Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ đề án sáp nhập cấp tỉnh trước ngày 6/5
Thông báo từ Bộ Nội vụ cho biết, Bộ sẽ làm việc trong suốt thời gian nghỉ lễ 30/4 đến 4/5 để thẩm định, xây dựng đề án sáp nhập tỉnh, xã để kịp thời trình Chính phủ trước ngày 6/5/2025.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp của Chính phủ vừa ban hành công văn gửi lãnh đạo các tỉnh, thành về việc xây dựng và trình các đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo đề nghị đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, bảo đảm tính chính xác và thống nhất của các số liệu trong đề án. Trong đó, đối với số liệu diện tích tự nhiên và quy mô dân số, thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với số liệu về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), tổng thu ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh, thành phố thống nhất sử dụng số liệu năm 2024 do Bộ Tài chính cung cấp.
Đối với số liệu về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), tổng thu ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thống nhất sử dụng số liệu năm 2024 do Bộ Tài chính cung cấp.
Với 11 địa phương không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 gồm: Thành phố Hà Nội, thành phố Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng..., Ban chỉ đạo đề nghị khẩn trương hoàn thiện quy trình, thủ tục theo quy định, xây dựng hồ sơ Đề án và gửi về Bộ Nội vụ trong thời gian sớm nhất (trước ngày 1/5/2025) để Bộ kịp thời thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (dự kiến Bộ Nội vụ trình Chính phủ trước ngày 5/5/2025).
Đối với 52 địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 (gồm: 4 thành phố trực thuộc Trung ương: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và 48 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hoòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hoòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Kiên Giang), Ban Chỉ đạo đề nghị Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy được phân công chủ trì xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh chủ động phối hợp với Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy cùng thực hiện sắp xếp tập hợp đầy đủ bộ hồ sơ tài liệu (bao gồm 1 Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các tỉnh, thành phố cùng sắp xếp, hợp nhất) gửi về Bộ Nội vụ (cùng thời điểm) chậm nhất là ngày 1/5/2025 để Bộ thẩm định, tổng hợp xây dựng Đề án chung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trình Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (dự kiến Bộ Nội vụ trình Chính phủ trước ngày 6/5/2025).
Bộ Nội vụ sẽ căn cứ hồ sơ Đề án của các tỉnh, thành phố để thẩm định, tổng hợp và xây dựng Đề án chung trong suốt thời gian nghỉ Lễ (từ 30/4 đến 4/5/2025) để kịp thời trình các cấp theo quy định.
Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, 11 tỉnh, thành sẽ giữ nguyên trạng gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng. 52 địa phương sẽ sáp nhập để còn lại 23 tỉnh, thành. Cả nước sẽ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo hai cấp là tỉnh và xã. Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025.