Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mường nơi Cúc Phương đại ngàn

Phạm Anh|27/04/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch, thu hút du khách, trong 3 ngày, từ ngày 29/4 đến ngày 1/5/2022, huyện Nho Quan tổ chức Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn và Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc năm 2022, với chủ đề “Nho Quan ngọn lửa núi rừng”.

Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn sẽ được tổ chức cùng với Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan, Ninh Bình được tổ chức thường niên từ năm 2017 nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho nhân dân trong huyện. Năm nay Ngày hội được chức cùng với Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn. Những hoạt động này nhằm kích cầu du lịch trở lại sau thời gian dài “đứt gãy” do dịch Covid-19.

Theo BTC, Lễ Khai mạc Tuần lễ sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 29/4, tại khu Hồ Mạc, Vườn Quốc gia Cúc Phương với màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc của nhiều nghệ sĩ, diễn viên không chuyên là đồng bào các dân tộc trong huyện. Cùng với đó, nhân dân và du khách còn được tham quan, mua sắm nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương và các sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Nho Quan.

Trình diễn chiêng tại động Người Xưa ở rừng Cúc Phương.

Tham gia Tuần lễ và Ngày hội có 7 xã dân tộc và miền núi, bao gồm: Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long, Văn Phương, Yên Quang, Quảng Lạc, Thạch Bình. Đồng thời, huyện Nho Quan cũng thành lập thêm các Đoàn cụm xã. Mỗi đoàn sẽ chuẩn bị đầy đủ các tiết mục văn hóa, văn nghệ, bộ môn thể dục thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian để biểu diễn.

Các nội dung chính trong Tuần lễ và Ngày hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; hội trại gắn với trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương. Có thể kể đến các hoạt động trình diễn múa cồng chiêng, múa sạp, giao lưu nghệ thuật quần chúng, đêm hội âm nhạc, hội diễn nghệ thuật quần chúng…

Ông Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được huyện Nho Quan quan tâm, chú trọng. Thông qua các Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy một số nét đẹp văn hóa dân tộc Mường và Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường…, đồng bào có cơ hội phát huy những di sản văn hóa.

Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan được tổ chức cùng với Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn nhằm kích cầu du lịch.

Dự kiến, một Bảo tàng Văn hóa Mường với diện tích khoảng 1.000m2 cũng sẽ được xây dựng trong nội khu Vedana Resort nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường Cúc Phương. Theo đó, Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày mà còn lưu giữ, là nơi bà con có thể gửi gắm những kỷ vật, vật dụng gắn bó với sinh hoạt, lao động sản xuất nhiều đời nay. Để nhanh chóng “cứu” các vật dụng xưa cũ của bà con không bị bán đồng nát hay nung chảy để đúc mới, công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật đang được tiến hành tích cực.

Lãnh đạo huyện Nho Quan chia sẻ, là huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình, vị trí nằm ở đầu mối giao thông quan trọng nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ, nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng và di tích lịch sử, văn hóa truyền thống nổi tiếng như: động Vân Trình, hồ Yên Quang, hồ Đồng Chương, nước khoáng nóng Cúc Phương, văn hóa đồng bào Mường, các sản vật địa phương…

Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Vườn Quốc gia Cúc Phương, một địa danh du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới, với khu bảo tồn động, thực vật quý hiếm và những di tích văn hóa được xác định có từ sơ kỳ đồ đá mới… Bởi vậy, du lịch là một trong những mũi nhọn đặc biệt được quan tâm, đầu tư của địa phương.

Phạm Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mường nơi Cúc Phương đại ngàn