Xã Khánh Thượng (Ba Vì, Tp. Hà Nội): Nước thải chăn nuôi lợn “nhuộm xanh” nước sông Đà

Anh Huy – Vi Yến|22/04/2018 01:51
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Dòng nước từ những đường ống đua nhau chảy trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng

Theo phản ánh của người dân, PV Moitruong.net.vn đã tìm đến thôn Phú Thứ, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì để khảo sát tình hình thực tế. Khi vừa đặt chân đến đây, chúng tôi không khỏi “kinh hãi” trước sự ô nhiễm khủng khiếp mà người dân nơi đây đang ngày đêm phải hứng chịu. Đi dọc theo con đường ven sông Đà tại địa phận thôn Phú Thứ, đập vào mắt chúng tôi là cả một đoạn dài người dân vứt các túi rác lớn nhỏ la liệt khắp nơi, rồi theo dòng nước chảy ùn ứ lại tạo thành một bãi rác thải “lềnh phềnh” trên mặt nước.

Không chỉ vậy, dòng sông Đà thơ mộng còn phải “oằn mình” hứng các loại nước thải sinh hoạt, đặc biệt là nước thải của các hộ chăn nuôi lợn xả trực tiếp ra môi trường mà không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào. Dòng sông trong xanh ngày nào nay đã bị ô nhiễm nặng nề và biến thành một bãi tập kết các loại rác thải khiến nước sông đặc quánh, đen ngòm. Các đường ống nối đuôi nhau chảy từ các hộ chăn nuôi ra dòng sông khiến những khu đất dòng nước chảy qua đổi màu biến thành những mảnh đất đen cùng với mùi hôi thối ghê rợn, ruồi nhặng bu kín cả một vùng.

Rác thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi thay nhau “bức tử” bờ sông Đà

Nhiều hộ dân tại đây cho biết tại thôn có hộ chăn nuôi thường xả thải trực tiếp ra môi trường. Những gia đình sống xung quanh khu vực có mặt bằng thấp là nước thải của các hộ chăn nuôi lợn chảy lênh láng khắp vườn. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm nay nhưng chưa thấy cơ quan nào đến làm việc xử lý sai phạm và khắc phục. Điều này dẫn đến tình trạng ruồi muỗi phát sinh ngày càng nhiều, khiến đời sống sinh hoạt của người dân tại thôn Phú Thứ gặp nhiều khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường do các hộ chăn nuôi lợn tại thôn đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng hàng trăm hộ dân tại đây vẫn chấp nhận sống chung với “lũ”.

Đường ống dẫn nước thải chăn nuôi được các hộ nuôi lợn “khéo léo” ngụy trang, xả thải trực tiếp ra bờ sông Đà

Trao đổi với phóng viên ông N.N.T (57 tuổi), sống tại thôn Phú Thứ cho biết: “Phần lớn các hộ dân chăn nuôi ở đây đều là các hộ nhỏ lẻ với quy mô vài chục con, nước thải với phân lợn trong những ngày nắng nóng bốc mùi khó chịu vô cùng. Ngay cạnh nhà tôi là hộ chăn nuôi nhà Hổ Hoa chăn nuôi với quy mô lên tới hơn 200 con nhưng lại không có biện pháp xử lí môi trường, xả thải trực tiếp ra sông, ngày nào gió từ ngoài sông thổi vào thì chúng tôi chỉ có đóng cửa ở trong nhà vì mùi hôi thối. Ruồi, muỗi thì tăng lên mỗi ngày, chúng tôi phải sử dụng hơn chục vỉ keo dính ruồi và có những hôm ăn cơm phải ngồi kín không ruồi bay vào mâm cơm không ăn nổi”.

Nước thải do các hộ chăn nuôi lợn xả trực tiếp ra môi trường nổi váng lênh lánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc

Cùng chung cảnh phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường do các hộ chăn nuôi lợn trong thôn gây ra, chị N.T.T (42 tuổi) sống tại thôn Phú Thứ, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì bày tỏ: “Chúng tôi ở đây sống khổ cực lắm, mùi hôi thối từ phân lợn của các hộ chăn nuôi, đặc biệt là hộ của gia đình nhà Tám Hanh, nhà này nuôi lợn nhiều nhất, là chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng số lợn trong trại phải lên tới 300 con. Nước xả thải của phân lợn ra môi trường mùi ghê lắm. Nhà tôi cách gần 300m mà ngày nào cũng như ngày nào, mỗi khi trời nắng gió thổi từ ngoài sông vào là không thể chịu nổi. Mùi bốc lên đến đâu thì ruồi muỗi theo đến đấy, nhà tôi ở đây bán hàng mà ngày nào cũng mất ít nhất 5 đến 6 miếng dính ruồi bu kín thì mới đỡ. Có những ngày ăn cơm phải vào phòng kín đóng cửa lại mới ăn được không ruồi bu kín mâm cơm. Mà không riêng gì nhà Tám Hanh, tại thôn này dường như là cả làng đều nuôi lợn, hều hết nhà nào cũng không có hầm ga để xử lý nước thải do chăn nuôi gây ra, đều xả trực tiếp ra môi trường”.

Phân lợn đen kịt bờ sông Đà, “sản phẩm” từ chính những hộ chăn nuôi lợn tại thôn Phú Thứ

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Moitruong.net.vn đã tìm gặp ông Trần Minh Châu, trưởng thôn Phú Thứ, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì để làm rõ thông tin. Nhưng những gì chúng tôi nhận được lại là sự đùn đẩy. Ông Châu khẳng định: “Chúng tôi ở đây chỉ là các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chúng tôi đều có hệ thống dẫn nước thải đàng hoàng. Nếu muốn tìm hiểu về vấn đề môi trường các anh chị cứ lên xã gặp anh Khánh chịu trách nhiệm về khoản đó thì sẽ hiểu rõ hơn, chúng tôi ở đây không quản lý những vấn đề này”. Với cương vị là người đứng đầu một thôn mà câu trả lời của ông Châu dường như là đùn đẩy trách nhiệm, tỏ ra sự thờ ơ và có dấu hiệu bao che cho những sai phạm mà các hộ dân nuôi lợn gây ra.

Rác thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi xả thẳng ra ngoài môi trường, mùi ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng, số lượng ruồi muỗi không ngừng gia tăng hàng ngày gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân, dòng sông Đà ngày đêm hứng chịu dòng nước thải từ các hộ chăn nuôi gây ô nhiễm. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay tại sao vẫn chưa một ai đứng ra xử lý, trách nhiệm của UBND xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì như thế nào khi để tình trạng này?

Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này và thông tin đến bạn đọc!

Anh Huy – Vi Yến


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xã Khánh Thượng (Ba Vì, Tp. Hà Nội): Nước thải chăn nuôi lợn “nhuộm xanh” nước sông Đà
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.