Những thách thức trong xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn - Bài 3: Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 09:33, 12/09/2024
Những thách thức trong xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn - Bài 3: Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn
Việc triển khai các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM được xem là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết do những tác động lớn mà ô nhiễm không khí gây ra cho sức khỏe cộng đồng, môi trường và sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, vấn nạn ô nhiễm không khí vẫn là “gánh nặng” đối với các đô thị bởi nếu “chặn đầu nọ” thì lại “phình đầu kia”.
Hà Nội nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát hành báo cáo về tình trạng ô nhiễm không khí ở TP Hà Nội. Theo đó, Việt Nam là quốc gia ô nhiễm không khí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên toàn thế giới. Thủ đô Hà Nội - thành phố ô nhiễm không khí nghiêm trọng của nước ta, xếp thứ 8 về mức độ ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trung bình mỗi năm, người Hà Nội hít thở một lượng bụi mịn PM2.5 cao gấp 9 lần mức khuyến cáo an toàn cho sức khỏe của WHO. Loại bụi này được coi là tử thần trong không khí, gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người dân.
Số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và trung bình năm ở Thủ đô vượt quy chuẩn Việt Nam và gấp nhiều khuyến nghị của WHO. Hầu hết các quận nội thành và các huyện ở ngoại ô đều ghi nhận ô nhiễm bụi mịn, tập trung chủ yếu vào mùa đông khi điều kiện thời tiết bất lợi khiến bụi không thể khuếch tán.
Theo TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, trung bình cứ mỗi 7,5 phút lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm, ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí ở Việt Nam. “Con số này gần gấp đôi tổng số người tử vong ở Việt Nam trong suốt đại dịch COVID - 19. Vì vậy, chúng ta cần đối xử với ô nhiễm không khí như cách chúng ta đã đối xử với COVID-19 - coi đó như một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”, TS Angela Pratt nói trong Ngày Môi trường Thế giới năm nay.
Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam - Bà Ramla Khalidi cho rằng, ô nhiễm không khí không chỉ tác động đến sức khoẻ con người. Ước tính thiệt hại về kinh tế - xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, chưa bao gồm chi phí xử lý trong tương lai. Con số này tương đương với 4% GDP của đất nước.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2021 cho thấy, nguồn phát thải bụi chính của Thủ đô đến từ các phương tiện giao thông đường bộ và nguồn bụi đường, tiếp đến là nguồn công nghiệp và nguồn đốt rơm rạ. UNDP cho rằng, giao thông, xây dựng, hoạt động trong ngành công nghiệp và nông nghiệp góp phần lớn gây ra ô nhiễm không khí. Ngoài ra, còn có khí thải từ làng nghề, khói của quá trình đốt rơm rạ tàn phá môi trường không khí.
Chưa kể đến việc mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu cùng tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát; tình hình biến đổi khí hậu, việc quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường; nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân... đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển đô thị văn minh.
Đề ra nhiều giải pháp
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, TP Hà Nội đã không ngừng đề ra các giải pháp giảm thiểu chất lượng ô nhiễm không khí.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã ban hành chỉ thị yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, bảo đảm không còn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã cũng đã có văn bản, kế hoạch liên quan để giảm đến mức thấp nhất tình trạng đốt rơm rạ, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.
Hà Nội cũng đang xây dựng cơ chế khuyến khích các hợp tác xã áp dụng mô hình sản xuất sạch, hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm xử lý rơm rạ, mua máy cuốn ép rơm, giới thiệu mô hình hợp tác thu gom rơm rạ sau thu hoạch phù hợp với điều kiện của từng huyện, thị xã để ứng dụng, triển khai, định hướng, khuyến khích phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tận dụng rơm rạ trong sản xuất, góp phần quan trọng giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội triển khai hiệu quả Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông để hạn chế số lượng xe cơ giới.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở TN&MT, thời gian qua, Hà Nội đã xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt trên 80%.
Đồng thời, TP đưa vào vận hành hệ thống 34 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Cùng với đó, triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. TP cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải…
Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện tại Nam Sơn có công suất 4.000 tấn/ngày, tại Xuân Sơn với công suất 1.500 tấn/ngày. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện đại.
