Xuân về nơi giúp người lầm lỗi hoàn lương

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 09:00, 21/01/2023

100% phạm nhân đã tiêm xong 3 mũi vắc-xin, không có phạm nhân tử vong vì Covid-19; các phân trại đều có hệ thống xử lý rác thải, hệ thống nước lọc tinh khiết,…. là một trong những điều mà PV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống ghi nhận được tại trại giam Vĩnh Quang, Bộ Công an những ngày giáp tết Quý Mão.

100% phạm nhân đã tiêm xong 3 mũi vắc-xin, không có phạm nhân tử vong vì Covid-19; các phân trại đều có hệ thống xử lý rác thải, thùng chứa rác được phân loại ngay tại buồng giam. Đặc biệt là cả 5 khu trong đó có 4 phân trại và một khu trung tâm đều có hệ thống nước lọc tinh khiết, cung cấp đủ nước uống cho cán bộ chiến sĩ và hơn 4 nghìn phạm nhân,…. Đó chỉ là số ít trong những điều mà PV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống ghi nhận được vào một ngày cuối năm tại trại giam Vĩnh Quang, Bộ Công an, khi tất cả các luống hoa hồng đều đã được cắt tỉa, chuẩn bị cho một năm mới Quý Mão 2023.

“Chị đến tuần trước vườn hồng còn rực rỡ lắm, nay chúng tôi cho cắt hết để kịp lứa hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán”, Trung tá Lê Thị Huyền - Đội trưởng đội giáo dục và hồ sơ trại giam Vĩnh Quang cho biết. Nữ đội trưởng này gây ấn tượng với tôi bởi vẻ đẹp tự nhiên của đôi mắt to tròn ẩn dưới hàng lông mày cong thanh tú và xanh mướt. Hỏi Huyền trại chuẩn bị cho phạm nhân ăn Tết đến đâu rồi, cô trung tá cười hồn nhiên: “Vẫn như mọi năm thôi, ngoài tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước, phạm nhân còn có quà của gia đình, quà của trại. Ai cũng có quà. Phạm nhân nào có hoàn cảnh khó khăn, không người thăm nom hay lập thành tích trong học tập, cải tạo lao động đều được lãnh đạo trại giam tặng thêm một phần quà. Về tinh thần thì trong mấy ngày nghỉ Tết, phạm nhân được tham gia các cuộc thi văn hóa, văn nghệ thể thao”.

Theo trung tá Huyền, ngày thường, ngoài giờ lao động ra, các phạm nhân vẫn được chơi các môn thể thao: Cầu lông, bóng đá, đá cầu, đánh cờ,…nhưng ngày Tết thì trại tổ chức thi đấu giữa các buồng giam các đội và giữa phạm nhân với cán bộ, có giải thưởng nên tạo được sự hứng khởi cho các phạm nhân tham gia.

Cán bộ đón Tết cùng phạm nhân

img-0389.jpg
Cán bộ trại giam Vĩnh Quang thăm hỏi các phạm nhân nữ có quốc tịch nước ngoài vừa được chuyển đến trại giam.

Tết là khoảng thời gian ai cũng muốn đoàn tụ cùng người thân, gia đình nhưng với các chiến sĩ công tác ở các trại giam thì không phải ai cũng được hưởng cái Tết đoàn viên ấy bởi có gia đình hai vợ chồng công tác cùng đơn vị, người trực trước, người trực sau hoặc có đổi trực được cùng nhau thì con lại gửi đi học dưới quê; chưa kể có người vợ con ở quê, tháng mới đảo về thăm nhà được một lần, số lần đón giao thừa cùng gia đình đếm trên đầu ngón tay…Thế nên chuyện đón giao thừa tại phòng trực, trên chòi gác hay tất bật ở bệnh xá, ngoài bệnh viện là điều rất đỗi bình thường với những chiến sỹ công an công tác trong môi trường trại giam.

Theo lời trung tá Huyền thì với lính trại giam Tết cũng như các ngày trong năm, chỉ có cái khác biệt là ngày thường phạm nhân đi cải tạo lao động, cán bộ đi cùng để canh coi và hướng dẫn dạy nghề còn mấy ngày Tết, phạm nhân được nghỉ lao động, cán bộ xuống khu giam vui chơi với họ.

“Ngày Tết dễ khiến tâm trí con người giao động, cán bộ nhiều khi còn mủi lòng nữa là phạm nhân ngồi rảnh rỗi rất dễ sinh chuyện. Vì thế mà cán bộ giáo dục, quản giáo phải thay phiên nhau xuống khu giam cùng chơi thể thao, trò chuyện với phạm nhân, nếu ai có vấn đề khúc mắc tình cảm phải tìm cách tháo gỡ ngay, không để kéo dài nảy sinh phức tạp”, trung tá Huyền cho biết.

