“Thúc đẩy sự thay đổi” trong khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:30, 10/03/2023

Với chủ đề “Be the change” - Thúc đẩy sự thay đổi, Ngày Nước Thế giới năm 2023 nhằm mục đích kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động để thay đổi việc khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước tốt hơn.
VIDEO: Cần thay đổi trước những thách thức về an ninh nguồn nước

Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) xung quanh nội dung này.

quan-ly-tai-nguyen-nuoc.jpg
Ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT)

PV: Thưa ông, Ngày Nước Thế giới năm 2023 có chủ đề là Thúc đẩy sự thay đổi, ông có thể cho biết cụ thể hơn ý nghĩa của chủ đề này?

Ông Nguyễn Minh Khuyến: Ngày 22 tháng 3 hàng năm là "Ngày Nước thế giới" và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993. Hằng năm vào ngày 22 tháng 3, các quốc gia trên toàn thế giới đều tổ chức kỷ niệm Ngày Nước thế giới nhằm kêu gọi toàn nhân loại nhận thức đầy đủ hơn về vị trí và tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống con người, sự phát triển bền vững của quốc gia, khu vực và toàn cầu. Qua đó, cùng nhau cam kết hành động để bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quan trọng này không chỉ cho hiện tại mà cho cả các thế hệ mai sau.

Mỗi năm Liên Hợp Quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho "Ngày Nước thế giới" để hành động giải quyết những thách thực hiện hữu và dự báo đặc biệt là nguồn nước ngọt.

Chính vì thế năm 2023, “Be the change” - Thúc đẩy sự thay đổi là chủ đề chính thức của Ngày Nước Thế giới với mục đích kêu gọi tất cả mọi người cùng tham gia hành động để thay đổi cách khai thác, tiêu thụ, sử dụng và quản lý nguồn nước trong cuộc sống của mình.

Chương trình Hành động vì nước là tập hợp các cam kết tự nguyện từ các chính phủ, doanh nghiệp, công ty, tổ chức, cơ quan, liên minh và các thành viên của cộng đồng, được xây dựng nhằm thúc đẩy các mục tiêu về nước và vệ sinh đã được quốc tế thống nhất, trong đó đáng chú ý nhất là Mục tiêu phát triển bền vững số 6 của Liên Hợp quốc (SDG6) “Nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”.

Hiện tại, thế giới đang đi chệch hướng nghiêm trọng để đáp ứng SDG 6. Dữ liệu mới nhất cho thấy các chính phủ phải nỗ lực hơn gấp 4 lần để đạt được Mục tiêu này đúng hạn. Có nhiều tác nhân tác động đến vòng tuần hoàn nước (còn gọi là chu trình nước) dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực ở quy mô toàn cầu, từ sức khỏe đến nạn đói, bình đẳng giới đến việc làm, giáo dục tới công nghiệp, thảm họa đến hòa bình.

Sự thay đổi nhanh chóng, khẩn trương là cần thiết và mọi người đều có thể đóng vai trò quan trọng. Mỗi hành động dù nhỏ đến đâu cũng sẽ tạo nên sự khác biệt.

quan-ly-nguon-nuoc.jpg
Ngày Nước Thế giới năm 2023 với chủ đề Thúc đẩy sự thay đổi

PV: Xin ông cho biết nước có vai trò như thế nào đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam?

Ông Nguyễn Minh Khuyến: Nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, chủ yếu do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế bên cạnh đó, nguồn nước còn chịu tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến năm 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Ở Việt Nam dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay, tình trạng thiếu nước diễn ra nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.

Vì vậy, trên thực tế việc đảm bảo cấp nước đáp ứng về chất lượng cho toàn bộ dân số toàn cầu và bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn là một khoảng cách và tác động đến quá trình phát triển bền vững ở mỗi quốc gia.

Trong số 17 Mục tiêu Phát triển bề vững của Liên Hợp Quốc thì Mục tiêu số 6 về “Đảm bảo quyền được có nước sạch và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người” là một trong những mục tiêu quan trọng. Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để quyết tâm thực hiện mục tiêu này từ khi tham gia ký cam kết thực hiện đến nay.