“Chặn đầu này lại phình đầu khác”
Mặc dù TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó khẩn cấp với ô nhiễm không khí, tuy nhiên những nỗ lực ấy vẫn rất chật vật bởi cứ chặn đường đầu này lại phình đầu khác, các nguồn thải vẫn là câu chuyện khó kiểm soát.
Giải pháp thì rất nhiều nhưng tại sao đến nay Hà Nội vẫn ngày càng ô nhiễm trầm trọng là vấn đề khiến các chuyên gia vẫn phải “đau đầu” mỗi khi nghĩ tới.
Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An đánh giá rất cao những nỗ lực của thành phố trong việc triển khai các biện pháp thiết thực, hữu hiệu để cải thiện chất lượng không khí. Không khí có tính chất lan truyền nhưng hiện nay lại thiếu cơ chế, chính sách phối hợp giữa các tỉnh, thành phố dẫn đến việc giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn luôn gặp “khó”. Chưa kể đến, một số địa phương còn lơ là trong công tác quản lý để tình trạng đốt rơm rạ hay xả khí thải chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa rất nhanh đồng nghĩa với việc các công trình mới mọc lên liên tục và giao thông với lưu lượng ngày càng lớn. Đây được coi là sức ép lớn đối với môi trường.
“Vấn đề hiện tại là chính sách chúng ta đã có rất nhiều nhưng làm sao để nhân dân ta hiểu và thực hiện chính sách, đó mới là bài toán khó. Kinh nghiệm từ các nước đã chỉ ra rằng, chỉ khi Nhân dân nhận ra được lợi ích lâu dài của chính sách đối với cộng đồng thì ắt về chính sách sẽ có hiệu quả và đi vào thực tiễn. Tất nhiên, đối với bất kỳ chính sách nào, trong đó có các chính sách liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí thì chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến phản biện. Bước đầu của việc triển khai các chính sách là không hề dễ dàng. Nhưng chúng ta cần kiên quyết trong việc thực hiện các chính sách có lợi nhất cho nhân dân”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Trong công trình nghiên cứu với tiêu đề “To pay or not to pay that is the question – for air pollution mitigation in a world’s dynamic city: An experiment in Hanoi, Vietnam” được công bố trên tạp chí Economic Analysis and Policy Vol. 74 (2022). Công trình khoa học sử dụng Phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (Contingent Valuation Method – CVM) để đánh giá khả năng sẵn lòng chi trả của người dân cho vấn đề ô nhiễm không khí. Cụ thể, bài báo xem xét nhận thức của người dân và du khách nước ngoài (mẫu gồm 475 cư dân và 75 người nước ngoài) cũng như mức độ tin tưởng của họ đối với chính quyền địa phương trong việc thiết lập một cơ chế tài trợ chung để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Những thông tin này là cơ sở để thiết lập một chương trình hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng không khí không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều thành phố trên thế giới.
Các tác giả nhận thấy rằng sự tín nhiệm của người dân ở Hà Nội tương đối thấp. Hầu hết tất cả những người được hỏi ở thành phố (95%) đồng ý rằng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng và chất lượng không khí kém ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của họ cũng như làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe của họ. Hơn 93% số người được hỏi khẳng định cần phải giảm thiểu ô nhiễm không khí trong thành phố, nhưng chia sẻ thu nhập cho các hoạt động giảm thiểu đó tương đối nhỏ (chỉ chiếm 0,4-0,5% thu nhập hàng tháng của hộ gia đình). Nhiều người cũng từ chối đóng góp vì sự tin tưởng của họ đối với khu vực công trong việc sử dụng các khoản đóng góp đó là thấp.
Các tác giả đề xuất chính quyền địa phương cần cải thiện tính minh bạch và vạch ra một kế hoạch rõ ràng với tất cả thông tin về dòng tiền vào và ra được cung cấp trên một trang web, cho phép công chúng xác minh, nếu họ mong đợi sự đóng góp cao từ khu vực tư nhân để chia sẻ gánh nặng.
Mới đây nhất, UBND đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, định hướng đến năm 2050.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Kế hoạch là tới năm 2030, Hà Nội sẽ giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển, tăng cường kiểm soát khí thải và khuyến khích sản xuất sạch, bền vững. Hà Nội cũng sẽ thực hiện đồng thời các giải pháp giảm phát thải từ các nguồn thải chính bao gồm giao thông, xây dựng, công nghiệp và các nguồn khác.
