Hà Nội: Tổ chức lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 15:00, 26/01/2023

Lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay diễn ra từ 6h đến 16h ngày 26/1 (mùng 5 Tết Quý Mão) bao gồm cả phần lễ và phần hội.

Theo UBND quận Đống Đa, năm nay lễ hội tổ chức cả phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ bao gồm lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương. Lễ rước kiệu từ 6-8 giờ. Sau chương trình đón tiếp đại biểu, biểu diễn nghệ thuật, từ 10h30 bắt đầu phần hội với các hoạt động: Văn nghệ truyền thống, cờ người, cờ tướng...

Lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, đây là lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ tới chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước.

Bản hùng ca chiến thắng

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử là một trong những chiến công chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung.

ngoc-hoi.jpg
Lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra từ 6h sáng ngày mồng 5 tết Nguyên đán.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến phân tranh giữa nhà Trịnh ở phía Bắc và nhà Nguyễn ở phía Nam kéo dài suốt 2 thế kỷ.

Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam. Đó là một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, tiêu biểu cho sức mạnh phi thường, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự sáng tạo phong phú của dân tộc ta. Nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, dũng mãnh đánh tan hàng vạn quân xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long, bảo vệ toàn vẹn nền độc lập. Hơn 200 năm sau, bản hùng ca ấy vẫn còn âm vang trong lòng mỗi người dân đất Việt khi nghĩ về truyền thống yêu nước, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, hay chiến thắng Kỷ Dậu là tên gọi mà các nhà sử học Việt Nam dành cho loạt trận đánh chống ngoại xâm của nước Đại Việt dưới thời Tây Sơn, do Vua Quang Trung lãnh đạo. Lúc bấy giờ, nhà Thanh lợi dụng tình hình nước ta rối ren, biến loạn, đã phái Tôn Sĩ Nghị dẫn 29 vạn quân sang xâm lược. Đi đến đâu, chúng đánh phá, cướp bóc, hà hiếp dân lành… đến đó, khiến người người oán thán.

Nhận được cấp báo, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, rồi lập tức cùng nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc nhằm đập tan dã tâm của giặc. Chọn khu vực Thăng Long làm mục tiêu tiến công chủ yếu, nhà vua chia quân làm năm đạo, đích thân chỉ huy hướng chính diện cùng tiến. Giữa ba quân, lời hịch vang động, ý chí ngút ngàn: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Đêm 30 Tết, nghĩa quân vượt sông, hạ đồn tiền tiêu ở Gián Khẩu. Đêm mùng 3 Tết, chiếm đồn Hà Hồi. Rạng sáng mùng 5 Tết, đại quân một mũi tiến công Ngọc Hồi, khiến đồn giặc chìm trong khói lửa; một mũi khác áp sát đồn Đống Đa, khiến quân tướng nhà Thanh phải bỏ chạy thục mạng. Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, khi ấy đang ở cung Tây Long, đã “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn kỵ mã nhằm hướng Bắc mà chạy” (Hoàng Lê nhất thống chí). Trưa mồng 5 Tết, Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân vào Kinh thành trong sự đón chào hoan hỉ của người dân Thăng Long, đúng là: “Một trận rồng lửa giặc tan tành/Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh/Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến/Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh”.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn, tài cầm quân của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thuật thần tốc, chỉ trong 5 ngày đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, trong đó trận Ngọc Hồi và Đống Đa là tử huyệt. Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giữ vững nền độc lập dân tộc.

“Mùa xuân đại thắng năm 1789 còn được lưu danh là xuân lửa Đống Đa. Từ chỗ là tên của một trong 8 khu phố nội thành Thủ đô năm 1959, tên của một trong 4 khu nội thành năm 1974 và cuối cùng là tên của một trong 4 quận nội thành Hà Nội từ năm 1981, tất cả nói lên rất rõ tầm quan trọng của trận đánh có tên là: Đống Đa”, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nhận định.

Mãi là niềm tự hào của dân tộc

Mùa xuân rực rỡ chiến công cách đây 234 năm đã đi vào lịch sử đất nước, trở thành một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường và sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Kể từ sau chiến thắng mùa xuân ấy, cứ mùng 5 Tết hằng năm, nhân dân cả nước lại hân hoan mở hội, tưởng nhớ công ơn của nghĩa quân Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tại nhiều điểm di tích lưu dấu đội quân áo vải, cờ đào, các hoạt động “giỗ trận” thể hiện lòng thành kính được duy trì đều đặn. Đặc biệt, tại Công viên văn hóa Đống Đa (quận Đống Đa), Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mở ra hằng năm với nhiều nghi thức truyền thống linh thiêng, như: Lễ rước kiệu, dâng hương, đọc trúc văn, trình diễn sử thi, trống hội, tái hiện thế trận rồng lửa… Bên cạnh các nghi thức phần lễ, các hoạt động phần hội tại đây cũng không kém phần độc đáo là: Thi đấu cớ tướng, cờ người, các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng về dâng hương, dự hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp, việc khởi động năm mới bằng chương trình kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đanhằm mục đích khơi thông, tiếp nối dòng chảy văn hóa từ đất võ Tây Sơn đến ngàn năm văn hiến Thăng Long, từ chủ nghĩa anh hùng đến chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đại đoàn kết của cả dân tộc.

“Sau 3 năm phải tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19, lễ hội kỷ niệm được mở lại trong những ngày xuân mới này. Công tác chuẩn bị cho sự kiện đã được hoàn tất từ trước Tết Nguyên đán. Tất cả sẵn sàng cho một mùa lễ hội văn minh, tiếp nối truyền thống đáng tự hào của dân tộc, nỗ lực phấn đấu, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đẹp hơn, xứng đáng với những công lao to lớn, khát vọng cháy bỏng và sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước”, ông Nguyễn Hoàng Giáp chia sẻ.

Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu từ nay đến khi diễn ra lễ hội, các địa phương thường xuyên rà soát công tác tổ chức, lường trước các nguy cơ, vấn đề phát sinh để chủ động có kế hoạch, giải pháp xử lý tình huống, trong đó chú trọng công tác an ninh trật tự, an toàn cứu hộ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ…, chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong lễ hội.

Các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội về ý nghĩa, giá trị lễ hội cũng như việc thực hiện nếp sống văn minh trong không gian thờ tự, từ đó định hướng, bồi đắp ý thức, trách nhiệm trong xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản cho hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian bài bản, chuyên nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm văn hóa lành mạnh, hấp dẫn, chất lượng… đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Thu Trinh