Ngót nghét 30 năm công tác trong môi trường trại giam, Trung tá Nguyễn Thành Long - Đội trưởng Đội cảnh sát bảo vệ và cơ động đã nhiều lần chứng kiến cảnh giữa đêm khuya bỗng rộ lên tiếng cười rồi tiếng khóc thút thít của ai đó. Thậm chí là tiếng la ông ổng: “ối cán bộ ơi”.

“Bình thường nghe tiếng phạm nhân gọi cán bộ đã giật mình, đằng này lại là ngày Tết. Vội vàng chạy xuống nơi tưởng chuyện gì nghiêm trọng, hóa ra mấy anh phạm nhân nhớ nhà, ban đầu lôi chuyện vợ con ra tếu táo với nhau, sau lần lượt khóc rồi tự sỉ vả và gọi tên cán bộ cầu cứu”, Đội trưởng đội cảnh sát bảo vệ và cơ động kể.

Kinh nghiệm hàng chục năm công tác của anh Long cho thấy đêm 30 là vất vả nhất bởi thời khắc bước sang năm mới dễ khiến con người ta vì quá xúc động dẫn đến những hành động không kiềm chế được như khóc, cười, thậm chí là gào, hét. Thế nên bỗng nhiên thấy không gian im ắng hay chợt rộ lên tiếng cười,... âm thanh lạ nào cũng khiến “chúng tôi cảnh giác, đề phòng” như lời anh Long nói. Theo anh Long thì “nhất là nghe tiếng gọi cán bộ ơi thì đang làm gì cũng vứt đó mà chạy vào”.

“Vất vả nhất vẫn là những phạm nhân mới chuyển đến thời điểm đầu năm. Họ là những người vừa có án, tâm lý còn chưa ổn định, môi trường sống lại mới, cán bộ giáo dục chưa có thời gian tìm hiểu kỹ về nhân thân, tính cách nên khi xảy ra bất thường, cán bộ giáo dục, quản giáo rất vất vả mới giúp họ vượt qua xúc cảm tức thời để ổn định tâm lý”, anh Long cho biết.

Theo anh Long thì không chỉ phạm nhân rơi lệ ngày Tết mà ngay cả cán bộ cũng có lúc nước mắt rưng rưng, nhất là thời khắc giao thừa nghe Chủ tịch nước chúc Tết.

Cái giá rét như buốt hơn khi chúng tôi bước lên một vọng gác trên cao ở trại giam Vĩnh Quang. Với độ cao khoảng 5m, vọng gác như một nơi hút gió, từng cơn thốc vào mặt, buốt giá thế nhưng theo anh Long, cái rét ban ngày chưa thấm vào đâu so với ban đêm. Ngồi trong chòi canh giữa không gian tĩnh lặng, chỉ có những chiếc đèn đường là bầu bạn, tiếng gió bên ngoài rít từng cơn như miếng sắt xiết xuống đường, ai cũng muốn cuộn mình trong chăn ấm mà ngủ vậy mà những người lính cảnh sát bảo vệ vẫn phải cầm chắc tay súng, căng mắt dõi nhìn. Trưởng thành từ một anh lính cảnh sát bảo vệ, anh Long quá quen với những đêm mưa rét, những tối ngồi trực trong chòi gác và cả những lần khoác súng đi tuần quanh trại. Mỗi ca trực đêm của cảnh sát bảo vệ là 2 tiếng đồng hồ, đủ để các anh đi một vòng quanh khuôn viên trại, chưa kể những điểm nghi vấn có thể đảo qua đó một, hai lần nên các anh thuộc từng lọn cỏ, từng cái hõm hay mô đất trên đường.

Ngày thường công việc của các anh là tuần tra, bảo vệ, dẫn giải, kiểm tra phạm nhân đi lao động về và nơi ăn ở của họ. Những ngày Tết, cảnh sát bảo vệ lại bận rộn hơn bởi phạm nhân chỉ vui chơi, sinh hoạt trong khu giam nhưng nề nếp, nội quy vẫn phải duy trì.

“Ngoài thể thao, văn nghệ, trại còn tổ chức các cuộc thi làm báo tường, thi bày mâm ngũ quả giữa các buồng giam phạm nhân. Chúng tôi lại được dịp trổ tài. Ai có năng khiếu gì đều cũng tham gia hết”, phạm nhân Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1984 quê Hà Nội, đang cải tạo ở phân trại 1, trại giam Vĩnh Quang chia sẻ. Hiệp có năng khiếu vẽ nên mỗi khi có cuộc thi báo tường, anh ta đảm nhiệm tiết mục vẽ tranh minh họa cho bài viết của các phạm nhân khác. Theo trung tá Lê Thị Huyền thì vẽ chỉ là một trong 3 tiêu chí của cuộc thi báo tường (nội dung, hình ảnh và mâm ngũ quả) nhưng các phạm nhân tham gia rất nhiệt tình.

