El Nino và La Nina chưa xuất hiện, thời tiết Việt Nam diễn biến phức tạp

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:00, 18/07/2025

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO (bao gồm El Nino và La Nina) được dự báo sẽ duy trì trạng thái trung tính từ nay đến đầu năm 2026. Khả năng xuất hiện El Nino hoặc La Nina trong giai đoạn này là rất thấp.
Biến đổi khí hậu

El Nino và La Nina chưa xuất hiện, thời tiết Việt Nam diễn biến phức tạp

Anh Minh 18/07/2025 09:00

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO (bao gồm El Nino và La Nina) được dự báo sẽ duy trì trạng thái trung tính từ nay đến đầu năm 2026. Khả năng xuất hiện El Nino hoặc La Nina trong giai đoạn này là rất thấp.

Nắng nóng không kéo dài, mưa nhiều và cục bộ

Từ đầu năm đến nay, thời tiết Việt Nam chịu ảnh hưởng của ENSO trung tính, dẫn đến việc ghi nhận ít đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, trong khi lượng mưa tại nhiều khu vực cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN).

Tại Bắc Bộ đã xảy ra 6 đợt nắng nóng, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35–38°C, cá biệt có nơi đạt ngưỡng 40°C trong đợt nóng ngày 1–2/6. Tuy nhiên, các đợt nắng nóng chỉ kéo dài 1–3 ngày.

mua.jpg
Ảnh minh họa

Khu vực Trung Bộ ghi nhận 6 đợt nắng nóng từ Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ, kéo dài 2–6 ngày mỗi đợt. Riêng tại Thanh Hóa–Nghệ An vào đầu tháng 5 và ngày 2/6, một số nơi ghi nhận nhiệt độ xấp xỉ 40°C như Tương Dương, Quỳ Châu (Nghệ An) hay Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Nam Bộ và Tây Nguyên cũng trải qua nhiều ngày nắng nóng trong nửa đầu tháng 5, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ với nhiệt độ trên 37°C. Từ ngày 10/5, nắng nóng giảm, chỉ còn xảy ra cục bộ.

Mưa nhiều bất thường, lượng mưa vượt kỷ lục


Từ tháng 5 đến nay, nhiều khu vực trong cả nước trải qua các đợt mưa lớn kéo dài. Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ ghi nhận tới 9 đợt mưa diện rộng, có nơi mưa vượt kỷ lục trong lịch sử quan trắc.

Tổng lượng mưa trong tháng 5 vượt TBNN từ 20–80%, cá biệt có nơi vượt 200%. Sang tháng 6, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ghi nhận lượng mưa cao hơn TBNN từ 300–600%, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 từ ngày 10–13/6, với lượng mưa lên đến 600mm.

Trong nửa đầu tháng 7, lượng mưa tại Trung Bộ có nơi cao gấp 2–3 lần TBNN, trong khi duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ghi nhận lượng mưa thấp hơn trung bình.

Dự báo thời tiết tiếp tục cực đoan


Từ nay đến tháng 10/2025, dự báo có khoảng 6–7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, trong đó 2–3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Ngoài ra, nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra trên diện rộng.

Dự báo mưa lớn diện rộng sẽ tiếp tục diễn ra tại Bắc Bộ trong tháng 8–9, và Trung Bộ trong tháng 9–10. Một số nơi có thể ghi nhận lượng mưa cao hơn 10–30% so với TBNN. Từ tháng 11–12, mưa lớn sẽ tập trung ở khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và phía Đông Tây Nguyên.

Từ tháng 9, nắng nóng có xu hướng giảm dần, trong khi không khí lạnh bắt đầu hoạt động mạnh từ tháng 10.

Từ tháng 11/2025 đến tháng 1/2026, dự báo có thêm 2–3 cơn bão hoặc ATNĐ xuất hiện trên Biển Đông, trong đó 1–2 cơn có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam. Các tỉnh từ Nghệ An đến Lâm Đồng được cảnh báo có thể có tổng lượng mưa cao hơn TBNN từ 10–25%.

Anh Minh