Cần tách biệt giữa thông tin bắt buộc thu thập và thông tin công dân tự nguyện cung cấp

Lam Trinh |19/08/2023 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cho ý kiến tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cần tách biệt rõ loại thông tin bắt buộc phải thu thập để đưa vào căn cước công dân với loại thông tin công dân tự nguyện cung cấp cho cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

19-qh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp

Chiều 18/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung phiên họp.

Bổ sung đối tượng người gốc Việt vào phạm vi điều chỉnh

Tại phiên họp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, qua nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; người được cấp thẻ căn cước; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; cấp, quản lý căn cước điện tử.

Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho đối tượng này tham gia các giao dịch dân sự, hành chính trong xã hội. Trước mắt Chính phủ chỉ đề nghị bổ sung chính sách cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam (có tính chất bắt buộc), không cấp thẻ căn cước như đối với công dân Việt Nam vì họ chưa đủ các điều kiện cấp căn cước như công dân Việt Nam. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã bổ sung, chỉnh lý Điều 5 và chỉnh sửa toàn diện Điều 7 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, để triển khai Đề án 06 của Chính phủ, thì việc mở rộng, cập nhật thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết để khai thác, đối sánh, xác minh thông tin. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chỉnh lý, bổ sung Điều 11 và Điều 17 quy định cụ thể về phân loại trường thông tin bắt buộc cập nhật, trường thông tin thu thập từ người dân trên tinh thần tự nguyện và quy định rõ việc thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu; chỉnh lý khoản 2 Điều 11 bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ an toàn ở mức tối đa.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, việc giao Chính phủ quy định chi tiết những thông tin khác được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm bảo đảm tính ổn định của dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhu cầu thu thập, cập nhật thông tin trong từng thời kỳ.

Đối với nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây. Do đó, việc đổi tên thẻ sẽ bảo đảm tính bao quát hơn; đồng thời, việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội và cũng không ảnh hưởng lớn đến các giao dịch và tâm lý người dân.

Đối với người được cấp thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho biết, công nghệ hiện nay có thể thu nhận vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên, bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học. Bên cạnh đó, pháp luật về xuất nhập cảnh đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt. Tuy thẻ căn cước không thay thế giấy khai sinh nhưng có thể tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, tiết kiệm kinh phí cho nhà nước và người dân trong việc cấp và sử dụng các loại giấy tờ này.

Trong dự thảo luật này, cơ quan soạn thảo sẽ hướng tới việc cung cấp nhiều giải pháp, tiện ích phục vụ đối với công dân dưới 14 tuổi trên cơ sở sử dụng thẻ căn cước gắn chip; về lâu dài sẽ nghiên cứu, đánh giá thêm về độ tuổi bắt buộc phải cấp thẻ căn cước để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước, phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong đẩy mạnh Chính phủ số, xã hội số.

Tách biệt rõ thông tin bắt buộc thu thập và thông tin công dân tự nguyện cung cấp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình chi tiết, rõ ràng đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án luật này, qua đó, đã đi đến thống nhất cơ bản về nhiều nội dung quan trọng.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng ý với việc bổ sung đối tượng người gốc Việt vào phạm vi điều chỉnh để đảm bảo việc thực hiện quyền con người của mọi người Việt Nam, đặc biệt là các quyền liên quan đến giao dịch dân sự, hành chính, bảo vệ tài sản. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ, trẻ em bị mua bán qua biên giới, những đối tượng đặc thù dễ bị tổn thương trong xã hội, qua đó góp phần vào việc bảo đảm an toàn trật tự xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Về tên dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, điều quan trọng là cần thiết kế các quy định đối với nhóm người gốc Việt trong dự án luật này đảm bảo đáp ứng được các mục tiêu đã đặt ra. Vấn đề này cần được tiếp tục đưa ra trong Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để có thêm nhiều ý kiến, tạo cơ sở vững chắc để có được quyết định hợp lý, đạt đồng thuận cao.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về tên dự án luật, hiện nay vẫn còn có các ý kiến khác nhau, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cần làm rõ những ưu, nhược điểm của từng phương án, để đảm bảo nhìn nhận toàn diện, khách quan, báo cáo Bộ Chính trị, tham vấn ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án luật cần làm rõ thế nào là người gốc Việt Nam, dù chọn phương án nào về tên luật, trong điều khoản về tổ chức thực hiện vẫn nên quy định cần có giấy tờ/thẻ tương tự như thẻ căn cước công dân, tạm cấp với đối tượng người gốc Việt Nam. Cơ quan thẩm tra cần phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan hữu quan một cách chặt chẽ, tích cực hơn nữa để tiếp thu đầy đủ hơn nữa ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong một số nội dung để đảm bảo thuyết phục hơn.

Quan tâm tới thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có giải trình rõ ràng về sự cần thiết của việc cung cấp các thông tin cá nhân, bao gồm thông tin về nhóm máu, số thuê bao di động, địa chỉ hòm thư điện tử, các thông tin sinh trắc học, ảnh khuôn mặt... Theo dự thảo luật, thông tin về ADN, giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần rà soát điều khoản ở các luật khác để đảm bảo nhất quán với nguyên tắc này.

Cùng với đó, dự thảo luật cũng có quy định, trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của cá nhân là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam thì chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước. Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định này đang mâu thuẫn với nguyên tắc tự nguyện đã nêu, vì vậy cần rà soát tổng thể dự thảo luật, đảm bảo các quy định nhất quán, thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, cần tách biệt rõ loại thông tin bắt buộc phải thu thập để đưa vào căn cước công dân với loại thông tin công dân tự nguyện cung cấp cho cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Tham gia đóng góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong hồ sơ dự án luật Chính phủ trình Quốc hội có nêu, cùng với việc ban hành Luật Căn cước thì phải sửa đổi, bổ sung một số quy định tại 7 luật để đảm bảo tính thống nhất, gồm các luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, công an nhân dân, đầu tư, giao thông đường biển, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hộ tịch. Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình, tiếp thu cũng như trong dự thảo luật hiện nay chưa xử lý những vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng, nếu thấy có quy định không thống nhất thì phải đề xuất phương án để sửa đổi đồng bộ, sửa ngay trong luật này, hoặc phải có phương án sửa đổi sau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, cơ quan thẩm tra cần lưu ý tới báo cáo của Bộ Tư pháp về rà soát pháp luật liên quan đến triển khai định danh và xác thực điện tử, để từ đó đưa ra đề xuất sửa đổi phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo luật và dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý cũng như dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội.

Để nâng cao chất lượng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo thì cố gắng phải được bảo đảm chất lượng, có tính thuyết phục cao và tránh việc vì thuận tiện cho quản lý nhà nước mà vi phạm các quyền công dân, quyền con người. Với các nội dung còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo phân tích ưu điểm và hạn chế của từng phương án, xin ý kiến tiếp theo của đại biểu Quốc hội chuyên trách và sau đó tiến hành các bước xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp các cơ quan của Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đã nêu tại phiên họp, chuẩn bị hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và tiến hành các bước tiếp theo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tách biệt giữa thông tin bắt buộc thu thập và thông tin công dân tự nguyện cung cấp