“Rác tặc” hoành hành tại Tp. Hà Nội

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 10:00, 23/05/2018

(Moitruong.net.vn) – Thời gian vừa qua, trên địa bàn Tp. Hà Nội diễn ra tình trạng đổ trộm rác thải ở nhiều nơi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Việc đổ trộm rác dường như trở thành một bài toán khó giải đối với các cơ quan chức năng vì “rác tặc” thực hiện hành vi xả trộm rất tinh vi.

Rác thải bị đổ trộm có nhiều loại nhưng chủ yếu là vật liệu xây dựng

Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông mà còn dễ lây nhiễm nhiều loại bệnh tật, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Song để ngăn chặn nạn đổ trộm rác thải lại rất khó khăn.

Hoài Đức là địa bàn ven đô còn nhiều bãi đất trống là địa điểm lý tưởng cho các đối tượng đổ trộm rác thải tìm đến. Dọc các xã An Thượng, Song Phương… xuất hiện nhiều đống phế thải mà các đối tượng đổ trộm tuồn xuống. Để ngăn chặn nạn đổ rác thải, chính quyền các xã trên đã làm biển báo “cấm đổ rác thải” hoặc làm hàng rào sắt ngăn cản không cho xe ô tô ghé vào xả rác. Thế nhưng ngăn chỗ này, đối tượng đổ trộm lại tìm cách đổ chỗ khác.

Nói về khó khăn trong việc đối phó với nạn đổ trộm rác thải, ông Nguyễn Đức Khoa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Phương (Hoài Đức) cho biết: Xã có hơn 2km đường bám Đại lộ Thăng Long, địa bàn rộng, trong khi lực lượng công an xã mỏng, có hơn 10 đồng chí. Trong khi đó, đối tượng chỉ cần cho xe tấp vào lề đường là đổ được rác thải xuống.

Trường hợp công an xã có bắt được xe đổ trộm cũng gặp trở ngại khi các đối tượng huy động dân “anh chị” có “máu mặt” đến giải cứu. “Việc xử lý rất khó khăn, chúng tôi chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn nạn đổ trộm rác thải trên Đại lộ Thăng Long”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Phương bộc bạch.

Quận Hoàng Mai cũng là một trong những “bãi đáp” mà các đối tượng đổ rác thải thường chọn lựa mỗi khi có nhu cầu. Khu vực thường xuyên diễn ra tình trạng đổ trộm phế thải, rác thải có thể kể đến như: Chân cầu Thanh Trì, đoạn đê Nguyễn Khoái; dọc sông Lừ, phường Đại Kim; tuyến đê Hữu Hồng, phường Yên Sở…

Một cư dân phường Thanh Trì (Hoàng Mai) than thở: Một số diện tích đất nông nghiệp của địa phương đã không thể canh tác khi phế thải đổ xuống. Từ khối lượng nhỏ, dần trở thành đống lớn, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, người dân rất bức xúc nhưng không biết làm cách nào để ngăn chặn “rác tặc”.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với một doanh nghiệp nhập hai dây chuyền nghiền nhỏ vật liệu xây dựng để tái sử dụng. Cùng với đó, một số bãi rác trên địa bàn thành phố cũng sẵn sàng nhận xử lý rác thải của các công trình xây dựng. Song ở hai cách thức xử lý rác trên đều phải chi trả một khoản kinh phí hoặc có mặt bằng để thực hiện lắp đặt dây chuyền nghiền. Do vậy, nhiều hộ dân hoặc chủ công trình xây dựng chọn phương thức giao khoán cho “rác tặc”.

Còn phải kể đến nguyên nhân, đó là một số người dân, chủ công trình xây dựng ý thức kém, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, dẫn tới tình trạng đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng bùng phát như hiện nay. Để xử lý dứt điểm nạn đổ trộm rác, phế thải trên địa bàn thành phố, bên cạnh sự vào cuộc của các ban, ngành, chính quyền địa phương, cần siết chặt quy định chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải ký hợp đồng thuê đơn vị thu gom phế thải khi thi công công trình, đồng thời xử phạt nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm.

Theo TTXVN

Theo TTXVN