Sóc Sơn (Hà Nội): Hàng loạt các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, xây dựng không phép, thách thức pháp luật

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 16:58, 13/04/2018

Ba Vì (Hà Nội): Tràn lan lò gạch không phép đua nhau xả khói bụi, gây ô nhiễm môi trường

(Moitruong.net.vn) – Từ nhiều năm nay, cuộc sống của người dân xóm Hương Linh, thôn 9, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội rất bức xúc vì luôn phải sống trong cảnh khói bụi khét lẹt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi hoạt động của các xưởng sản xuất gỗ ép và phân loại phế liệu trái phép trên địa bàn. Trước những sai phạm của các xưởng sản xuất gỗ ép và phân loại phế liệu này, chính quyền nơi đây vẫn làm ngơ để cho các doanh nghiệp này hoạt động, gây mất lòng tin trong dân?

Dân kêu trời… vì ô nhiễm!

Những cột khói đen kịt, mùi khét lẹt đã tác động trực tiếp tới sinh hoạt và sức khỏe người dân 

Theo phản ánh của người dân tại xóm Hương Linh, thôn 9 xã Hồng Kỳ tới toà soạn Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn cho biết, những năm trở lại đây nhà xưởng sản xuất gỗ, ván ép của các ông Đinh Xuân Phong và Đinh Xuân Phú cùng xưởng phân loại phế liệu của ông Nguyễn Văn Chiến nằm sát khu dân cư, trong quá trình hoạt động sản xuất không có hệ thống xử lý khí thải, hóa chất độc hại, khói bụi, nước thải…. thải trực tiếp ra môi trường khiến người dân sống xung quanh đây thường xuyên gặp những vấn đề về sức khỏe như đau mắt, tức ngực, khó thở…. Đặc biệt, người già và trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mỗi khi các cơ sở sản xuất gỗ ván ép hoạt động, mùi keo và bụi phủ khắp khu dân cư, làm đảo lộn cuộc sống.

Theo bà N.T.H, người dân sống cạnh xưởng sản xuất gỗ ván ép bức xúc cho biết: “Hằng ngày khói bụi và mùi hóa chất lan tỏa khắp khu dân cư khiến ai nấy đều cảm thấy ngạt thở, đau đầu, mắt cay xè, nhất là những người đang đau yếu thì càng khổ sở hơn. Người dân chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến yêu cầu xưởng của các ông Phong và ông Phú có biện pháp khắc phục, nhưng đều không có kết quả và thiếu sự hợp tác”.

Ông Tr.D.Th, người dân sống lâu năm cạnh các nhà xưởng trái phép trên chia sẻ với phóng viên Môi trường và Cuộc sống: “Chúng tôi sống sát mấy cái nhà xưởng này đều không thể chịu nổi sự ô nhiễm trầm trọng bởi mùi hoá chất và khói bụi suốt ngày bao trùm quanh khu dân cư. Để đảm bảo môi trường và sức khỏe cộng đồng nơi đây, người dân chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu để các nhà xưởng hoạt động sản xuất gỗ ép và phân loại phế liệu  này chấm dứt ngay hoạt động và phải di dời xa khu dân cư nơi chúng tôi ở. Đặc biệt, nhà ông Nguyễn Văn Chiến đã tự ý xây dựng 3 nhà xưởng kiên cố, trái phép mà không bị UBND xã và Thanh tra xây dựng huyện đến kiểm tra và đình chỉ công trình sai phạm của ông chiến, rất có thể đã xảy ra tiêu cực nên ông Thọ chủ tịch xã mới không dám xử lý.”.

Không có trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, vì vậy nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất cao

Để “mục sở thị” quy mô công trình sai phạm cũng như hệ thống xử lý môi trường của các hộ sản xuất gỗ ép và xưởng phân loại phế liệu của ông Chiến, phóng viên Moitruong.net.vn đã đi thực địa nơi đây. Hiện ra trước mắt phóng viên là hàng loạt nhà xưởng sản xuất gỗ ép xây dựng trái phép, ống khói đen sì bốc cao ngùn ngụt, mùi khí thải khét lẹt, nồng nặc, khó thở cùng với đó là mùi keo dán gỗ khiến mắt cay xè. Ngoài ra tại khu đất xưởng gỗ ép của ông Đinh Xuân Phong và Đinh Xuân Phú hiện đang tiếp tục lấp đất để xây nhà xưởng, tại đây các chất thải nguy hại vứt la liệt ngoài môi trường không có nơi lưu giữ. Cây cối xung quanh phủ kín màu vàng của bụi gỗ.

Ông Nguyễn Văn Chiến đã tự ý xây dựng 3 nhà xưởng không phép, lấn chiếm hơn 4000 m2 đất công cho thuê vào mục đích kiếm lời, mà không hề vấp phải sự can thiệp của chính quyền xã Hồng Kỳ?