Kế hoạch cũng đề cập giải pháp kiểm soát khí thải từ giao thông, di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi nội thành, tăng cường tưới nước rửa đường và quản lý các hoạt động đốt rơm rạ. Những biện pháp ứng phó khẩn cấp với ô nhiễm không khí nghiêm trọng bao gồm cung cấp thông tin, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm ô nhiễm không khí cho người dân ứng phó kịp thời; tăng cường sự tham gia của các bên trong quản lý chất lượng không khí thông qua giáo dục - truyền thông, hợp tác với chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng, các bên liên quan.
TP.HCM tăng cường triển khai nhiều giải pháp
Cũng như Thủ đô Hà Nội, với tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, cùng sương mù và điều kiện thời tiết đã kém làm cho tình hình ô nhiễm không khí tại TP.HCM ngày càng trở nên nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng trong tương lai nếu không có các chính sách, mục tiêu cụ thể và các hành động kịp thời.
Theo các số liệu mới nhất về ô nhiễm không khí tại TP.HCM, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở nhiều khu vực trong thành phố đã đạt mức "có hại cho sức khỏe", với nhiều điểm đo có màu cam, đỏ và thậm chí màu tím (mức rất có hại).
Vào đầu tháng 4 năm nay, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn giai đoạn 2024 – 2025.
Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, cụ thể hóa Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với điều kiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các địa phương, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thành phố trong quản lý chất lượng môi trường không khí nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, giảm 85% ô nhiễm không khí tăng do hoạt động giao thông vận tải. Kiểm soát tốt các nguồn khí thải công nghiệp thuộc đối tượng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo tối thiểu 97% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp có biện pháp xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và 100% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp lớn, rất lớn theo quy định đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và kết nối truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Bên cạnh đó, kiểm soát hiệu quả bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động xây dựng, đảm bảo tối thiểu 90% công trình xây dựng tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát sinh bụi, khí thải trong thi công xây dựng công trình. Kiểm soát hiệu quả mùi, khí thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp, hướng tới không còn phát sinh các trường hợp đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch gây ô nhiễm không khí.
Cùng với đó, kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ hoạt động dân sinh, hướng tới không còn phát sinh trường hợp đốt chất thải sinh hoạt hộ gia đình không đúng quy định gây ô nhiễm không khí. Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các đô thị, khu vực tập trung nhiều nguồn thải; trong đó chú trọng quan trắc và xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM 2.5.
Để thực hiện những mục tiêu trên, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước kiểm soát, cải thiện ô nhiễm không khí, đồng thời kịp thời cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí để người dân chủ động giảm thiểu những tác động của ô nhiễm không khí gây ra.
Dưới đây là một số biện pháp được TP.HCM triển khai:
Trồng thêm cây xanh
Trồng thêm nhiều cây xanh là một giải pháp hiệu quả mà TP.HCM đã triển khai để cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn. Bởi cây xanh không chỉ tạo ra oxy, mà còn giúp hấp thụ các chất gây ô nhiễm, từ đó làm sạch không khí, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, cây xanh sẽ làm giảm ô nhiễm không khí rất nhanh. “Nếu như các tỉnh khác có thể trồng rừng để lọc không khí thì Hà Nội hay TP. HCM cần phải tăng cường tỷ lệ cây xanh. Đây là giải pháp hữu hiệu để làm sạch chất lượng không khí.” - Bà An cho biết.
Trong năm 2023, TP.HCM đã chủ trương tăng cường trồng nhiều cây xanh để nhanh đạt được mục tiêu trồng được 10 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 – 2025, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, với sự tham gia của mọi người dân, huy động các nguồn lực xã hội nhằm nâng cao tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân, tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP đã triển khai một số giải pháp như phát động phong trào mỗi người dân TP trồng một cây xanh. Cây xanh thường được trồng tập trung tại các khu vực công cộng như công viên, vỉa hè, các tuyến đường chính và các khu đô thị mới. Ngoài việc trồng cây ở khu vực trung tâm, TP.HCM cũng chú trọng đến việc phát triển rừng đô thị ở các quận ven thành phố nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, Chính quyền thành phố cũng kêu gọi cộng đồng tham gia trồng và chăm sóc cây xanh tại khu dân cư, trường học và các công trình công cộng, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của không gian xanh.
