đốt rơm rạ.
Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tuyên truyền đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành thay thế sử dụng bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến đạt tiêu chuẩn với nhiên liệu thân thiện môi trường, phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản xoá bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong và than tổ ong trên địa bàn Thành phố.
An An (T/h)