Vấn đề hôm nay

Từ năm 2027, ôtô, xe máy cũ sẽ phải tái chế

Thanh Thanh 26/03/2025 12:00

Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tập huấn triển khai thực hiện quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu - EPR do Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Báo Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 25/3 vừa qua.

Theo ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, cơ sở pháp lý đã quy định đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR), lựa chọn hình thức tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế.

capture(4).png
Từ năm 2027, ôtô, xe máy cũ sẽ phải tái chế

Ông Nguyễn Văn Phan, Văn phòng EPR, cho biết trước khi có quy định về EPR, phần lớn bao bì sau khi sử dụng được thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, khi Việt Nam đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, nhất khi áp dụng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất bắt buộc phải tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Nghị định số 05 năm 2025 của Chính phủ vừa ban hành, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu được quy làm 2 nội dung.

Đối với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất các sản phẩm săm lốp, dầu nhớt, pin, ắc quy và một số loại bao bì có trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện và điện tử có trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Đối với trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm pin dùng một lần, tã lót, kẹo cao su, thuốc lá,… một số sản phẩm nhựa tổng hợp và bao bì thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.

Một trong những thay đổi quan trọng của Nghị định 05 vừa ban hành, đó là quy định rõ việc loại trừ trách nhiệm EPR đối với một số nhóm nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, nhấn mạnh việc thực hiện EPR là cần thiết và gấp rút, không chỉ giúp cho môi trường ngày càng xanh, sạch hơn mà còn giúp doanh nghiệp có thể duy trì xuất khẩu, sản phẩm bảo đảm tính bền vững trên thị trường quốc tế.

"Ví dụ trong lĩnh vực may mặc, Việt Nam gần như đứng top đầu thế giới về xuất khẩu nhưng kể từ năm 2024, đã tụt xuống vị trí sau do tỉ lệ tái chế trong lĩnh vực này rất hạn chế, trong khi mua nguyên vật liệu tái chế từ nước ngoài lại đắt đỏ" - ông Trung nêu vấn đề.

Việc thực thi trách nhiệm EPR giúp doanh nghiệp được nâng cao nhận thức, thực thi một cách trách nhiệm hơn nghĩa vụ với bảo vệ môi trường.

Từ đó, đáp ứng với những quy định ngày một cao về "tiêu chuẩn xanh" của các thị trường. Không chỉ tạo thêm dư địa xuất khẩu cho các ngành hàng, thực thi EPR còn góp phần quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, như cam kết đưa ra tại COP26.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Từ năm 2027, ôtô, xe máy cũ sẽ phải tái chế
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.