Ô nhiễm môi trường hệ quả của việc phát triển nuôi tôm ồ ạt
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 03:44, 13/03/2018
(Moitruong.net.vn) – Tại 2 xã Hoài Mỹ, Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đang diễn ra thực trạng phát triển nuôi tôm tự phát dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
>>>Hòa Bình: Lối vào Đền thờ Tam Vị Chúa Mường trở thành bãi rác
Vỏ bao bì chứa thức ăn cho tôm vứt ngổn ngang gây ô nhiễm môi trường
Ông Đặng Quốc Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, cho biết, trên địa bàn 2 xã Hoài Mỹ và Hoài Hải hiện có 2 vùng nuôi tôm. Trong đó, tại Hoài Mỹ, vùng nuôi tôm ở khu vực Bắc Lý, thôn Công Lương (19ha) nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, và vùng nuôi tôm tự do (18ha) nằm dọc đầm Nam Lý, thôn Công Lương.
Điều đáng nói, dù vùng tôm nuôi ở khu vực Bắc Lý đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống ao xử lý nước thải, nhưng người nuôi không xử lý theo quy trình hướng dẫn mà xả thẳng nước và chất thải chưa qua xử lý ra ngoài kênh mương, ao hồ khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm kéo dài.
Vùng nuôi tôm này chỉ cách các khu dân cư ở thôn Kim Giao Trung, Kim Giao Nam (xã Hoài Hải) con kênh rộng chừng 100m, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Trong khi đó, ở vùng nuôi tôm dọc đầm Nam Lý, hầu hết người dân đào ao nuôi tôm theo cách tự phát. Tuy một số hộ có đầu tư cải tạo ao nuôi theo hình thức nuôi cao triều bằng cách đắp đất và cát nâng đáy ao, lót đáy và mái ao bằng nilon, xây dựng ao chứa lắng để xử lý nước và chuyển từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, nhưng do không có quy hoạch nên mỗi ao có một cách cải tạo khác nhau.
Vì vậy, việc nuôi, xử lý nước và chất thải nuôi tôm cũng không theo một quy trình nào. Hệ quả, nguồn nước xung quanh vùng nuôi bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều ao hồ, kênh mương dọc đầm Nam Lý sau thời gian tích tụ nước và chất thải đã bốc mùi hôi thối. Nguồn lợi thủy sản ở đầm Nam Lý vì thế cũng suy kiệt nhanh chóng.
Theo Báo Bình Định