Công dụng tuyệt vời của rau muống xào tỏi
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 08:00, 04/07/2025
Công dụng tuyệt vời của rau muống xào tỏi
Không chỉ là món ăn quen thuộc hàng ngày đối với người Việt Nam, rau muống còn hiện diện ở nhiều nhà hàng trên thế giới với những thực đơn trứ danh của người Việt như xào, nộm. Vậy ăn rau muống thường xuyên có tốt không?
Theo trang Style Craze, rau muống có những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe con người bởi chứa nhiều nước, vitamin A, vitamin C và sắt. Là loại cây bán thủy sinh, rau muống có thể hỗ trợ điều trị các bệnh như vàng da, các vấn đề về gan, tiêu hóa và thiếu máu, ngăn ngừa bệnh tim và ung thư.
Thành phần dinh dưỡng của rau muống
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam do GS. Đỗ Tất Lợi biên soạn, rau muống chứa nhiều khoáng chất canxi, phospho, sắt, vitamin C, B1, B2, PP...

Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho biết, rau muống ngoài nguồn chất xơ còn chứa sắt, protein, canxi, kẽm và nhiều dưỡng chất quan trọng đối với sức khỏe.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, trong một đĩa rau muống luộc khoảng hơn 3 lạng chứa:
Năng lượng: 78kcal;
Protein 10g;
Lipid 1,2g;
Glucid 6,6g;
Chất xơ 3,1g;
Beta-caroten 17.463mg;
Vitamin C 72mg;
Canxi 312 mg;
Sắt 4,4mg;
Natri 116,7mg;
Kali 1031,2 mg;
Kẽm 1,1mg.
Không chỉ là món ăn quen thuộc hàng ngày đối với người Việt Nam, rau muống còn là thực phẩm yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như trên đảo Bali (Indonesia), Trung Quốc, Ấn Độ,... Ngày nay, món rau muống xào hay nộm rau muống trứ danh của người Việt Nam hiện diện ở nhiều nhà hàng trên thế giới từ Anh quốc, Mỹ đến Australia.
Thường xuyên bổ sung rau muống vào chế độ ăn uống, cơ thể bạn sẽ nhận được những lợi ích sau:
Giàu dinh dưỡng
Rau muống giàu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, vitamin C, sắt, canxi và magie. Báo VietNamNet dẫn nguồn nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học Thực phẩm Quốc tế cho biết, 100g rau muống sống chứa khoảng 2,6mg sắt, 55mg canxi, 2.830 IU vitamin A và 30mg vitamin C.
Như vậy, ăn rau muống mỗi ngày giúp bạn bổ sung nhiều loại dinh dưỡng. Vitamin A hỗ trợ thị lực, miễn dịch và sự phát triển tế bào; sắt góp phần tạo hồng cầu khỏe mạnh; magie và canxi quan trọng cho cơ và xương.
Rau muống chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và nhu động ruột diễn ra trơn tru. Theo tạp chí Khoa học Dinh dưỡng, chất xơ từ rau củ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh. Ăn thường xuyên có thể giảm táo bón, đầy hơi và khó tiêu.
Ổn định đường huyết
Đối với những người có nguy cơ tiểu đường loại 2 hoặc đang kiểm soát đề kháng insulin, rau muống có thể mang lại lợi ích. Nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất từ rau muống hỗ trợ hạ đường huyết và tăng độ nhạy với insulin. Dù cần thêm nghiên cứu trên người nhưng rau muống có thể là món rau phù hợp cho chế độ ăn lành mạnh với người tiểu đường.
Giảm stress oxy hóa cho cơ thể
Rau muống chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid và polyphenol, trung hòa các gốc tự do. Từ đó có thể giảm viêm, bảo vệ làn da và giảm nguy cơ bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch.
Cải thiện thị lực
Do chứa nhiều beta-carotene (tiền chất của vitamin A), rau muống góp phần bảo vệ sức khỏe đôi mắt. Ăn thường xuyên giúp giảm nguy cơ quáng gà và thoái hóa điểm vàng. Thiếu vitamin A vẫn còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng tại nhiều nước châu Á và châu Phi và việc tăng cường loại vitamin này từ nguồn thực phẩm tự nhiên là biện pháp hiệu quả.
Rau muống là thực phẩm tuyệt vời cho những người cần chế độ ăn giảm cân, giảm cholesterol và ổn định đường huyết tự nhiên. Nhờ hàm lượng sắt dồi dào, rau muống hỗ trợ điều trị thiếu máu, giúp phụ nữ mang thai bổ sung chất sắt và bảo vệ gan khỏi tổn thương do hóa chất nhờ các enzyme giải độc.