Các sở, ban, ngành TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn giữ nhiệm vụ rà soát, bổ sung, bố trí các diện tích đất công thích hợp cho công tác trồng phát triển cây xanh trên địa bàn quản lý; diện tích các công trình công cộng, đường giao thông, bờ kênh mương thủy lợi; diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức và hộ gia đình.
Những nỗ lực này không chỉ nhằm giảm ô nhiễm không khí mà còn hướng tới việc xây dựng TP.HCM thành một thành phố xanh và bền vững trong tương lai.
Phát triển giao thông xanh
Giao thông vận tải là một trong ba ngành có phát thải khí nhà kính lớn, chiếm 18,38% tổng lượng phát thải toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu phát triển kinh tế xanh của TP.HCM hay cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam thành công hay không, phụ thuộc rất lớn vào việc chuyển đổi giao thông vận tải sang sử dụng năng lượng sạch. Việc tập trung phát triển giao thông xanh sẽ giúp giảm ô nhiễm không khí, góp phần vào nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tại Hội thảo “Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TPHCM” do HĐND TPHCM phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, trường Đại học Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức vào chiều 22/8/2024, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM thông tin, thống kê đến cuối năm 2023, TPHCM hiện có 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào thành phố. Mỗi năm thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn cacbon/năm, trong đó riêng ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.
Cũng tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông Võ Khánh Hưng cho biết, lượng phương tiện cá nhân tại TP.HCM hiện đang rất lớn. Chính vì vậy, thành phố đang từng bước phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để kéo giảm phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, Sở cũng đang thực hiện đề án phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân. Đơn cử như việc vận hành tuyến metro số 1 kết hợp với các tuyến xe buýt kết nối trong thời gian tới.
Ngành giao thông thành phố cũng đang thực hiện đề án khí thải. Ở giai đoạn 1, sẽ thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sang giao thông xanh như xe điện, khí CNG,…. Theo kế hoạch, từ năm 2030 trở đi, tất cả phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.HCM sẽ sử dụng năng lượng điện.
Kiểm soát khí thải giao thông
TP.HCM đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát khí thải từ giao thông nhằm giảm ô nhiễm không khí, trong bối cảnh lượng xe cá nhân, đặc biệt là xe máy và ô tô, tăng mạnh trong những năm gần đây. Thành phố đã áp dụng các chính sách kiểm soát khí thải nghiêm ngặt hơn đối với xe máy và ô tô, đặc biệt là những xe cũ và không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải. Chương trình kiểm tra định kỳ khí thải giúp loại bỏ các phương tiện không đạt chuẩn, qua đó giảm thiểu phát thải khí độc hại. Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, TP.HCM đã tiến hành kiểm tra và xử lý hơn 10.000 xe vi phạm về khí thải.
Đầu tháng 6/2024, Sở GTVT TP đã có văn bản trình UBND TP.HCM về việc tổ chức xây dựng Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.
Theo Sở GTVT TP, đề án là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí metan đã được Chính phủ giao triển khai tại các TP lớn.
Để xây dựng Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP đảm bảo theo quan điểm Nghị quyết số 98 và lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, Sở GTVT TP đã đề xuất 2 giai đoạn triển khai.
Giai đoạn 1: Xây dựng và tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành chính sách chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh để áp dụng kể từ năm 2025, đảm bảo theo lộ trình thực hiện Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 2: Xây dựng đề án và tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành chính sách giảm khí thải các phương tiện giao thông đường bộ còn lại trên địa bàn TP.
Sở GTVT TP cho biết, phương án tổ chức kiểm soát khí thải ở TP.HCM được chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Sở GTVT TP tự tổ chức nghiên cứu và xây dựng các cơ chế, chính sách, lộ trình và kế hoạch thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh; lấy ý kiến chuyên gia, các sở ngành, tổ chức có liên quan trước khi báo cáo UBND TP trình HĐND TP theo đúng quy định.
Giai đoạn 2: Sở GTVT thuê đơn vị tư vấn xây dựng Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP, trong đó bao gồm các loại phương tiện giao thông đường bộ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích, ưu đãi và lộ trình thực hiện chuyển đổi, các giải pháp triển khai thực hiện có phân vùng kiểm soát khí thải phương tiện...