“Tuy là nam giới nhưng họ khéo tay lắm, nhiều thứ họ làm như cành đào, cành mai, con vật họ gấp, dán còn khéo hơn nữ giới”, chị Huyền cho biết.

Không còn nỗi lo vệ sinh môi trường ngày Tết

Trại giam Vĩnh Quang có 4 phân trại và một khu trung tâm, do đặc thù công việc dạy nghề và cải tạo lao động cho phạm nhân nên được phân bố theo cụm. Không nằm tập trung nên mỗi phân trại có riêng một hệ thống nước lọc tinh khiết, đảm bảo cung cấp đủ nước uống cho cán bộ chiến sĩ và phạm nhân. Theo Trung tá Nguyễn Xuân Thanh - Đội trưởng đội y tế và bảo vệ môi trường trại giam Vĩnh Quang, nước từ hệ thống sản xuất ra được đóng bình sau đó vận chuyển vào các phòng làm việc của cán bộ và các buồng giam của phạm nhân. Còn nước sinh hoạt được lấy từ nước mặt đập suối Vĩnh Thành đã qua hệ thống xử lý nước sạch đúng quy trình nên tình trạng phạm nhân mắc các bệnh về da từ nhiều năm nay giảm rõ rệt.

“Các hệ thống xử lý nước sạch và nước lọc tinh khiết của trại giam Vĩnh Quang đều được đầu tư thiết bị hiện đại và được kiểm tra thường xuyên. Ngoài việc hàng tháng có đơn vị chức năng lại vào lấy mẫu nước về kiểm nghiệm, chúng tôi còn đặt các hòm thư góp ý ở các buồng giam phân trại nhưng không có ý kiến nào phàn nàn về chất lượng nước cả”, trung tá Thanh cho biết.

Có một nghịch lý mà không phải ai cũng hiểu cho lính trại giam đó là ngày Tết còn bận hơn ngày thường. Trong khi phạm nhân không phải đi lao động, mấy ngày Tết được nghỉ tại buồng giam thì lính trại giam lại căng mình ra làm việc. Phương châm chống trốn, chống ốm, chống chết và chống đánh nhau luôn là khẩu hiệu mà tất cả những người lính trại giam đều tâm niệm trong đầu. Với đội ngũ cán bộ y tế trại giam, ngoài việc phải thường xuyên có mặt tại khu giam, nhắc nhở phạm nhân vệ sinh nơi ở, giặt giũ chăn màn, quần áo và kiểm tra nơi ăn ở, chỗ để đồ ăn của phạm nhân còn phải kịp thời phát hiện trường hợp nào có vấn đề về tiêu hóa thì nhanh chóng xử lý.

img-0414.jpg
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường sống các phân trại luôn là mục tiêu hàng đầu được Ban Giám thị trại quan tâm và đôn đốc kiểm tra hàng ngày.

“Với chúng tôi vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trại giam luôn đặt lên hàng đầu, không chỉ phòng chống dịch bệnh trước trong và sau dịp Tết mà những ngày khác trong năm, đội chúng tôi cũng phải xây dựng kế hoạch làm việc để làm sao không bị rối nếu chẳng may xảy ra tình huống xấu bất ngờ ”, trung tá Thanh cho biết.

Đề cập đến công tác vệ sinh môi trường, trung tá Thanh chia sẻ, ngoài hệ thống nước sạch, các phân trại còn có hệ thống xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt, đảm bảo hợp vệ sinh và an toàn. Mỗi khu giam đều đặt 2 thùng rác với hai màu khác nhau để giúp phạm nhân dễ dàng trong việc phân loại rác thải. Mỗi khu giam còn có bếp ăn tập thể, nơi để thức ăn của phạm nhân có tủ đựng và rèm che chắn côn trùng.

“Mấy năm trước, cứ dịp Tết là cũng có vài trường hợp phạm nhân bị tiêu chảy. Nguyên nhân là do thức ăn người nhà tiếp tế vào, phạm nhân ăn dè sẻn, ôi thiu rồi vẫn giữ để ăn vì tiếc rẻ. Bây giờ trại có dịch vụ nấu ăn, phạm nhân muốn ăn gì chỉ việc đăng ký mua từ tiền lưu ký do người nhà gửi, vừa đảm bảo có thức ăn nóng hàng ngày, an toàn hợp vệ sinh mà chúng tôi cũng đỡ mất thời gian kiểm tra, khám xét. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ những trường hợp phạm nhân ăn nhiều nên đầy bụng”, trung tá Thanh chia sẻ.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị trại giam Vĩnh Quang thì trong mấy ngày Tết, đội ngũ y tế là vất vả nhất. Cả đội chỉ có 20 cán bộ chiến sỹ nhưng phải đảm nhiệm các công việc thăm khám và cấp phát thuốc cho những phạm nhân đau ốm thường xuyên còn phải khám chữa bệnh cho những trường hợp đột xuất; kiểm tra công tác giữ vệ sinh môi trường trong và ngoài khu giam của tất cả các phân trại. Chưa kể mấy ngày Tết, lượng thực phẩm tiêu thụ trong trại giam gia tăng nên các bếp ăn phải nhập thực phẩm từ bên ngoài vào mới đủ, cán bộ y tế phải ngày 2 lần xuống các bếp ăn lấy mẫu phẩm, lưu mẫu trong vòng 24 tiếng để làm căn cứ theo dõi cũng như dễ dàng cho việc chuẩn đoán bệnh nếu chẳng may có sự cố xảy ra.

