Nam Phi triển khai công nghệ hiện đại và chiến lược toàn diện để bảo tồn tê giác trắng

Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 14:00, 20/07/2025

Trong nỗ lực bảo vệ loài tê giác trắng đang bị đe dọa, Chính phủ Nam Phi vừa chính thức khởi động Chiến dịch Phục hưng tê giác tại Vườn quốc gia Kruger – một sáng kiến toàn diện kết hợp công nghệ hiện đại và hành động thực địa.
Đa dạng sinh học

Nam Phi triển khai công nghệ hiện đại và chiến lược toàn diện để bảo tồn tê giác trắng

Anh Minh 19/07/2025 17:00

Trong nỗ lực bảo vệ loài tê giác trắng đang bị đe dọa, Chính phủ Nam Phi vừa chính thức khởi động Chiến dịch Phục hưng tê giác tại Vườn quốc gia Kruger – một sáng kiến toàn diện kết hợp công nghệ hiện đại và hành động thực địa.

Theo kế hoạch, đàn tê giác trắng tại Kruger hiện có hơn 2.000 cá thể sẽ được tái thiết lên 12.000 con trong vòng 10 năm tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nam Phi đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến như máy bay không người lái (drone), vòng cổ định vị GPS và hệ thống báo cáo kỹ thuật số, nhằm cung cấp dữ liệu thời gian thực cho các lực lượng chức năng.

te-giac.jpg
Ảnh minh họa

Phát biểu tại lễ ra mắt chiến dịch vào ngày 15/7, Bộ trưởng Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường, Tiến sĩ Dion George cho biết: Kể từ năm nay, 90 giám sát viên tê giác sẽ được huấn luyện và triển khai hàng năm trên khắp Vườn quốc gia Kruger. Họ không chỉ góp phần bảo tồn tê giác mà còn bảo vệ sinh kế, tài sản của người dân và tạo ra việc làm xanh cho tương lai.

Ngoài công nghệ giám sát, chiến dịch còn bao gồm các biện pháp quản lý sinh học như cắt sừng có kiểm soát, gắn thẻ ADN, nghiên cứu di truyền học và tăng cường hợp tác thực thi pháp luật ở cấp tỉnh, quốc gia và khu vực.

Với vai trò là nước chủ nhà của G20, Nam Phi cũng đặt kỳ vọng đưa chiến dịch này trở thành một Dự án Di sản G20 nhằm kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế về tài chính và ngoại giao.

Chống tội phạm về động vật hoang dã được xác định là một trong sáu ưu tiên chiến lược của Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi. Chính phủ nước này đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Interpol, Công ước CITES, Ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước láng giềng thuộc Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) nhằm tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và đẩy mạnh hợp tác xuyên biên giới.

Thông qua chiến dịch này, Nam Phi khẳng định cam kết vì một tương lai công bằng, bền vững – nơi các loài động vật hoang dã mang tính biểu tượng không chỉ được bảo vệ, mà còn đóng vai trò trong việc nâng cao đời sống cộng đồng và khẳng định bản sắc dân tộc.

Anh Minh