Sau khi hoàn thành, lấy ý kiến các sở ngành, các cơ quan trung ương, chuyên gia và tổ chức phản biện, đánh giá tác động... trước khi báo cáo UBND TP.
Quản lý và giám sát chất lượng không khí
Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp quản lý và giám sát chất lượng không khí nhằm kiểm soát và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đầu tháng 11/2020, Sở TN&MT TP.HCM đã phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật TA9608 về “Nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí”. TP.HCM cũng triển khai việc đánh giá tình hình chất lượng không khí hiện tại và thực tiễn quản lý; Đánh giá lựa chọn chính sách và công nghệ hiệu quả để giải quyết chất lượng không khí; Xây dựng kế hoạch hành động không khí sạch (CAAP) cùng với các đầu tư cho kiểm soát ô nhiễm không khí.
Theo Sở TN&MT TP, tính đến hết năm 2023, mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố có 271 vị trí quan trắc thủ công (trong đó tại khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận có 34 vị trí quan trắc), 4 trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng nước mặt và không khí. Công tác quan trắc và kiểm soát chất lượng hoạt động quan trắc môi trường được thực hiện đúng trình tự và đảm bảo tuân thủ quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường, qua đó đánh giá tương đối đầy đủ và kịp thời diễn biến chất lượng môi trường, cung cấp số liệu tin cậy. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai công bố thông tin chất lượng môi trường định kỳ hàng tuần trên trang thông tin điện tử của Sở để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt về diễn biến chất lượng môi trường của thành phố.
So với lộ trình phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường đề ra giai đoạn 2021 - 2025, thì đến năm 2023, thành phố đã phát triển được 79% số lượng các vị trí quan trắc thủ công.
Dữ liệu từ các trạm quan trắc được công bố công khai trên các nền tảng như ứng dụng di động, trang web của Sở TN&MT TP.HCM, giúp người dân có thể theo dõi và nắm bắt thông tin về chất lượng không khí hàng ngày. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng mà còn khuyến khích người dân có biện pháp phòng ngừa sức khỏe khi chất lượng không khí xấu.
Bên cạnh đó, TP.HCM đã hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia khác để triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm về giám sát và quản lý chất lượng không khí. Các chương trình này giúp thành phố cập nhật công nghệ mới và áp dụng các biện pháp hiệu quả từ các thành phố lớn khác.
Tăng cường nhận thức cộng đồng
Việc đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng là một trong những chiến lược hiệu quả để TP.HCM huy động sự tham gia tích cực của người dân vào cuộc chiến giảm thiểu ô nhiễm không khí. Thành phố đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông đa dạng trên các phương tiện như truyền hình, radio, mạng xã hội và báo chí để cung cấp thông tin về tác hại của ô nhiễm không khí và cách thức giảm thiểu. Các chiến dịch này tập trung vào việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp, xe điện và giảm sử dụng phương tiện cá nhân.
Cùng với đó, TP.HCM cũng tích cực lồng ghép giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy, bao gồm các hoạt động thực tiễn như trồng cây xanh, tái chế rác thải, và tiết kiệm năng lượng. Điều này giúp nâng cao ý thức của học sinh về bảo vệ không khí và môi trường sống.
TP.HCM cũng tổ chức các ngày hội môi trường, sự kiện đi bộ, đạp xe nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm không khí. Các sự kiện này không chỉ tạo ra cơ hội cho cộng đồng tham gia các hoạt động thân thiện với môi trường mà còn lan tỏa thông điệp về bảo vệ không khí.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, trong công tác giảm thiểu ô nhiễm không khí, vấn đề con người là vô cùng quan trọng. “Phải làm sao để việc giảm thiểu ô nhiễm không khí trở thành tiềm thức và thói quen của người dân. Nếu như đối với rác thải, chúng ta có phân loại rác tại nguồn thì đối với không khí, gần như chúng ta không thể phân loại hay có giải pháp nào thiết thực để người dân có thể áp dụng và áp dụng được một cách lâu dài. Vì vậy, vấn đề giáo dục nâng cao nhận thức cần phải làm từ bé, từ cấp mầm non. Người dân cũng phải có trách nhiệm đối với việc làm của mình. Chỉ khi người dân cùng đồng thuận, cùng chung tay với Nhà nước thì mới có thể triệt tiêu được nạn ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, cũng phải áp dụng các chế tài thì mới có hiệu quả.” - PGS.TS Bùi Thị An nói.
