Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hứng chịu nắng nóng kỷ lục, cháy rừng lan rộng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:12, 28/07/2025

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ vượt 50°C và 45°C, gây ra hàng loạt vụ cháy rừng, thiệt hại nhà cửa và buộc hàng trăm người sơ tán.
Biến đổi khí hậu

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hứng chịu nắng nóng kỷ lục, cháy rừng lan rộng

Hải Đăng {Ngày xuất bản}

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ vượt 50°C và 45°C, gây ra hàng loạt vụ cháy rừng, thiệt hại nhà cửa và buộc hàng trăm người sơ tán.

Các nhà khí tượng học Thổ Nhĩ Kỳ vừa ghi nhận mức nhiệt 50,5 độ C ở khu vực đông nam nước này, xô đổ kỷ lục nhiệt độ trước đó là 49,5 độ C ghi nhận tháng 8/2023 và đánh dấu mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay xét trên phạm vi toàn quốc.

nang-nong-tho-nhi-ky-2707.jpg
Mức nhiệt kỷ lục được ghi nhận vào ngày 25/7 tại huyện Silopi, thuộc tỉnh Sirnak.

Ngoài ra, trong tháng 7 năm nay, có tới 132 trạm khí tượng trên cả nước ghi nhận nhiệt độ cao nhất so mức cùng tháng trong các năm trước. Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt, đồng thời phải đối phó nhiều vụ cháy rừng ở nhiều khu vực, trong bối cảnh dự báo nắng nóng tiếp tục trong những ngày tới.

Giới chức cứu hỏa Thổ Nhĩ Kỳ trong 4 ngày qua đang khống chế đám cháy chưa được kiểm soát ở tỉnh Karabuk phía bắc, nhiều cư dân địa phương đã phải sơ tán. Ngày 23/7, 10 người thiệt mạng khi chữa cháy ở tỉnh Eskisehir.

Đợt nắng nóng dự kiến tiếp diễn vài ngày tới, buộc một số địa phương phải ban hành lệnh hạn chế sử dụng nước, bao gồm cả khu nghỉ dưỡng ven biển Cesme, gần Izmir trên bờ biển phía tây.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ là Hy Lạp cũng đang hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt thứ ba trong mùa Hè này với nền nhiệt tại một số địa phương có lúc vượt 45 độ C. Nắng nóng gây ra hàng chục vụ cháy rừng, buộc các lực lượng ứng phó với tình trạng khẩn cấp ở nước này phải căng mình đối phó và sơ tán hàng trăm người.

Giới chức nước này cho biết, 145 lính cứu hỏa cùng khoảng 44 phương tiện khác, gồm máy bay trực thăng đã được huy động để khống chế các đám cháy rừng.

Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Hy Lạp, trong vòng 24 giờ, đã xảy ra 52 vụ cháy rừng, trong đó 44 vụ đã được kiểm soát. Các đám cháy lớn tại các khu vực gần thủ đô Athens, đảo Euboea, Kythera và Crete. Tại đảo Kythera, 138 người đã được giải cứu bằng đường biển sau khi bị mắc kẹt tại bãi biển Limnionas gần đám cháy rừng.

Một số khu vực, trong đó có làng Drosopigi và Krioneri gần thủ đô Athens, đã ghi nhận thiệt hại về nhà cửa. Ít nhất 5 người đã phải nhập viện do bị bỏng hoặc gặp vấn đề hô hấp.

Hiện cảnh báo cháy rừng đang được đặt ở cấp độ 5, mức nhất, tương ứng với nguy cơ cháy rừng cực cao do thời tiết nắng nóng và khô hạn.

Trước tình hình này, chính phủ Hy Lạp đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Cơ chế bảo vệ dân sự của Liên minh châu Âu (EU) thông qua cơ chế RescEU. Cơ chế này của EU nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên và các tình huống khẩn cấp khác, đặc biệt là khi khả năng ứng phó của các quốc gia thành viên bị quá tải. Theo đó, Hy Lạp đề nghị được hỗ trợ thêm 6 máy bay thuộc đội máy bay chữa cháy của RescEU. Ngoài ra, Cộng hòa Séc đã điều động lực lượng và phương tiện tới hỗ trợ Hy Lạp.

Hải Đăng