Hoàn thiện Nghị định về EPR: Tăng minh bạch, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn - Ngày đăng : 18:30, 17/05/2025
Hoàn thiện Nghị định về EPR: Tăng minh bạch, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) đang xây dựng một Nghị định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), nhằm cụ thể hóa Điều 54 và 55 của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đây là bước đi cần thiết để hệ thống hóa các quy định liên quan đến tái chế, xử lý chất thải, đảm bảo minh bạch, khả thi và tránh cơ chế “xin - cho”.
EPR – Chính sách trọng tâm trong mô hình kinh tế tuần hoàn
Chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility - EPR) quy định các nhà sản xuất, nhập khẩu có nghĩa vụ trong việc thu hồi, tái chế hoặc xử lý chất thải từ sản phẩm, bao bì mà họ đưa ra thị trường. Luật Bảo vệ môi trường 2020 của Việt Nam lần đầu tiên đã đưa ra các quy định cụ thể về EPR tại Điều 54 và 55, mở đường cho việc triển khai chính sách này một cách bài bản và có hệ thống.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ NN-MT), việc thực thi EPR trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống quy định pháp luật liên quan còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa thuận tiện cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý trong quá trình tra cứu và thực hiện.

Cụ thể, hiện nay các nội dung về EPR đang được quy định rải rác trong nhiều văn bản như Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Nghị định 05/2025/NĐ-CP, gây khó khăn trong áp dụng. Mặt khác, vì các quy định chưa đầy đủ, thiếu các hướng dẫn chi tiết và rõ ràng nên nhiều doanh nghiệp còn lúng túng khi triển khai nghĩa vụ tái chế, thu gom, xử lý chất thải.
Trước thực tiễn đó, Bộ NN-MT đề xuất xây dựng một Nghị định riêng về EPR, có tính hệ thống, đồng bộ, minh bạch và dễ tiếp cận. Dự thảo Nghị định đang trong quá trình hoàn thiện, kế thừa các quy định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung, làm rõ nhiều điểm nhằm khắc phục các bất cập.
Theo đại diện Ban soạn thảo, việc ban hành một văn bản độc lập về EPR không chỉ giúp hệ thống hóa các quy định, nâng cao tính minh bạch và khả thi trong thực hiện, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để điều chỉnh linh hoạt các quy định trong tương lai – điều đặc biệt cần thiết trong bối cảnh mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng trở thành xu thế tất yếu.
“EPR là một chính sách có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng như doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, tái chế, xử lý chất thải... Việc tách quy định thành một văn bản riêng là phù hợp và giúp nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả thực thi”, ông Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh.
Bộ NN-MT khuyến khích doanh nghiệp tự tái chế
Dự thảo Nghị định quy định rõ các đối tượng phải thực hiện trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải; lộ trình thực hiện theo từng nhóm sản phẩm, bao bì; quy định tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Đồng thời, xác định rõ một số nhóm đối tượng được miễn trừ theo nguyên tắc phù hợp với quy mô, năng lực và mức độ ảnh hưởng đến môi trường.
Về phương thức thực hiện trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn một trong hai hình thức:
Tự tổ chức tái chế: Bao gồm các cách thức như trực tiếp tái chế; thuê đơn vị tái chế; ủy quyền cho tổ chức trung gian thực hiện; hoặc kết hợp các hình thức trên.
Đóng góp tài chính: Nếu không tổ chức tái chế, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Tương tự, đối với trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải, Dự thảo quy định rõ mức đóng góp tài chính, thời hạn và phương thức nộp; đồng thời đưa ra nguyên tắc phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí này để đảm bảo minh bạch, công bằng, tránh thất thoát, lãng phí.
UBND cấp tỉnh là đơn vị nhận hỗ trợ để thực hiện hoạt động xử lý chất thải tại địa phương. Việc giải ngân kinh phí sẽ căn cứ theo khối lượng sản phẩm, bao bì đã được tái chế hoặc xử lý thực tế, được xác nhận bởi các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định.
Minh bạch hóa, tránh cơ chế xin - cho
Một trong những nguyên tắc trọng tâm khi xây dựng Nghị định là đảm bảo tính minh bạch và tránh hình thành cơ chế xin – cho trong quá trình phân bổ, giải ngân kinh phí hỗ trợ tái chế và xử lý chất thải.
Ông Hứa Phú Doãn – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam nhấn mạnh rằng khi lựa chọn các đơn vị thực hiện tái chế, cần có bộ tiêu chí cụ thể, trong đó đặc biệt quan tâm đến năng lực công nghệ. "Không thể vì giá thấp mà lựa chọn các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm thứ cấp", ông Doãn nhấn mạnh.
Ông cũng đề xuất các quy trình phải được số hóa ngay từ đầu, từ hồ sơ đăng ký, xét duyệt cho tới hoạt động tái chế, giải ngân và kiểm tra, giám sát – tất cả cần được công khai trên Cổng thông tin điện tử. Việc này không chỉ giúp kiểm soát tốt hơn mà còn tạo niềm tin cho doanh nghiệp rằng nghĩa vụ họ thực hiện được giám sát công bằng và hiệu quả.
Tăng cường cam kết và chế tài
Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam đặt vấn đề về việc đảm bảo cam kết tái chế của các đơn vị được nhận hỗ trợ tài chính. Theo bà, cần có cơ chế ràng buộc pháp lý để xử lý các trường hợp không thực hiện đúng, đủ khối lượng tái chế đã đăng ký hoặc có gian lận trong kê khai.
“Việc nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tái chế là cần thiết, nhưng cũng cần giám sát chặt chẽ để nguồn lực đó được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, không bị trục lợi”, bà Thanh nêu.
Đại diện các địa phương như TP.HCM và Đà Nẵng - nơi có khối lượng chất thải phát sinh lớn và hệ thống xử lý phức tạp bày tỏ mong muốn Trung ương sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về cách tổ chức thực hiện EPR ở cấp địa phương, đặc biệt là trong việc lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và giám sát sử dụng nguồn tài chính hỗ trợ.
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, để EPR thực sự đi vào cuộc sống, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với địa phương, cùng với đó là các công cụ giám sát, kiểm toán môi trường độc lập nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính tuân thủ pháp luật.
Việc xây dựng một Nghị định riêng về EPR là nỗ lực lớn của Bộ NN-MT trong việc thể chế hóa chính sách môi trường hiện đại, đồng bộ và phù hợp với xu thế toàn cầu. Nếu được triển khai hiệu quả, chính sách này không chỉ góp phần giảm áp lực lên hệ thống quản lý chất thải, mà còn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng rằng Nghị định sắp ban hành sẽ có các quy định rõ ràng, minh bạch, khả thi, đồng thời hạn chế tối đa thủ tục hành chính phức tạp. Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý, cần song song đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để chính sách EPR thực sự đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và bền vững.