(Moitruong.net.vn) – Mùa nắng nóng chính là thời điểm “vàng” để các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan và xâm nhập bởi sự thay đổi thất thường của thời tiết. Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, mỗi người cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh mà Cục y tế dự phòng, Bộ y tế đã khuyến cáo.
Hiện tại trên cả nước đang là khoảng thời gian cao điểm của nắng nóng
Một số bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng
Một số bệnh về đường tiêu hóa: Nếu sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc dùng các loại nước giải khát, kem bị nhiễm vi sinh vật, nhất là nước giải khát, kem bán dạo, nước đá không tiệt trùng… là điều kiện rất tốt để vi sinh vật phát triển, từ đó dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng tiêu hoá gây tiêu chảy.
Bệnh vùng mũi họng: Khi thời tiết quá nóng, nếu mở quạt với tốc độ lớn hoặc ở trong phòng điều hòa máy lạnh nhiệt độ quá chênh lệch với môi trường bên ngoài (khoảng 15- 16 độ C), có nguy cơ làm khô vùng hầu họng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, nhất là vi khuẩn và vi nấm xâm nhập gây viêm VA, viêm amiđan, viêm thanh quản, phế quản cấp tính, nặng hơn có thể gây viêm phổi.
Rôm sảy: Là một trong những bệnh da phát triển khi thời tiết nóng bức với biểu hiện nổi nhiều đốm đỏ li ti gây ngứa mạnh ở các vùng ra nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ… Nếu mồ hôi không thoát hết sẽ gây ứ đọng trong các ống bài tiết trên da, các ống này bị bụi hay chất cặn bã bịt kín gây nổi các nốt viêm.
Bệnh chốc: Bệnh chốc lây do liên cầu, thường gặp ở trẻ em, có khi ở cả người lớn ở vùng đầu mặt sau có thể lan ra thân mình, tay chân. Tổn thương là bọng nước vài milimet, bùng nhùng sau vài giờ thành mụn mủ rồi vỡ thành chợt đỏ nông, đóng vẩy tiết vàng kiểu mật ong rồi lành. Dịch mủ chảy ra có thể lây lan ra vùng khác. Một số trường hợp có biến chứng cầu thận cấp.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh trong mùa hè, đặc biệt là bệnh đường tiêu hóa
Cách phòng tránh bệnh mùa nắng nóng
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, người dân nên hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì người dân phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… để chống nóng.
Mọi người cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol…
Không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần người; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Mọi người cũng cần nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe với phương châm “phòng” hơn “chống”, thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng các nguồn thực phẩm tươi, không chế biến thịt gia súc, gia cầm đã chết hoặc nhiễm bệnh.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và ăn uống, giữ sạch nơi ở để tránh các bệnh do vi-rút lây lan, tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.
Khi bản thân và người thân trong gia đình nghi bị bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Yến Anh (T/h)