Ô nhiễm môi trường

Những thách thức trong xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn - Bài 2: Ô nhiễm không khí - Mối đe dọa sức khỏe và tương lai Trái đất

Thanh Thảo - Hoàng Thơ 10/09/2024 09:29

Ô nhiễm không khí hiện đang là vấn đề toàn cầu đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người. Tại Việt Nam, vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi nồng độ bụi mịn (PM 2.5) thường xuyên vượt mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Tác động của ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường mà còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và xã hội.

“Kẻ giết người thầm lặng”

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”. Thông tin từ WHO, các chất gây ô nhiễm không khí có thể được phát thải trực tiếp vào bầu khí quyển (chất ô nhiễm sơ cấp) hoặc có thể được hình thành trong bầu khí quyển (chất ô nhiễm thứ cấp). Một số chất ô nhiễm sơ cấp có thể bao gồm sulfur dioxide (SO2), oxide của nitơ (NOx), carbon monoxide (CO), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Còn đối với chất ô nhiễm thứ cấp, ozone (O3) tại mặt đất là chất ô nhiễm thứ cấp đặc trưng và được hình thành bởi phản ứng quang hóa.

Bên cạnh đó, bụi là một trong những chất ô nhiễm phổ biến nhất và có thể là cả chất ô nhiễm sơ cấp và thứ cấp. Bụi là tổng các hạt (lỏng hoặc rắn) lơ lửng trong không khí. Mức độ độc hại của bụi có thể được xếp hạng theo kích thước, với các hạt bụi thô (PM10), hạt bụi mịn (PM2.5) và hạt bụi siêu mịn (PM0.1) có đường kính khí động học lần lượt nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm, 2,5 µm và 0,1 µm.

onkkk1.jpg
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”

Hiện nay, cơ chế ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, có hai cơ chế được tán thành bao gồm phản ứng viêm (inflammation), ứng kích oxy hóa (oxidative stress) với các độc tố trong các thành phần trong chất ô nhiễm. Đối với phản ứng viêm, chất ô nhiễm không khí có thể kích hoạt phản ứng của cytokin (một dạng tế bào truyền tin trong hệ thống miễn dịch) và hoạt hóa phản ứng viêm để cơ thể chống lại những tác nhân ngoại lai . Phản ứng viêm này được đặc trưng bởi một số triệu chứng gồm sưng, nóng, đỏ, đau. Mặc dù là cơ chế bảo vệ, nhưng phản ứng viêm quá mức cũng có thể gây ra một số bệnh, đặc biệt liên quan đến hệ hô hấp như viêm phổi hay bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD).

Còn đối với ứng kích oxy hóa, các chất ô nhiễm không khí gồm các thành phần có chứa nhiều gốc tự do (free radicals). Sau khi xâm nhập vào cơ thể, các chất này có thể tác động đến tế bào bằng cách lấy đi những electron (những hạt mang điện tích âm) của các hợp chất trong cơ thể người, dẫn đến một số phản ứng viêm.

Ô nhiễm không khí có thể tác động ngắn hạn hoặc dài hạn lên sức khỏe con người. Những tác động ngắn hạn có thể xảy ra sau khi phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn (khoảng vài ngày hoặc vài giờ). Ngược lại, phơi nhiễm trong khoảng thời gian dài cũng có thể tác động lên sức khỏe sau khoảng một hoặc nhiều năm.

