Quảng Bình: Cứu hộ nhiều động vật hoang dã quý hiếm do người dân tự nguyện giao nộp
Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vừa phối hợp kiểm lâm tiếp nhận nhiều cá thể động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có cu li nhỏ, tê tê Java và khỉ đuôi lợn.
Ngày 24/4, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa phối hợp với lực lượng kiểm lâm tiếp nhận để cứu hộ nhiều cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm từ người dân tự nguyện giao nộp.

Cụ thể, Trung tâm phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch tiếp nhận một cá thể cu li nhỏ do anh Hoàng Ánh Quyền, trú tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa tự nguyện giao nộp; tiếp nhận hai cá thể động vật hoang dã gồm tê tê Java và khỉ đuôi lợn từ Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa.
Các bác sĩ thú y của Trung tâm cho biết, tại thời điểm tiếp nhận, cá thể tê tê Java bị thương nặng và sức khỏe rất yếu; cá thể khỉ đuôi lợn bị thương và suy giảm tập tính hoang dã.
Sau khi tiếp nhận, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện phục hồi tập tính hoang dã trước khi thả về môi trường tự nhiên.
Cu li nhỏ và tê tê Java là động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IB (các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) còn khỉ đuôi lợn là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IIB (các loài hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) cho biết, từ khi thành lập đến nay đơn vị tiếp nhận, cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên hàng nghìn cá thể động vật hoang dã quý hiếm.
"Sau cứu hộ, chăm sóc và phục hồi tập tính, các loài động vật hoang dã được tái thả về môi trường tự nhiên. Khu vực tái thả là nơi an toàn, phù hợp với sinh cảnh của từng loài, được lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ", ông Trần Ngọc Anh cho biết.
Theo anh Phạm Kim Vương, Phụ trách phòng Cứu hộ của Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, động vật hoang dã được cứu hộ có thể từ người dân tự nguyện giao nộp hoặc do các cơ quan chức năng (kiểm lâm, công an, hải quan...) chuyển giao. Những cá thể được cứu đa dạng về loài, tình trạng sức khỏe, mức độ mất tập tính tự nhiên.
"Chúng tôi phối hợp với chính quyền và lực lượng kiểm lâm tổ chức tuyên truyền người dân cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã. Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều người đã tự nguyện giao nộp động vật hoang dã để cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên", anh Vương cho biết.
Ngoài các loài linh trưởng, chim, trăn, hổ... còn cứu hộ được nhiều cá thể rùa. Sau khi hoàn tất công tác cứu hộ, sẽ lựa chọn sinh cảnh phù hợp tái thả rùa về tự nhiên.