Thái Nguyên đồng bộ nhiều giải pháp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:33, 03/11/2023
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất và các trang trại chăn nuôi phát sinh nguồn thải (nước thải công nghiệp, nước thải, rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải chăn nuôi). Những nguồn thải này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải được các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Theo đó, một trong những vấn đề quan trọng được tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thực hiện thời gian qua là quản lý chặt chẽ nước thải công nghiệp, xây dựng khu xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh cũng đã sửa đổi Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó quy định các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp phải phù hợp với khả năng tiếp nhận, xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Để kịp thời nắm bắt, đánh giá chất lượng nguồn nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đầu tư, lắp đặt bổ sung 3 trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục; bổ sung 19 điểm quan trắc nước mặt, nâng số điểm quan trắc nước mặt lên 79 điểm. Đến nay, toàn tỉnh có 7 cơ sở hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài Nguyên và Môi trường (tăng 4 cơ sở so với năm 2020).
Ngoài ra, trong hai năm 2021-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị, xử phạt vi phạm hành chính 15 lượt cơ sở chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với tổng số tiền xử phạt là 2,7 tỷ đồng.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đã đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Gia Sàng giai đoạn 1 (vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất xử lý 8.000m3/ngày đêm) để thu gom nước thải sinh hoạt ở 10 phường trung tâm TP. Thái Nguyên. Hiện nay, Dự án đang triển giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường, thẩm định hồ sơ đề xuất các dự án đầu tư. Trong đó yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng dự án phù hợp với quy hoạch, nhận diện rõ các yếu tố tác động, mức độ nguy hại, quy mô phát thải, vị trí và số lượng nguồn thải, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường và có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố khả thi; giao trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án cho các cơ quan có liên quan...
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, tham gia ý kiến về công nghệ đối với 20 dự án nhằm ngăn chặn kịp thời những công nghệ yếu kém, lạc hậu có nguy cơ gâyô nhiễm môi trường.
Việc thực hiện hiệu quả những biện pháp nêu trên đã góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả quan trắc, mức độ biến động chất lượng nước các sông, suối, hồ đập từ năm 2020 đến năm 2022 trên địa bàn tỉnh cơ bản nằm trong quy chuẩn cho phép. Trong đó, chất lượng nước sông Cầu có xu hướng được cải thiện (năm 2021 có 8% lượt mẫu nước cho kết quả quan trắc không đạt chất lượng để phục vụ mục đích tưới tiêu, năm 2022 tất cả các mẫu đều đạt chất lượng phục vụ tưới tiêu)...