Ngoài ra, rau muống còn có một số công dụng chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian:
Thanh nhiệt, cầm máu: Nấu 150g rau muống với 12g cúc hoa, đun sôi 20 phút, lọc lấy nước uống. Có thể thêm chút đường để dễ uống.
Giải độc sắn (khoai mì): Giã nát một nắm rau muống, vắt lấy nước uống. Hoặc dùng 100g rau muống cắt đoạn, trộn với 50g cám gạo, giã nhuyễn, thêm nước loãng để uống.
Ngộ độc thực phẩm: Giã rau muống tươi lấy nước cốt uống ngay. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ khuyến cáo chỉ nên áp dụng cách này như biện pháp sơ cứu tạm thời, sau đó cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Chữa say nắng: Uống nước ép rau muống với chút muối, hoặc nước rau muống luộc pha thêm chanh hoặc muối giúp giải nhiệt, tiêu khát nhanh chóng.
Hỗ trợ điều trị rôm sảy, mẩn ngứa, sởi, thủy đậu ở trẻ em: Dùng nước luộc rau muống để xoa, rửa, tắm.
Nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa: Hàm lượng chất xơ cao trong rau muống giúp nhuận tràng, tốt cho người bị táo bón, khó tiêu. Tuy nhiên, nếu rau không đảm bảo vệ sinh, có thể gây rối loạn tiêu hóa.
Nhóm người nên ăn rau muống xào tỏi
Theo BS Đặng Trúc Quỳnh, có 4 nhóm người nên ăn rau muống xào tỏi để tăng cường sức khỏe. Cụ thể:
Người bị thiếu máu nên ăn rau muống xào tỏi
Rau muống là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào, khoáng chất thiết yếu để sản xuất hemoglobin, thành phần chính của hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Rau muống bổ sung đủ chất sắt giúp tăng cường sản xuất hồng cầu, giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.
Vitamin C trong rau muống giúp tăng cường hấp thu sắt từ thực phẩm. Vì vậy, ăn rau muống xào tỏi giúp cơ thể hấp thụ chất sắt từ rau muống một cách hiệu quả hơn.

Tỏi chứa các hợp chất giúp cải thiện lưu thông máu, đảm bảo việc vận chuyển oxy và dưỡng chất đến các tế bào trong cơ thể được diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để cải thiện tình trạng thiếu máu hiệu quả, bạn nên kết hợp rau muống xào tỏi với một chế độ ăn uống đa dạng và cân đối, bao gồm các nguồn thực phẩm giàu sắt khác như thịt đỏ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau lá xanh đậm.
Người muốn tăng cường sức khỏe tim mạch
Rau muống là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Loại rau này còn chứa nhiều vitamin C, vitamin K, kali và folate. Những chất này giúp ổn định huyết áp, giảm viêm nhiễm và bảo vệ thành mạch máu.
Trong khi đó, tỏi chứa allicin - hợp chất có tác dụng giảm cholesterol xấu, huyết áp và ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên kết hợp rau muống xào tỏi với một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học, bao gồm tập thể dục thường xuyên và hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh và đồ uống có đường.
Người muốn cải thiện thị lực
Rau muống chứa lutein và zeaxanthin - hai chất chống oxy hóa carotenoid có khả năng bảo vệ mắt khỏi tác hại của ánh sáng xanh và tia UV, giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.
Tỏi có các hợp chất giúp cải thiện lưu thông máu, bao gồm cả lưu thông máu đến mắt. Điều này giúp cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất cho mắt, hỗ trợ chức năng thị giác.
Cả rau muống và tỏi đều có tính chất chống viêm, giúp giảm viêm nhiễm ở mắt, bảo vệ mắt khỏi các bệnh lý như viêm kết mạc, viêm giác mạc. Hai thực phẩm dễ tìm này đều giàu chất chống oxy hóa và các dưỡng chất khác giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến mắt.
Người muốn tăng cường hệ miễn dịch
Rau muống là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và các gốc tự do.
Ngoài vitamin C, rau muống còn chứa các chất chống oxy hóa khác như beta-carotene, lutein và zeaxanthin. Những chất này giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, giảm viêm nhiễm và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Tỏi chứa allicin, một hợp chất có khả năng kháng khuẩn và kháng virus tự nhiên. Allicin giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh và ngăn ngừa nhiễm trùng, hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.
Rau muống xào tỏi còn cung cấp các dưỡng chất thiết yếu khác như vitamin A, vitamin K, folate và các khoáng chất như kali, magie, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt.
Những ai không nên ăn rau muống?
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), trong y học cổ truyền, rau muống vị ngọt, tính hơi hàn (tính hàn giảm khi nấu chín), công dụng thanh nhiệt, lương huyết, cầm máu, hỗ trợ tiêu hóa và giải độc. Dù có nhiều lợi ích, rau muống không phù hợp với một số nhóm người.
Những người mắc bệnh huyết áp cao, nhịp tim chậm, suy nhược nặng, hư hàn không nên ăn rau muống. Ngoài ra, rau muống có thể kích thích tăng sinh tế bào, làm sẹo lồi, không tốt cho những người có vết thương hở hoặc đang trong giai đoạn lành mụn nhọt.
Đặc biệt, người đang uống thuốc Đông y cũng không nên ăn rau muống, vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc, nhất là khi thuốc có thành phần độc trị độc.
Để đảm bảo an toàn, cần chọn rau muống có nguồn gốc rõ ràng, tránh rau nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Khi chế biến, nên rửa sạch từng ngọn, ngâm nước muối loãng trước khi nấu, không ăn rau muống sống để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Rau muống là thực phẩm tốt, nhưng để cân bằng dinh dưỡng, cần ăn đa dạng các loại rau khác nhau.