Nhớ lại thời điểm cả nước căng mình chống dịch Covid - 19, đại tá Phương bảo đó là những ngày không thể nào quên. Nhất là khi con số người nhiễm bệnh và tử vong của cả nước cập nhật hàng ngày mỗi lúc một gia tăng khiến những người làm công tác quản lý như anh Phương đứng ngồi không yên. Làm sao có thể không lo được khi nắm trong tay sinh mệnh của hàng trăm cán bộ chiến sĩ và hàng nghìn phạm nhân. Chỉ cần xảy ra một chút sơ sẩy là bệnh dịch theo chân vào và khi đó thì khó có thể ngăn chặn. Vậy là cấm trại. Không chỉ gia đình phạm nhân không được thăm gặp người thân mà ngay cả cán bộ trại giam cũng không được phép ra ngoài. Chỉ trường hợp đặc biệt, hy hữu mới được ra ngoài, nhưng khi quay vào đơn vị phải ở khu cách ly đúng, đủ thời gian quy định mới được quay lại chỗ làm việc. Thế nên mới có chuyện chị vợ một anh cán bộ, thấy chồng cả năm trời không về nhà mới dọa rằng: Ông mà cứ đi như thế này là tôi bán nhà, đổi số điện thoại, dắt hai con đi đâu chắc cũng không biết,…

“Phải nói là may mắn, tôi chỉ có thể nói là may mắn thôi vì trại giam là nơi có hàng nghìn người sống và lao động nhưng đến thời điểm hiện tại, trại giam Vĩnh Quang không có trường hợp phạm nhân nào tử vong vì Covid; 100% phạm nhân cải tạo ở các phân trại đều đã được tiêm 3 mũi vắc-xin phòng chống Covid. Chúng tôi đang lên kế hoạch tiêm mũi thứ tư cho cán bộ chiến sĩ và phạm nhân”, đội trưởng đội y tế và bảo vệ môi trường Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ.

Là phạm nhân nữ cao tuổi nhất trong số hơn 40 nữ phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài vừa được chuyển đến cải tạo ở trại giam Vĩnh Quang, Nguyễn Thị Hương Xuân, sinh năm 1958, quốc tịch Canada bày tỏ sự biết ơn và cảm động trước sự quan tâm của cán bộ quản giáo và Ban lãnh đạo trại giam. Xuân bảo lúc chia tay các bạn tù ở trại giam Phú Sơn về đây, có bao nhiêu quần áo đều tặng lại hết, chỉ mang 2 bộ quần về đây. May mà được cán bộ tặng quần áo và chăn ấm.

Phạm nhân Andrea Drova thì mang theo con nhỏ 18 tháng tuổi cùng vào trại cải tạo và đứa trẻ trở thành “con chung” của cả buồng giam, ai có quà gì cũng phần cho. Ngay cả cán bộ quản giáo còn tự bỏ tiền túi ra mua quần áo, đồ chơi mang vào cho đứa trẻ. Với các quản giáo, đứa trẻ cũng như con cái mình ở nhà và việc thường xuyên bồng bế cháu bé cũng vì để nguôi ngoai nỗi nhớ con….

Lại một mùa Xuân nữa đến gần. Hương Xuân không chỉ hiện diện ở đất trời, cỏ cây mà có mặt trong từng buồng giam với những cây đào, cành mai được làm ra từ những chiếc túi nilon, mảnh nhựa vỡ - những thứ tưởng như phế thải ấy được các phạm nhân tỉ mẩn biến thành vật hữu ích. Giống như những con người làm ra chúng, dù có lỗi lầm nhưng dưới sự giáo dục của cán bộ trại giam trở nên tiến bộ, gạt bỏ những ưu phiền tội lỗi để quay về cuộc sống bình thường với một hy vọng hướng thiện.

Thu Trinh

Cán bộ trại giam Vĩnh Quang thăm hỏi các phạm nhân nữ có quốc tịch nước ngoài vừa được chuyển đến trại giam

Công tác vệ sinh môi trường tại trại giam Vĩnh Quang luôn được quan tâm

Thu Trinh