Cùng với đó, tác động dài hạn của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cũng được tính toán trong nhiều nghiên cứu và báo cáo. Ở Việt Nam, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, số ca tử vong tăng lên do ô nhiễm PM10 từ giao thông còn lớn hơn cả số ca tử vong do tai nạn giao thông, hoặc khi hàm lượng PM10, PM2.5 tăng lên thì số ca nhập viện liên quan đến đường hô hấp của trẻ em tăng tương ứng.

do-hoa-tac-dong-ngan-han-va-dai-han-.png
Ô nhiễm không khí có thể tác động ngắn hạn hoặc dài hạn lên sức khỏe con người

Theo Báo cáo mới về Tình hình không khí toàn cầu của Viện về Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME), trong năm 2021, ước tính, ô nhiễm không khí đã gây ra 8,1 triệu ca tử vong trên toàn cầu, trở thành yếu tố nguy cơ gây tử vong đứng thứ hai, vượt qua cả thuốc lá và chế độ ăn uống kém. Chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất - bụi mịn (PM 2.5), có liên quan đến các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và tiểu đường, chỉ riêng PM 2.5 đã chiếm 7,8 triệu ca tử vong.

Cũng theo Báo cáo, tuổi thọ trung bình của người dân toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí, trong đó ô nhiễm bụi PM 2.5 là nguyên nhân chính​.

tac-hai-bui-min-pm-2.5.png
Bụi mịn PM2.5 được mệnh danh là “sát thủ vô hình" trong không khí

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của bụi PM 2.5, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường cho biết, hiện nay, thế giới đang lo ngại với PM2.5 hay còn được gọi bằng cái tên khác là bụi mịn. Với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, tức là các hạt này bé hơn 1/30 so với sợi tóc của chúng ta. Bụi PM2.5 được gọi là “sát thủ vô hình” vì chúng có kích thước nhỏ, chứa nhiều thành phần độc hại. Khi hít thở, nó xâm nhập sâu vào phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, máu, gây nhiều bệnh như nhồi máu tim, ung thư,… Cần phải lưu ý rằng, không giống như bụi thô, PM2.5 không bị những loại khẩu trang phổ thông ngăn chặn. Qua quan trắc, có nhiều ngày trong mùa đông, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tăng rất cao, biểu hiện qua chỉ số AQI đỏ, thậm chí nâu trong khoảng sáng sớm từ 2 - 6 giờ. Đây là kiểu hình không khí rất có hại cho sức khỏe.

do-hoa-phat-ngon-cua-ts-hdt.png

Một báo cáo khác của Tổ chức Phi lợi nhuận Global Clean Air Initiative (Tổ chức không khí sạch toàn cầu) cũng chỉ ra, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, hen suyễn, đặc biệt là ở trẻ em và người già. Ngoài ra, nó còn gây ra các bệnh tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu​. Năm 2021, hơn 700.000 ca tử vong ở trẻ em có liên quan đến ô nhiễm không khí, trong đó 500.000 ca tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà từ việc đốt nhiên liệu rắn. Ngoài ra, khí nitơ đioxit (NO₂), một chất ô nhiễm chính từ khí thải xe cộ, đã được chứng minh là làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn ở trẻ em.

Theo PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai, ô nhiễm không khí sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối với những người dễ bị cảm thụ như người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch... Hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet, chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng. BS Giáp cũng đưa ra cảnh báo, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ, ô nhiễm không khí cũng có thể gây tác động đến hệ thần kinh và tâm thần của con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người sống trong môi trường ô nhiễm có xu hướng cao hơn để trải qua các triệu chứng của lo lắng và trầm cảm. Các chất độc hại trong không khí như oxit nitơ, hợp chất hữu cơ bay hơi và bụi mịn cũng có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ và giấc ngủ chất lượng kém. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn có thể làm giảm khả năng tập trung và gây ra các vấn đề về trí nhớ. Một số chất độc hại trong không khí có thể gây ra rối loạn cảm xúc, làm cho người ta dễ bị cáu giận, căng thẳng và khó chịu. Hay các chất độc hại trong không khí như hợp chất thủy ngân và chì cũng có thể gây hại cho hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng như co giật, run chân và tê liệt.

do-hoa-tac-dong-den-he-than-kinh.png
Ô nhiễm không khí cũng gây tác động đến hệ thần kinh và tâm thần của con người

Tác động tiêu cực lên hệ sinh thái và môi trường sống tự nhiên

Ô nhiễm không khí không chỉ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các hệ sinh thái trên khắp thế giới. Các thành phần chính của không khí ô nhiễm, như khí NO₂, ozon tầng thấp và các hạt bụi mịn, đều có tác động tiêu cực đến sự cân bằng và sức khỏe của hệ sinh thái tự nhiên. Điều này ảnh hưởng đến động thực vật, chất lượng nước, đất, và làm suy yếu tính đa dạng sinh học.

