Đừng để Việt Nam “ngộp thở” vì rác thải công nghiệp
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:32, 29/06/2018
(Moitruong.net.vn) – Trung Quốc ngưng nhập khẩu rác thải khiến Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác có nguy cơ trở thành điểm tập kết rác thải công nghiệp. Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan vừa có thông tin về việc phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam và lượng phế liệu ùn ứ tại nhiều cảng trên cả nước.
>>>Thế giới sẽ ngập trong rác thải nhựa vì Trung Quốc cấm nhập khẩu rác
Nhiều cảng biển Việt Nam bị ứ đọng container chứa hàng lậu, rác thải – Ảnh: CAND
Theo báo cáo mới đây của Cục Hải quan Tp. HCM cửa ngõ nhập hàng hóa lớn nhất nước đang tồn hơn 3.000 container hàng phế liệu nhập khẩu đã và đang nằm tại cảng quá thời hạn quy định.
Lượng phế liệu nhập khẩu vô chủ này không chỉ gây nguy hại cho môi trường và khiến ảnh hưởng đến năng lực xếp dỡ và cất trữ của cảng. Một số cảng phía Nam đang chật vật xử lý kho bãi khi có đến gần 1.000 container phế liệu tồn kho ở đây.
Theo số liệu các đơn vị cảng báo cáo với Cục Hàng hải Việt Nam, hiện đang có một lượng lớn hàng tồn kho tại các cảng. Tại Tân cảng Cát Lái, quận 2, Tp. HCM hiện đang tồn trên 90%, riêng hàng nhập tồn 102,8% và hàng xuất là 67%. Trong đó, nhựa và giấy phế liệu tồn trên 40 ngày là 8.500 teus, trong đó có 3.500 teus tồn trên 60 ngày và từ 40 ngày đến dưới 60 ngày là 5.000 teus.
Tại bãi cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) lượng hàng tồn là 24.786 container, tương đương 99,94%. Theo Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), từ năm 2017 đến nay, đã có hàng trăm vụ vi phạm nhập khẩu phế liệu đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, xử lý.
Từ năm 2017 đến nay, đã có hàng trăm vụ vi phạm nhập khẩu phế liệu đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, xử lý – Ảnh minh hoạ
Tình trạng ứ đọng phế liệu nhập khẩu tại các kho bãi các cảng miền Nam hiện nay là do nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình nhập khẩu. Đến khi hoàn tất được các giấy tờ cần thiết để thông quan thì phí lưu kho bãi đã đội lên cao, vì thế họ “bỏ của chạy lấy người”.
Thậm chí, có cả những đối tượng cố tình tiếp nhập phế liệu để kiếm tiền chứ không nhằm mục đích tái sản xuất. Ngoài việc nhập khẩu sắt thép phế liệu, máy móc, hiện một số phế liệu khác còn được nhập khẩu về Việt Nam trong đó có tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô. Hiện mặt hàng này nằm phần lớn ở các cảng biển, trong đó đặc biệt là các cảng biển quốc tế.
Tính đến hết ngày 15/6, Việt Nam nhập hơn 2,28 triệu tấn sắt thép phế liệu, với kim ngạch hơn 816 triệu USD. Lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu tăng hơn 800.000 tấn, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đã tăng hơn 50%.
Trước tình hình phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, khiến số lượng ùn ứ tại nhiều cảng trên cả nước, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam phải được lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Trong một thông báo vừa phát đi, Tổng cục Hải quan yêu cầu đối với hàng hóa khai báo là phế liệu nhập khẩu, khi thực hiện thủ tục hải quan, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Trong quá trình lấy mẫu phải chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Theo Congluan