Sau nhiều nỗ lực, việc giảm thiểu ô nhiễm không khí tại TP.HCM đã đạt được một số kết quả tích cực. Số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, từ năm 2021 đến 2023, mức độ ô nhiễm không khí (đặc biệt là PM2.5) tại một số khu vực trung tâm thành phố đã giảm nhẹ, đặc biệt là vào các tháng có mức độ ô nhiễm cao. Một số khu vực như quận 1 và quận 3 đã ghi nhận giảm từ 10 - 15% lượng bụi mịn PM2.5.
Bên cạnh kết quả tích cực, việc kiểm soát ô nhiễm không khí tại TP.HCM hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, mặc dù thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp cải thiện. Một số khó khăn chính có thể kể đến như:
Thứ nhất, đó là sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân. TP.HCM có hơn 7.5 triệu xe máy và 700.000 ô tô, với lượng xe cá nhân tăng đều qua từng năm. Xe máy, đặc biệt là các phương tiện cũ, phát thải nhiều khí độc hại và bụi mịn. Việc hạn chế số lượng xe cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng là thách thức lớn. Mặc dù có các biện pháp như cải thiện hệ thống xe buýt, nhưng việc này vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để giảm lượng xe cá nhân. Ngoài ra, việc quản lý và kiểm tra khí thải đối với xe máy, đặc biệt là xe cũ, vẫn chưa được thực hiện đồng bộ và triệt để.
Thứ hai, đó là khó khăn trong việc kiểm soát khí thải công nghiệp. TP.HCM có nhiều khu công nghiệp và nhà máy sản xuất, đặc biệt ở các khu vực ngoại ô. Nhiều cơ sở công nghiệp chưa tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn về khí thải, sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm lớn. Việc giám sát và kiểm soát khí thải từ các khu công nghiệp không đồng đều, nhất là trong các khu vực cách xa trung tâm. Một số cơ sở sản xuất vẫn chưa lắp đặt hoặc sử dụng hệ thống xử lý khí thải đạt chuẩn. Hệ thống xử phạt và cưỡng chế cũng chưa đủ mạnh để đảm bảo các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các biện pháp giảm phát thải.
Thứ ba, chất lượng giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu. Dù TP.HCM đã triển khai một số tuyến xe buýt điện và phát triển hệ thống giao thông công cộng, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Hệ thống xe buýt hiện tại chưa đủ tiện nghi, giờ giấc chưa ổn định, khiến người dân vẫn ưa chuộng sử dụng phương tiện cá nhân. Sự chậm trễ trong triển khai các dự án tàu điện ngầm khiến quá trình chuyển đổi sang giao thông công cộng xanh bị kéo dài.
Thứ tư, áp lực từ quá trình đô thị hóa và xây dựng. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đi kèm với việc xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn gây ra lượng bụi lơ lửng cao. Việc kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động xây dựng (bụi, khói, khí thải từ xe tải chở vật liệu) còn nhiều bất cập. Các biện pháp xử lý bụi từ các công trường xây dựng vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, thiếu sự giám sát và thực thi mạnh mẽ.
Thứ năm, một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức rõ ràng về tác hại của ô nhiễm không khí và biện pháp cá nhân có thể áp dụng để giảm thiểu. Ví dụ, việc sử dụng xe cũ, xả thải không đúng nơi quy định, hoặc ít quan tâm đến sử dụng năng lượng tái tạo. Mặc dù đã có các chiến dịch truyền thông nhưng sự tham gia và ủng hộ của cộng đồng trong việc giảm ô nhiễm không khí vẫn chưa đủ mạnh.
Thứ sáu, khó khăn về nguồn lực và kinh phí cho các dự án môi trường. Nhiều dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí gặp khó khăn về kinh phí. Việc xây dựng hạ tầng đo lường và kiểm soát chất lượng không khí, nâng cấp giao thông công cộng đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi các giải pháp ngắn hạn thường không mang lại hiệu quả dài lâu.
Thứ bảy, các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu. Tình trạng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, tạo điều kiện cho ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng hơn. Vị trí địa lý của TP.HCM gần biển và có mật độ dân cư cao càng làm phức tạp thêm vấn đề kiểm soát chất lượng không khí.