Ảnh hưởng đến thực vật

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 đã chỉ ra, các chất ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến thực vật thông qua sự tác động lên 3 quá trình sinh lý chủ yếu của cây là: quang hợp, hô hấp và thoát hơi nước. Khí SO2 thâm nhập vào các mô của cây, kết hợp với nước tạo thành axit sulfurơ, gây tổn thương màng tế bào và làm suy giảm khả năng quang hợp.

Các chất ô nhiễm như ozon tầng thấp (O₃) có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thực vật, đặc biệt là các cây lương thực và rừng tự nhiên. Ozone phản ứng với các tế bào thực vật, gây ra tổn thương lá cây và làm giảm khả năng quang hợp. Kết quả là, năng suất cây trồng giảm và hệ sinh thái rừng bị suy thoái.

Bên cạnh đó, Ozone và các chất ô nhiễm khác còn có thể làm giảm khả năng phát triển của cây trồng, dẫn đến mất mát sản lượng nông nghiệp. Các loại cây lương thực như lúa, ngô và đậu nành có thể bị giảm năng suất tới 10 - 40% trong các vùng bị ô nhiễm nặng​.

Các khu rừng cũng sẽ phải chịu những tác động nặng nề từ ô nhiễm không khí. Khí NO₂ và ozone làm suy yếu cây cối, làm cho chúng dễ bị sâu bệnh, hạn hán và các yếu tố khí hậu khác tấn công​.

onkk22.jpg
Các khu rừng cũng sẽ phải chịu những tác động nặng nề từ ô nhiễm không khí

Tác động đến động vật

Ô nhiễm không khí cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loài động vật. Một số loài động vật sống trong các khu vực bị ô nhiễm phải đối mặt với việc mất đi môi trường sống và nguồn thức ăn do sự suy thoái của hệ sinh thái thực vật. Ngoài ra, sự tích tụ của các hạt ô nhiễm trong nước và không khí có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe cho động vật, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nhạy cảm. Nồng độ chất ô nhiễm cao có thể làm thay đổi hành vi sinh sản, giảm khả năng sống sót và dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài​.

Một nghiên cứu về tác động của ô nhiễm không khí đến chim đã chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí làm giảm chất lượng không khí hô hấp của chúng và ảnh hưởng đến khả năng di cư. Ozone và các chất khí độc hại khác gây ra viêm nhiễm và tổn thương phổi, dẫn đến giảm khả năng sinh sản và tồn tại của các loài chim​.

onkkdv2.png
Ô nhiễm không khí cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loài động vật

Đối với động vật nuôi trong nhà, chẳng hạn như chó, mèo, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí trong nhà do các chất ô nhiễm từ nấu nướng, khói thuốc lá, và các hóa chất tẩy rửa. Các bệnh hô hấp như viêm phổi và hen suyễn cũng phổ biến hơn ở các vật nuôi sống trong môi trường không khí ô nhiễm. .

Khi các loài thực vật và động vật bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái sẽ bị suy giảm. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng trong chuỗi thức ăn và suy thoái toàn diện của hệ sinh thái​.

Ảnh hưởng đến môi trường đất và nước

Ô nhiễm không khí cũng tác động mạnh mẽ đến chất lượng đất và nước, đặc biệt là qua hiện tượng mưa axit.

