Phát hiện bãi phế liệu “khổng lồ” dưới lòng đại dương Thái Bình Dương

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 05:30, 11/05/2018

(Moitruong.net.vn) – Dưới đáy khe vực Mariana – nơi sâu nhất thế giới, thuộc Thái Bình Dương, một thợ lặn đã dùng máy ảnh để ghi hình ảnh của “thập cẩm” những loại rác thải nguy hại, khó phân hủy đang ngày đêm “bức tử” hệ sinh thái đại dương.

Một con sao biển thuộc loài hiếm gặp sống ở nơi sâu nhất thế giới đang nghịch ngợm với túi nhựa – Ảnh: JAMSTEC

Thực hiện nghiên cứu khảo sát khu vực biển sâu, một thợ lặn đã dùng máy ảnh để ghi lại hàng loạt những minh chứng cho thấy môi trường biển của Trái Đất đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong số những hình ảnh chụp được, thì đặc biệt nhất có lẽ chính là ảnh của một chú sao biển đang loay hoay, “nghiên cứu” một túi túi nhựa lớn ở độ sâu 10.898 của đáy đại dương Thái Bình Dương.

Được biết, chương trình nghiên cứu đã khảo sát khu vực biển sâu, cách đất liền 1.000km trở đi. Các thước phim cho thấy nhiều bãi rác khổng lồ do con người tạo ra giữa những vùng đất được cho là hoang vắng và bí ẩn nhất.

Các dữ liệu đã được thu thập từ vài chục năm trước – ví dụ hình ảnh chiếc túi nhựa chỉ được công bố sau 20 năm. Đáng buồn là càng ngày các nhà khoa học càng không mấy khó khăn để tìm thấy những mảnh “ve chai” khắp đại dương nữa.

Tổng cộng có dữ liệu của 5.010 lần lặn khác nhau và 3.425 đồ vật của con người đã được nghiên cứu kỹ. Hơn 33% trong số đó là nhựa dẻo, 26% là kim loại, 1,8% là cao su, 1,7% là các dụng cụ câu cá, 1,4% là thủy tinh, 1,3% là vải – giấy – gỗ và 35% là các thứ không được phân loại.

89% rác nhựa là các sản phẩm sử dụng một lần. Nếu xét riêng khu vực đại dương sâu từ 6.000 m trở lên, hơn một nửa số rác là nhựa và hầu hết đều là đồ sử dụng một lần.

Nhật Bản – quốc gia rất chú trọng đến vấn đề môi trường – đã kêu gọi người dân quay lưng với các sản phẩm nhựa dùng một lần – nguyên nhân lớn khiến núi rác thải không thể phân hủy của con người ngày một chất chồng khắp thế giới.

Theo NLĐO

Theo NLĐO