Lò đốt rác gần 1 tỷ đồng không phát huy hiệu quả, ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 03:52, 12/04/2018
(Moitruong.net.vn) – Từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, huyện Pác Nặm đã được đầu tư gần 1 tỷ đồng để thực hiện xây dựng lò đốt rác, xử lý rác thải sinh hoạt sau khi được thu gom ở trung tâm huyện. Tuy nhiên, lò mới được đưa vào sử dụng chưa lâu thì đã phải dừng hoạt động nhiều tháng nay. Không có lò xử lý rác thải, người dân đang phải sống chung với ô nhiễm môi trường.
Lò đốt rác được đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đã phải dừng hoạt động vì phát sinh chi phí, một số bộ phận của lò đã có hiện tượng hỏng hóc
Lò đốt rác được xây dựng ở thôn Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn cách trung tâm huyện Pác Nặm khoảng 3km. Theo hồ sơ thì thời gian lắp đặt lò đốt rác bắt đầu từ ngày 25/6/2017 đến ngày 09/8/2017 đã xây dựng hoàn thành được bàn giao lò đốt cho địa phương sử dụng, vận hành, công suất đốt từ 300 – 500 kg/giờ (tương đương 2m3). Đơn vị được bàn giao để quản lý, vận hành là Ban quản lý chợ và Bến xe Pác Nặm. Thời gian qua, do lò đốt rác ngừng hoạt động, việc xử lý rác thải không đảm bảo đã bốc mùi hôi, thối, ô nhiễm không khí, xuất hiện ruồi, nhặng làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân sống ở gần đó.
Theo đồng chí Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Khuổi Ỏ, thì thời gian gần đây, người dân trong thôn đã có nhiều ý kiến phản ánh vì bãi rác nhiều ngày không được xử lý làm bốc mùi hôi, thối, khu vực các hộ gia đình sinh sống xuất hiện nhiều ruồi, nhặng, nhất là khi đến bữa ăn và buổi tối khi thắp bóng điện thì ruồi nhặng kéo vào nhà rất nhiều. Toàn thôn có 10 hộ gia đình có nhà cách bãi rác khoảng 300m đang bị ảnh hưởng trực tiếp và 20 hộ có đất sản xuất ở gần khu vực rác thải cũng bị ảnh hưởng trong quá trình sản xuất. Người dân bức xúc khi lò đốt rác mới được đưa vào sử dụng chưa lâu thì đã phải dừng hoạt động, rác thải hàng ngày đưa về không được xử lý kịp thời làm ô nhiễm môi trường sống của người dân. Việc này cũng đã được thôn báo cáo với lãnh đạo UBND xã Nhạn Môn.
Qua tìm hiểu thực tế tại khu vực xử lý rác thải ở thôn Khuổi Ỏ, cho thấy hiện nay nguồn rác thải vẫn được Ban quản lý chợ và Bến xe vận chuyển về hàng ngày, bình quân mỗi ngày khoảng 4m3 rác. Rác được vận chuyển về có khi vài ngày mới được đơn vị xử lý bằng cách thủ công, rác không được phân loại mà thực hiện dồn đổ đống rồi đốt, hoặc phun chế phẩm sinh học. Sau khi đốt mà lượng rác tồn dư do không cháy, thường thì một đến hai tuần thì đơn vị xử lý rác mới thuê máy xúc về san gạt đất để chôn lấp.
Dẫn chúng tôi đến xem thực thực tế về lò đốt rác mới được xây dựng, cách bãi xử lý rác thủ công khoảng 100m, ông Dương Văn Huy- Trưởng Ban quản lý chợ và Bến xe Pác Nặm thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc lò đốt rác phải tạm ngừng hoạt động là do việc phân loại rác trước khi đưa vào lò đốt rất mất nhiều thời gian, đơn vị phải thuê nhân công ở ngoài để phân loại và xử lý rác là chất thải rắn và tro xỉ sau khi đốt, mỗi tháng chi phí thuê người hơn 5 triệu đồng để duy trì đốt lò. Tuy nhiên nguồn kinh phí của đơn vị không đủ nên từ cuối tháng 1/2018 đến nay lò đã phải dừng hoạt động. Hơn nữa, mặc dù mới được đưa vào sử dụng nhưng một số bộ phận trong lò đốt rác đã hỏng hóc, nếu tiếp tục sử dụng phải sửa chữa.
Do thiếu nguồn kinh phí để duy trì hoạt động lò đốt rác, ngày 04/01, Ban quản lý chợ và Bến xe Pác Nặm đã có văn bản đề nghị UBND huyện cấp bù kinh phí nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Theo đồng chí Nguyễn Đình Điệp- Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm thì kinh phí xử lý rác thải chủ yếu là từ thu phí vệ sinh từ các cơ quan và các hộ dân đóng tại trung tâm huyện, khi đưa lò đốt rác vào hoạt động lại phát sinh thêm chi phí nên đơn vị được giao vận hành không đủ chi phí. Hiện nay, UBND huyện Pác Nặm cũng chưa cân đối được nguồn kinh phí để cấp bù nên việc xử lý rác thải sẽ phải xử lý thủ công là đốt và chôn lấp.
Hiện nay, người dân ở thôn Khuổi Ỏ và UBND xã Nhạn Môn mong muốn UBND huyện và các đơn vị có liên quan cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng chậm xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Theo báo Bắc Kạn