Theo "Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá hiện trạng và lập bản đồ phân bố lắng đọng axit ở Việt Nam" của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, tại Việt Nam, mưa axit đã xảy ra ở một số nơi, xuất hiện ở các vùng, miền với mức độ khác nhau. Tại khu vực miền Bắc, mức độ mưa axit tại trạm Cúc Phương là 44%, tại Bắc Giang là 37%, tại Thái Nguyên là 40%, tại Việt Trì là 30%. Mưa axit cũng xảy ra tại khu vực miền Trung, mức độ tại là Vinh 60%, Huế là 47%, Đà Lạt là 35%, Nha Trang là 31%, Pleiku là 32%. Khu vực miền Nam cũng xảy ra mưa axit như tại Tây Ninh là 37% và Cần Thơ là 35%.

Các khí như sulfur dioxide (SO₂) và nitrogen oxides (NOx) trong không khí khi kết hợp với nước mưa tạo thành mưa axit. Mưa axit gây ra những tác động tiêu cực như làm suy thoái đất. Mưa axit làm giảm độ pH của đất, làm giảm lượng dinh dưỡng trong đất và ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật. Đất bị axit hóa cũng ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong đất, làm giảm khả năng phân hủy chất hữu cơ​.

mua.jpg
Ô nhiễm không khí cũng tác động mạnh mẽ đến chất lượng đất và nước, đặc biệt là qua hiện tượng mưa axit

Mưa axit còn gây ô nhiễm cho các nguồn nước ngọt như sông, hồ và suối. Nước bị axit hóa gây hại cho sinh vật sống trong nước như cá, côn trùng và động vật lưỡng cư, làm suy giảm hệ sinh thái nước ngọt​.

Gây thiệt hại về kinh tế

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại tới 5 - 7 % GDP hàng năm. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí ở nước ta đã tạo ra thiệt hại kinh tế khoảng 9,86 - 12,45 tỷ USD vào năm 2013 và tăng lên đáng kể những năm gần đây. Nhiều nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới cũng phải hứng chịu những tác động tiêu cực do ô nhiễm không khí gây ra. Tại Trung Quốc, ô nhiễm không khí từ khói bụi, trong đó có ozon và các hạt mịn đã tiêu tốn 267 tỷ NDT (38 tỷ USD) mỗi năm. Năm 2022, thiệt hại kinh tế của Bangladesh do ô nhiễm không khí ở mức 4,4% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước…

tac-dong-den-nen-kinh-te.png
Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại tới 5 - 7 % GDP hàng năm

Hậu quả kinh tế rõ nét nhất của ô nhiễm không khí là chi phí y tế tăng cao. Các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí từ những bệnh hô hấp thông thường cho đến bệnh tim mạch, ung thư,… đều cần điều trị. Chi phí cho vấn đề này có thể lên đến hàng tỷ đô mỗi năm, gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế và kinh tế xã hội. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia vào năm 2016, chỉ riêng ở thành phố Hà Nội, ước tính chi phí khám chữa bệnh hô hấp và thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500vnđ/ người/ ngày. Với khoảng 3.5 triệu dân nội thành tại thời điểm đó, tổng thiệt hại kinh tế ước tính rơi vào 2.000 tỷ đồng/năm.

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về một số nội dung liên quan đến giảm thiểu ô nhiễm không khí và các chính sách kinh tế nhằm giảm thiểu một cách cơ bản và bền vững, trong kinh tế học, ô nhiễm không khí được xem là một ngoại ứng tiêu cực, trong đó, các công ty đưa ra các phương án sản xuất kinh doanh, nhưng đã không tính đến thiệt hại do phát thải gây ô nhiễm không khí và gây ra chi phí bên ngoài hệ thống thị trường, đến người dân.

