Ủy viên Ban Thường vụ cấp tỉnh có thể làm bí thư cấp xã
Tin trong nước - Ngày đăng : 10:00, 29/04/2025
Ủy viên Ban Thường vụ cấp tỉnh có thể làm bí thư cấp xã
Liên quan tiến độ thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho rằng không chỉ giám đốc sở, tỉnh ủy viên, thành ủy viên mà thậm chí đến cả ủy viên Ban Thường vụ cấp tỉnh đều có thể làm làm bí thư cấp xã, phường.
Sáng 28/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố; cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (ở hải đảo); đối với đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.
"Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã", Bộ trưởng cho biết.
Luật cũng sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã. Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh: Cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đối với chính quyền địa phương cấp xã: Quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu): HĐND cấp xã có 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.
Liên quan tiến độ thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính, thông tin tại buổi họp báo, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, cho biết đến thời điểm này, cơ bản 52 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp đã hoàn thành việc xây dựng đề án.
Tương tự, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương cũng cơ bản hoàn thành.
"Đến nay, Bộ Nội vụ đã nhận được 20 hồ sơ đề án của các địa phương. Bộ Nội vụ, kể cả Bộ trưởng và các lãnh đạo Bộ, xác định phải làm ngày, làm đêm, làm xuyên lễ, tập trung tối đa bảo đảm tiến độ trình các đề án lên Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”- ông Tuấn nói và cho hay Bộ Nội vụ cố gắng phấn đấu trước ngày 10/5 sẽ trình Chính phủ toàn bộ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã trong cả nước.
Dự kiến ngày 15/5, Chính phủ sẽ trình toàn bộ hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã cả nước để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định.
Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm theo định hướng của Trung ương, ông Tuấn cho biết hiện mới nhận được 20 hồ sơ đề án của địa phương.
"Số cấp xã còn lại cuối cùng sẽ có khi Bộ Nội vụ thẩm định các đề án do địa phương gửi lên và trình Chính phủ, sau đó hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Nhưng bước đầu, chúng tôi tổng hợp từ các địa phương, dự kiến sau khi sắp xếp giảm 60-70%, số xã còn lại khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã"- ông Tuấn cho biết.
Ủy viên Ban Thường vụ cấp tỉnh có thể làm bí thư cấp xã
Liên quan đến tiêu chuẩn chức danh của cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp, ông Phan Trung Tuấn cho biết Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, trong đó có đề xuất hệ thống công vụ thống nhất trong hệ thống chính trị các cấp ở địa phương.
Sau khi Luật Cán bộ, công chức được ban hành, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định hệ tiêu chí chung về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có công chức cấp xã. Còn hiện nay, tiêu chuẩn của cán bộ công chức cấp xã đang thực hiện theo Nghị định 33/2023.
Về phương án nhân sự, ông Tuấn thông tin khi Đảng ủy Chính phủ xây dựng đề án đã trình Bộ Chính trị xem xét kỹ lưỡng 3 lần trước khi trình Trung ương.
Theo đó, trước mắt cơ bản sẽ giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay. Lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã sau sắp xếp.
Ông Tuấn cho biết phương án nhân sự được nêu trong kết luận 150 của Bộ Chính trị, tinh thần đang thực hiện theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trung ương chỉ định hướng nguyên tắc chủ trương còn địa phương toàn quyền quyết định bố trí nhân sự của cấp xã.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cũng dẫn lại thông tin từ các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cho biết có thể bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy làm bí thư của một phường, đứng đầu cấp ủy của đơn vị hành chính cấp xã mới.
"Không chỉ giám đốc sở, tỉnh ủy viên, thành ủy viên mà thậm chí địa bàn quan trọng có thể bố trí đến cả ủy viên Ban Thường vụ cấp tỉnh để làm người đứng đầu cấp ủy địa phương”- ông Tuấn nói thêm và cho biết phương án nhân sự ai làm bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn... sẽ do cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm.
Trong thời hạn 5 năm, Bộ Nội vụ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn mới để định biên biên chế của từng cấp tỉnh và từng cấp xã tới đây.
Trước khi có bộ tiêu chuẩn mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát lại tổng biên chế cả nước trong hệ thống chính trị để báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định, vì đây là việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị.
Sẽ có quy định chuyển tiếp về tổ chức chính quyền phường của Hà Nội
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ chín theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ, đề xuất phương án xử lý các vấn đề được cơ quan thẩm tra nêu; chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về quy định liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND cấp xã trong dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý vào vấn đề phân cấp ở cấp xã và cho rằng nên sửa theo hướng mở, chỉ cho phép một số xã được phân cấp.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng nên sửa theo hướng cấp xã có thể phân cấp cho phòng, ban bên dưới để tạo sự chủ động. “Trong quá trình thực hiện, nếu phòng, ban cấp dưới thực hiện không tốt thì cấp xã có thể thu hồi không phân cấp nữa”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Giải trình làm rõ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quan điểm của cơ quan soạn thảo, cấp xã là cấp trực tiếp điều hành, phục vụ, giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp. “Gần như từ lãnh đạo đến công chức của chính quyền cấp xã phải thực hiện, chứ không phân cấp”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Về tổ chức cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp xã, Bộ trưởng cho biết, theo tư duy ban đầu khi xây dựng đề án, cơ quan soạn thảo tính sắp xếp cơ quan chuyên môn luôn theo vị trí việc làm và điều chỉnh tăng từ 17 vị trí lên 23 vị trí việc làm.
“Việc này sẽ giúp giảm số lượng lãnh đạo. Nếu thêm phòng ban chuyên môn thì số lượng lãnh đạo sẽ chiếm tỷ lệ 1/3”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói và cho rằng, để phù hợp với thực tế, cơ quan soạn thảo sẽ vận dụng theo hướng linh hoạt, đó là giao địa phương căn cứ quy mô phát triển, dân số đặc thù để bố trí cơ quan chuyên môn tương đương, hoặc theo vị trí việc làm.
Bộ trưởng cũng cho biết, nếu đã thiết kế theo hướng tổ chức bộ máy thì bắt buộc các vị trí lãnh đạo sẽ phải kiêm nhiệm như Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND; Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận địa phương cấp xã… để giảm bớt vị trí lãnh đạo và không nhất thiết tổ chức cấp phó của các cơ quan chuyên môn.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình tại kỳ họp thứ chín; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm đồng bộ với Hiến pháp và các dự thảo luật đang sửa đổi hiện nay.