Tại xưởng của ông Nguyễn Văn Chiến đã tự ý xây dựng 3 nhà xưởng khung thép tiền chế trái phép đồ sộ, hiện đang cho các xưởng phân loại phế liệu thuê  gây mùi nồng nặc và nguy cơ về cháy nổ là rất cao. Trong xưởng công nhân đang làm việc hết sức nhộn nhịp, những túi nhựa, niong được chất cao như núi. Là nơi tập kết những đồ dễ gây cháy nhưng nhìn mỏi mắt xung quanh xưởng phóng viên cũng chỉ thấy được trang bị vài ba bình chữa cháy sơ sài. Liệu xưởng của ông Chiến đã được phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy? Được biết đây còn là bãi đỗ xe của công ty SamSung không phép được ông Chiến chiếm dụng cho thuê bất hợp pháp.

Chính quyền tiếp tay cho sai phạm?

Để làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng trên, phóng viên Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã liên hệ làm việc với ông Đỗ Thế Thọ – Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ, tuy nhiên ông Thọ bận việc gia đình nên đã giao cho ông Nguyễn Công Hưng – Phó Chủ tịch phụ trách mảng kinh tế UBND xã và Nguyễn Hồng Trường – cán bộ địa chính cùng ông Dũng – cán bộ Thanh tra xây dựng làm việc với phóng viên. Đúng theo lịch làm việc, 8h sáng, ngày 12/4/2018  phóng viên có mặt tại trụ sở UBND xã Hồng Kỳ để làm việc thì được bà  Hoàng Thị Hà – Phó chủ tịch UBND phụ trách mảng văn hoá xã hội tiếp. Vì bà Hà không phụ trách vấn đề kinh tế nên không hiểu sâu được, sau đó phóng viên đã đề nghị bà Hà liên hệ với ông Nguyễn Công Hưng – Phó chủ tịch phụ trách kinh tế làm việc với phóng viên thì nhận được câu trả lời ông Hưng đang họp ở huyện.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Trường – Cán bộ địa chính xã Hồng Kỳ trả lời phóng viên đều nói ” tất cả không biết”?!

Qua trao đổi với bà Hà và ông Trường, được biết: Hiện nay trên địa bàn xóm Hương Ninh có 6 xưởng sản xuất xẻ gỗ và 2 xưởng sản xuất gỗ ép, xưởng của 2 anh em ông Phong, ông Phú sản xuất lớn nhất. Tất cả các xưởng trên hoạt động từ khoảng năm 2015. Bên cạnh đó xã không có quy hoạch đất ở xóm Hương Ninh để làm khu sản xuất gỗ ép và phân loại phế liệu. Trước kia ông Phong đã có đề án xin chuyển đổi mô hình sản xuất nhưng không được huyện phê duyệt.

Khi được hỏi về nguồn gốc đất của các hộ sản xuất gỗ ép và xưởng phân loại phế liệu của ông Chiến cùng các thủ tục, hồ sơ về đất đai thì ông Trường bảo mới về xã làm việc được 1 năm nên không nắm rõ?! sẽ kiểm tra lại rồi trả lời phóng viên sau.

Tại khu đất mà hộ ông Đinh Xuân Phong, ông Đinh Xuân Phú đang hoạt động sản xuất, tình trạng san lấp đất trái phép tràn lan, đang được diễn ra công khai trước sự ” bất lực” của chính quyền xã Hồng Kỳ.

Vậy 1 năm qua với nhiệm vụ là cán bộ địa chính mà không nắm được hồ sơ về đất đai thì ông Trường hiện đang làm những gì tại UBND xã? Được biết sau khi phóng viên liên hệ về làm việc, ông Thọ – Chủ tịch xã đã giao nhiệm vụ cho ông Trường cán bộ địa chính và ông Dũng cán bộ thanh tra xây dựng tới kiểm tra các đơn vị trên nhưng thực tế có vẻ ông Trường và ông Dũng đến kiểm tra chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” và về trong “vui vẻ”?

Liên quan đến trách nhiệm của thanh tra xây dựng về việc để các xưởng “mọc lên như nấm” xây dựng không phép và hoạt động nhộn nhịp suốt nhiều năm qua, phóng viên đã đề nghị bà Hà – Phó Chủ tịch gọi điện yêu cầu ông Dũng lên làm việc. Nhưng dường như tại xã Hồng Kỳ, lãnh đạo xã không có tiếng nói, trên bảo dưới không nghe. Ông Dũng đã trốn tránh, không chịu làm việc với phóng viên. Liệu có điều gì khuất tất ở đây? Phải chăng ông Dũng đang cố tình trốn tránh, cùng một số Lãnh đạo xã đang “bảo kê”cho các doanh nghiệp trái phép hoạt động?

Trước thực trạng các nhà xưởng sản xuất gỗ ép của ông Đinh Xuân Phong, ông Đinh Xuân Phú và nhà xưởng phân loại phế liệu của ông Nguyễn Văn Chiến gây ô nhiễm môi trường, xây dựng không phép và sử dụng đất sai mục đích. Trách nhiệm thuộc về UBND xã Hồng Kỳ hay UBND huyện Sóc Sơn?

Dư luận cho rằng, vấn đề này cần phải được UBND thành phố Hà Nội xem xét và xử lý một cách minh bạch cũng như làm rõ trách nhiệm, đối với các cá nhân và tập thể lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn và xã Hồng Kỳ.

Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những bài tiếp theo.

Trung Thành – Thùy Dương

Trung Thành – Thùy Dương