Bãi rác Đại Hiệp kêu cứu!
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 11:00, 29/06/2018
(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, bãi rác Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã quá tải, gây ô nhiễm trầm trọng các khu dân cư lân cận. Đáng lo hơn, các hạng mục của lò đốt rác mới vẫn dậm chân tại chỗ. Nguy cơ “vỡ trận” sau khi bãi rác Đại Hiệp đóng cửa đã trông thấy.
Công tác thu gom rác không đảm bảo, tình trạng rác thải vứt bừa bãi là thực trạng không hiếm ở Quảng Nam
Bãi rác Đại Hiệp đang “quá tải”
Bãi rác Đại Hiệp hoạt động từ năm 2007 với tổng diện tích khu xử lý rác là 7,8ha gồm hai hộc, trong đó hộc số 1 đã đóng cửa vào năm 2012, hộc số 2 đã sử dụng khoảng 80% diện tích. Bãi rác có công suất chôn lấp rác thải 207 tấn/ngày, xử lý rác của huyện Đại Lộc, Điện Bàn và Duy Xuyên. Theo quy định, hộc số 2 sắp đầy, được đề nghị đóng cửa vào cuối năm 2017 theo chỉ đạo của tỉnh. Để thay thế khu xử lý rác thải Đại Hiệp sau khi đã lấp đầy, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án lò đốt rác thải tập trung tại xã Đại Nghĩa theo hình thức đối tác công – tư, giao Sở Tài nguyên – Môi trường làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong thủ tục, dự án triển khai chậm so với tiến độ. Trong thời gian chờ đợi dự án hoàn thiện, tỉnh đã chấp thuận lùi thời hạn đóng cửa của bãi rác Đại Hiệp đến hết tháng 12 – 2018 nhằm duy trì ổn định công tác xử lý rác thải cho các địa phương trên. Chính thực trạng này đã làm cho bãi rác trở nên quá tải bởi còn 6 tháng nữa mới đến thời hạn đóng bãi trong khi bãi rác mới quá chậm tiến độ. Hiện nay, bãi rác Đại Hiệp đã quá tải, gây ô nhiễm trầm trọng các khu dân cư lân cận. Vụ sản xuất năm 2017, bãi rác rò rỉ nước thải ra khu vực sản xuất lúa gần đó gây thiệt hại năng suất cho cả chục héc-ta.
Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: “Ô nhiễm, quá tải là điều hiển nhiên và đang ngày càng trầm trọng hơn bởi thực tế hộc rác số 2 đã đầy nhưng vẫn phải “chịu” nhận thêm rác mỗi ngày. Điều địa phương lo nhất lúc này là các hạng mục của lò đốt rác xã Đại Nghĩa vẫn dậm chân tại chỗ, nguy cơ “vỡ trận” sau khi bãi rác Đại Hiệp đóng cửa đã trông thấy”.
Lúng túng với “lò đốt rác”
Trước thực trạng các bãi rác, khu xử lý chất thải rắn (CTR) không đáp ứng được năng lực xử lý, UBND tỉnh chủ trương đầu tư hệ thống lò đốt theo tiêu chuẩn quy định hiện hành. Mục tiêu đến năm 2020, Quảng Nam sẽ hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường; đồng thời phấn đấu sẽ thu gom và xử lý 100% lượng CTR sinh hoạt tại các đô thị, 90% tại các điểm dân cư nông thôn. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trên, đối với Quảng Nam đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi đến thời điểm 2020 chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa. Trong khi đó, theo các số liệu thống kê của tỉnh, hiện mỗi ngày địa phương này có lượng CTR phát sinh hơn 1.120 tấn nhưng năng lực thu gom, xử lý khoảng 610 tấn/ngày (chiếm hơn 50%).
Bất cập lớn trong xử lý CTR tại các địa phương là chưa phân loại rác thải tại nguồn để xử lý triệt để. Hiện cả tỉnh chỉ có một nhà máy sản xuất phân compost xử lý rác sinh hoạt tại xã Cẩm Hà (TP Hội An) với công suất thiết kế 55 tấn/ngày. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên – Môi trường, chính quyền các địa phương triển khai quy hoạch quản lý CTR còn chậm. Nhiều điểm quy hoạch xử lý rác thải không còn phù hợp. Hai đô thị lớn là TP Tam Kỳ và Hội An, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 88 – 95%, trong khi đó khu vực nông thôn và miền núi chỉ đạt 35 – 42%. Việc lựa chọn vị trí xây dựng khu xử lý rác thải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường theo quy định rất khó khăn.
Thực tế không chỉ Đại Lộc mà nhiều bãi rác quy mô lớn như: Tam Xuân 2 (Núi Thành), Cẩm Hà (Hội An)… cũng luôn trong tình trạng quá tải. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu vừa chủ trì cuộc họp với Sở Tài nguyên – Môi trường, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam để bàn các giải pháp thúc đẩy triển khai các dự án xử lý rác thải tập trung trên địa bàn. Hiện tỉnh Quảng Nam có 4 dự án về xử lý rác thải tập trung, gồm: Khu xử lý rác thải Đại Hiệp, Đại Lộc; Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa, Đại Lộc; Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Quế Cường, Quế Sơn; Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, Núi Thành, khu xử lý rác thải Cẩm Hà, Hội An.
Ông Thu đề nghị các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Tài nguyên – Môi trường tiếp tục thảo luận, nghiên cứu và tham mưu các giải pháp thúc đẩy các dự án xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh. Áp dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến, dừng công nghệ chôn lấp chuyển sang công nghệ đốt. Thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án xử lý rác thải.
Theo Cadn