Nếu Chính phủ không thực hiện các biện pháp thì rất nhiều người ngoài cuộc sẽ bị tổn hại bởi những chất ô nhiễm đó. Giống như khi ai đó hút thuốc, những người ngoài cuộc cũng bị ảnh hưởng, nhưng người hút thuốc không trả chi phí thiệt hại cho người hít phải khói thuốc. Do phần lớn chi phí phát thải gây ô nhiễm không khí là kết quả của các tác động đến sức khỏe, cụ thể là đến tỷ lệ mắc bệnh và đặc biệt là tử vong, các nhà kinh tế đã sử dụng các mô hình, trong đó có thể lượng hóa bằng tiền các tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra và tính toán chi phí xã hội của việc, chẳng hạn, phát thải thêm một tấn (hoặc đơn vị khác) một loại chất ô nhiễm nhất định. Chi phí xã hội bằng tiền này sau đó được sử dụng để tính toán tổng thiệt hại bằng tiền do một lượng phát thải nhất định trong một khoảng thời gian gây ra. Ví dụ, ô nhiễm không khí chỉ do sản xuất năng lượng ở Mỹ đã gây ra thiệt hại ít nhất là 131 tỷ đô la trong năm 2011, so với con số này của năm 2002 là 175 tỷ đô la. Thiệt hại giảm đi này cho thấy sự thành công của các quy định phát thải nghiêm ngặt hơn đối với ngành năng lượng và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc phát thải các chất ô nhiễm không khí, đã được chứng minh là có hiệu quả ở Mỹ. Điều này cũng chứng tỏ bài toán ô nhiễm không khí là có lời giải nếu có chính sách phù hợp.

benh.jpg
Hậu quả kinh tế rõ nét nhất của ô nhiễm không khí là chi phí y tế tăng cao

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn làm giảm chất lượng sức khỏe của người lao động, khiến họ không thể làm việc hiệu quả hoặc phải nghỉ làm do bệnh tật. Điều này dẫn đến sự suy giảm năng suất lao động, làm chậm sự phát triển của các ngành sản xuất và dịch vụ​

Sự hiện diện của các hạt bụi mịn và khí độc hại trong bầu không khí bị ô nhiễm cũng làm giảm năng suất cây trồng và chăn nuôi. Mưa axit gây hại trực tiếp đến đất đai và nguồn nước, làm suy thoái chất lượng nông sản và đất nông nghiệp​.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam, mức độ ô nhiễm không khí cao tại các thành phố lớn và các khu vực du lịch quan trọng cũng đã làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. Môi trường không trong lành không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách mà còn làm giảm doanh thu từ ngành du lịch – một nguồn thu lớn của nền kinh tế.

Ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư quốc tế ngày càng coi trọng các yếu tố môi trường trong quyết định đầu tư. Những khu vực có mức độ ô nhiễm cao không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất mà còn làm tăng chi phí bảo vệ sức khỏe cho người lao động và quản lý chất lượng không khí trong nhà máy. Điều này làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư tiềm năng.

Cuối cùng, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến giá trị bất động sản. Những khu vực có chất lượng không khí kém thường có giá trị bất động sản giảm sút so với những khu khác. Vấn đề này không chỉ gây ảnh hưởng đến người sống trong khu vực mà còn giảm thu nhập từ thuế bất động sản của chính phủ.

Hậu quả đối với xã hội

Không chỉ tác động đến sức khỏe, môi trường và kinh tế, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội như chất lượng cuộc sống, bất bình đẳng xã hội và mức độ hài lòng của người dân. Những tác động này làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Trên thực tế, ô nhiễm không khí có tác động không đồng đều đến các tầng lớp xã hội, điều này đặc biệt dễ quan sát thấy ở các nước đang phát triển. Người nghèo và các cộng đồng sống ở các khu vực công nghiệp, nơi có mức độ ô nhiễm cao, phải đối mặt với những rủi ro về sức khỏe lớn hơn so với các nhóm có thu nhập cao hơn, sống ở khu vực trong lành hơn. Nhóm người thu nhập cao có khả năng tài chính mua thiết bị phòng ngừa, hạn chế độc hại từ hít thở không khí, có thời gian ở nhà và trong văn phòng tiện nghi nhiều hơn, trong khi người thu nhập thấp ít có điều kiện hơn.

bat-binh-dang.png
Trên thực tế, ô nhiễm không khí có tác động không đồng đều đến các tầng lớp xã hội, điều này đặc biệt dễ quan sát thấy ở các nước đang phát triển

Một cuộc điều tra đã ước tính rằng, nhóm người thu nhập cao dành 80% thời gian trong nhà, nơi chất lượng không khí tốt hơn nhiều so với ngoài trời. Sự phát triển của các phương tiện phòng ngừa ô nhiễm không khí trên thực tế đã mở rộng sự bất bình đẳng về môi trường giữa người nghèo và người giàu. Ví dụ, chúng ta cùng sống ở thủ đô Hà Nội nhưng với những người có điều kiện hơn, họ được sinh sống ở những khu đô thị nhiều cây xanh, có hồ nước, có hệ sinh thái tốt thì sức khỏe họ cũng được nâng cao. Ngược lại, với những người thu nhập thấp, họ không có điều kiện và sinh sống ở những khu vực không hợp vệ sinh, những khu nhà gần khu công nghiệp. Các gia đình ở khu vực nông thôn và người nghèo thường sử dụng nhiên liệu rắn để nấu nướng, từ đó, tạo ra ô nhiễm không khí trong nhà, dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, trên phương diện quốc gia, giữa các nước khác nhau cũng có khoảng cách về bất bình đẳng về ô nhiễm không khí. Rõ ràng quốc gia nào cũng đều đồng thời có những mối quan tâm đến chất lượng không khí và môi trường, cũng như quan tâm đến thu nhập và tăng trưởng. Như vậy, tùy vào từng giai đoạn phát triển, mỗi nước có thể đưa ra các tiêu chuẩn không khí cần đáp ứng, một mức độ điều tiết cân đối tối ưu giữa tốc độ tăng trưởng và mức độ an toàn về không khí chấp nhận được. Không thể đưa ra các quy định quá nghiêm ngặt về ô nhiễm không khí gây ra mức tổn hại quá lớn đến cơ hội tăng trưởng và việc làm trong nền kinh tế. Đồng thời, cũng không thể để tiêu chuẩn này ở mức quá thấp khiến thành quả của tăng trưởng có thể lại không bù đắp được tổn hại về điều trị các loại bệnh tật do bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Về lâu dài, khi khoảng cách thu nhập của các nước trên thế giới được thu hẹp thì cũng là lúc có thể thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về ô nhiễm không khí giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng đến giáo dục và sự phát triển trí tuệ của trẻ em. Trẻ em tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có nguy cơ bị suy giảm khả năng nhận thức, khó tập trung học tập và mắc các vấn đề về sức khỏe tâm lý. Các trường học ở những khu vực có mức độ ô nhiễm cao cũng thường phải đóng cửa tạm thời vào những ngày ô nhiễm nghiêm trọng, làm gián đoạn quá trình học tập của học sinh​.

giao-duc.jpg
Trẻ em tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có nguy cơ bị suy giảm khả năng nhận thức, khó tập trung học tập và mắc các vấn đề về sức khỏe tâm lý

Chất lượng không khí kém ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, gây ra sự không hài lòng về môi trường sống. Những ngày không khí ô nhiễm nặng làm hạn chế các hoạt động ngoài trời, khiến người dân cảm thấy bị bó buộc trong không gian hẹp.

Các chuyên gia nhận định, ô nhiễm không khí không chỉ là một vấn đề môi trường mà còn là thách thức lớn đối với xã hội Việt Nam. Từ sức khỏe cộng đồng, sự suy thoái môi trường, sự gia tăng bất bình đẳng, cho đến ảnh hưởng đến giáo dục và chất lượng sống, những tác động này cho thấy sự cấp thiết của việc giảm thiểu ô nhiễm không khí để bảo vệ cộng đồng và xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những thách thức trong xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn - Bài 2: Ô nhiễm không khí - Mối đe dọa sức khỏe và tương lai Trái đất