Việt Nam luôn xác định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước” và vì vậy, Hiến pháp quy định “nước là tài sản”, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam cũng như hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhằm quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước, góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước cũng như của khu vực và toàn cầu.

PV: Công tác quản lý tài nguyên nước những năm qua có những thuận lợi và khó khăn gì? Cục đã có đề xuất, kiến nghị và xây dựng các chính sách, pháp luật về bảo đảm nguồn nước cho sự phát triển bền vững đất nước như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Khuyến: Quá trình thực thi Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã mang lại nhiều kết quả, tạo thuận lợi cho công tác quả lý tài nguyên nước ở Việt Nam cụ thể: Đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (tính đến ngày 18/11/2022, Bộ TN&MT và các địa phương đã phê duyệt kinh phí cho việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước là trên 12.700 tỷ đồng); Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã ban hành gần 70 văn bản, các địa phương đã ban hành gần 500 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật; Có 04/15 quy hoạch về TNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Có 43/63 tỉnh/thành đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; 33/63 tỉnh/thành đã phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt; 40/63 tỉnh/thành phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp; 26/63 tỉn/thành ban hành Danh mục vùng; Việc điều hoà, phân bổ tài nguyên nước bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, công tác qua lý tài nguyên nước gặp không ít những khó khăn phải kể đến như: Thiếu thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý; Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; Nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; Hiệu quả khai thác sử dụng nước trong các ngành còn thấp; Áp lực phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu khai thác, tiêu thụ và sử dụng nước gia tăng, mâu thuẫn khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương còn phổ biến; Ô nhiễm nguồn nước gia tăng; Khả năng tiếp cận nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý cho sản xuất, sinh hoạt chưa cao; Duy trì và phát triển diện tích rừng, bảo vệ nguồn sinh thuỷ; Nguồn nước chịu tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro do nước gây ra; Vấn đề quản trị và nguồn lực để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ về tài nguyên nước cho ngắn hạn và 20 – 30 năm tới.

Trước một số khó khăn như đã nói ở trên cũng như có những giải pháp thực hiện hiệu quả các mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã xác định những nhóm nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các năm tiếp theo. Tăng cường hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính ngành nước theo hướng quản trị thông minh; Cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; Tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước; Nâng cao năng lực ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến an ninh nguồn nước; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia: Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông có nội dung và hình thức tuyên truyền thích hợp cho từng nhóm đối tượng trong xã hội. Phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các chủ trương, chính sách và pháp luật về an ninh tài nguyên nước; duy trì nội dung giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên nước trong hệ thống giáo dục quốc dân.

quan-ly-nguon-nuoc.png
Còn nhiều những thách thức về an ninh nguồn nước ở Việt Nam

PV: Ông đánh giá như thế nào việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 36-KL về bảo đảm an ninh nguồn nước tại các địa phương?

Ông Nguyễn Minh Khuyến: Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp. Hiện nay, các địa phương ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước. Điều này thể hiện qua kết quả đạt được như sau: Có 43/63 tỉnh/thành đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; 33/63 tỉnh/thành đã phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt; 40/63 tỉnh/thành phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp.

quan-ly-nguon-nuoc-9.jpg
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng kinh tế

PV: Ông có thể cho biết, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có vai trò quan trọng như thế nào trong việc quản lý tài nguyên nước quốc gia?

Trong thời gian qua Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, với 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và trong điều kiện biến đổi khi hậu ngày càng bất thường như hiện nay, chất lượng tài nguyên nước đang có dấu hiệu suy giảm đã đặt ra nhiều thách thức lớn, một số tồn tại, hạn chế của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bộc lộ. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tài nguyên nước giai đoạn 2022-2023 là xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2023.

Khi được Quốc hội thông qua, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ đóng vai trò quyết định đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước bảo đảm phù hợp với tình hình mới của Việt Nam, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước cho Việt Nam, “chuyển dẫn từ phương thức quản lý hành chính sang quản lý hành chính kết hợp công cụ kinh tế, thông qua 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó đáng chú ý là bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương; Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng kinh tế; Xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lương Nguyễn