Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, gắn với bảo vệ môi trường
Kinh tế - Ngày đăng : 12:30, 12/01/2023
Phát triển nông nghiệp xanh ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái. Trong đó, vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng bao gồm các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ và một phần của tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.
Đây là vùng sinh thái nước ngọt an toàn trước tác động của lũ, ngập, xâm nhập mặn; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, thủy sản nước ngọt và trái cây của vùng ĐBSCL và quốc gia; phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan, đóng vai trò điều tiết và hấp thu lũ cho ĐBSCL.
Đối với vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển, bao gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An. Đây là vùng phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, mặn - lợ trên bờ và trên biển; đánh bắt hải sản; khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và dải bờ biển; phát triển hệ thống nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái; chủ động phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trong khi đó, vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng (bao gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An) được định hướng phát triển thủy hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu phù hợp với điều kiện về nguồn nước theo mùa.
Vùng ĐBSCL tập trung phát triển sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm (thủy sản, trái cây và lúa gạo). Trong đó, tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Các tỉnh trong vùng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistic, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp…
Nhằm hỗ trợ nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, Chính phủ có cơ chế, chính sách thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai, hình thành vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu quy mô lớn, có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực: Giống, thức ăn và chế biến; tăng cường canh tác bền vững bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường
Toàn vùng tập trung bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu theo hướng tích hợp các hành động, gồm: Quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường (nước, đất và không khí), thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường theo thời gian thực, chuyển đổi sản xuất năng lượng theo hướng thân thiện với môi trường, liên kết trong quản lý rác thải nhựa đại dương, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Cùng với bảo vệ môi trường, vùng ĐBSCL tiếp tục bảo vệ và phát triển 21 khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập, 23 khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập mới, 1 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, 9 vùng đất ngập nước quan trọng ở các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long.
Bên cạnh đó, thành lập và vận hành 1 hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh kết nối Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; xây dựng khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng kết nối giữa U Minh Thượng và U Minh Hạ; vùng Bảy Núi và vùng trũng Trà Sư; vùng sinh thái ngập trũng Đồng Tháp Mười, nối từ Tràm Chim tới Láng Sen.
Về định hướng lâu dài, đối với vùng thượng ĐBSCL, chủ động kiểm soát lũ, ứng phó với lũ cực đoan, phòng, chống sạt lở bờ sông để bảo vệ khu dân cư, công trình hạ tầng, diện tích trồng lúa 2 vụ, nuôi trồng thủy sản; cải tạo các trục thoát lũ ra biển Tây và từ Đồng Tháp Mười ra hướng sông Tiền, sông Vàm Cỏ. Đây là vùng bảo vệ không gian thoát lũ, kết hợp nghiên cứu giải pháp trữ nước lũ vùng ngập sâu.
Đối với vùng giữa ĐBSCL, tập trung hoàn thiện hệ thống, công trình thủy lợi để chủ động cấp nước; nâng cấp đê bao, bờ bao bảo vệ đô thị, khu dân cư; nghiên cứu thiết kế hệ thống kênh mương, bờ vùng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tập trung để đảm bảo liên thông trao đổi nước; chủ động trữ nước và nghiên cứu công trình chuyển nước ngọt ra vùng ven biển.
Đối với vùng ven biển, đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi kiểm soát nguồn nước để cấp nước sinh hoạt, chủ động cấp nước ngọt, mặn phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Vùng này tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp tuyến đê biển, hệ thống kè giảm sóng gây bồi kết hợp với trồng rừng bảo vệ đê biển, bờ biển; hạn chế, sử dụng hợp lý nước ngầm phục vụ sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản nhằm phòng tránh sụt lún, sạt lở. Đồng thời, ứng dụng, chuyển giao công nghệ thu, trữ, xử lý nước tại chỗ phục vụ sinh hoạt trong thời gian hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, công nghệ xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản.