[Góc nhìn tuần qua]: Chủ động ứng phó mưa lũ và sạt lở đất nửa cuối năm 2025 - Bài học từ 2024

Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 26/07/2025

Nửa cuối năm 2025, Việt Nam bước vào cao điểm mùa mưa bão trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng rõ rệt đến thời tiết và hệ sinh thái.
Góc nhìn tuần qua

[Góc nhìn tuần qua]: Chủ động ứng phó mưa lũ và sạt lở đất nửa cuối năm 2025 - Bài học từ 2024

Ban Biên tập Moitruong.net.vn 26/07/2025 11:00

Nửa cuối năm 2025, Việt Nam bước vào cao điểm mùa mưa bão trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng rõ rệt đến thời tiết và hệ sinh thái.

Góc nhìn tuần qua: Chủ động ứng phó mưa lũ và sạt lở đất nửa cuối năm 2025 - Bài học từ 2024

Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu hàng chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Cùng với đó là hàng trăm vụ sạt lở đất, lũ quét bất ngờ. Nửa cuối năm 2025, chúng ta đang đối mặt với một mùa mưa bão đầy thách thức. Và những gì đã xảy ra trong năm 2024 là hồi chuông không thể ngó lơ... Năm 2024, thiên tai đã để lại những vết hằn sâu trong ký ức của hàng triệu người dân Việt Nam, từ miền núi phía Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên.

Bão số 5 đổ bộ vào miền Trung tháng 10/2024 gây mưa lớn diện rộng. Tại Quảng Nam, huyện Nam Trà My và Phước Sơn xảy ra lũ quét và sạt lở nghiêm trọng. Trận lũ đã cuốn trôi hàng chục căn nhà, cuốn mất một trường tiểu học và làm sập cầu dân sinh bắc qua suối lớn. Điều đáng tiếc là dù địa phương đã từng xảy ra thảm họa tương tự vào năm 2020, nhưng công tác di dời dân cư vẫn chưa được thực hiện triệt để. Nhiều hộ dân vẫn sinh sống ven sườn núi, bất chấp nguy cơ tiềm ẩn.

Không chỉ các vùng núi, năm 2024 còn chứng kiến nhiều địa phương ngập sâu sau mỗi đợt mưa lớn. Hệ thống thoát nước quá tải, cộng với tốc độ bê tông hóa nhanh chóng khiến nước không thể thoát kịp. Ngập úng kéo dài không chỉ gây ách tắc giao thông, mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, sức khỏe và đời sống đô thị.

Những trận thiên tai trong năm 2024 không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh, mà còn là bài học nhãn tiền để các cấp chính quyền và cộng đồng chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai năm 2025. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai chương trình nâng cấp hệ thống radar thời tiết và trạm quan trắc tự động ở các điểm nóng về lũ quét và sạt lở đất. Việc đưa vào vận hành bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất toàn quốc giúp các địa phương dễ dàng lập kế hoạch sơ tán, phòng ngừa từ sớm. Ngoài ra, dữ liệu viễn thám và mô hình khí tượng số được ứng dụng để cảnh báo trước nhiều ngày với độ chính xác cao, thông qua cả tin nhắn, app điện thoại và truyền hình địa phương.

Các tỉnh Tây Bắc và miền Trung đã hoàn thành việc rà soát toàn bộ các khu dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao. Theo đó, năm 2025 sẽ có khoảng 6.000 hộ dân tại 24 tỉnh thành được đưa vào diện di dời ưu tiên. Bên cạnh việc xây dựng khu tái định cư mới, chính quyền địa phương còn hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, tạo điều kiện để người dân ổn định đời sống lâu dài, thay vì “di dời xong là xong”.

Hàng loạt công trình phòng chống thiên tai như hồ điều tiết, kè sông, mương thoát nước, nhà chống lũ… đã được khởi công và nâng cấp trong 6 tháng đầu năm 2025. Đặc biệt, các tuyến quốc lộ qua miền núi, thường xuyên bị chia cắt bởi sạt lở cũng được ưu tiên gia cố. Tại TP. Huế, mô hình "tuyến đường tránh lũ" đã được mở rộng, giúp hàng nghìn hộ dân thoát khỏi cảnh cô lập trong mưa lũ.

Năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam và các tổ chức quốc tế đẩy mạnh chương trình “Trường học an toàn”, “Xóm làng an toàn” với mục tiêu: 100% trường học ở vùng rủi ro có kế hoạch sơ tán khẩn cấp; mỗi gia đình đều được tập huấn kỹ năng thoát hiểm, cứu hộ, sơ cứu ban đầu. Những buổi diễn tập không còn mang tính hình thức, mà lồng ghép thực tiễn địa phương: tổ chức vào mùa mưa thật, tình huống giả định sát thực tế, có sự tham gia của cả học sinh, người cao tuổi và người khuyết tật.

Trong năm 2025, hàng loạt sáng kiến công nghệ cũng đã được áp dụng vào quản lý thiên tai tại Việt Nam. Ứng dụng "Cảnh báo sớm thiên tai", Hệ thống camera giám sát lũ quét, Mô hình nhà chống lũ nổi thông minh.

Năm 2025, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, đài truyền hình địa phương, mạng xã hội... tăng cường chuyên mục cảnh báo thiên tai, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó, và phổ biến kỹ năng sống an toàn. Đặc biệt, nhiều tỉnh đã phối hợp với ngành giáo dục đưa nội dung phòng tránh thiên tai vào chương trình học, tổ chức “giờ học ngoài trời” tại các vùng nguy cơ cao để học sinh được trải nghiệm thực tế.

Ban Biên tập Moitruong.net.vn