Cảnh sát biển 4 xử lý 25 trường hợp buôn lậu trên biển, thu gần 1,8 triệu lít dầu DO không hợp lệ

An Nhiên|22/10/2022 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát hiện, xử lý 25 trường hợp buôn lậu dầu trên biển; xử phạt hành chính với số tiền gần 2 tỷ đồng, tịch thu gần 1,8 triệu lít dầu DO, bán nộp ngân sách nhà nước trên 36 tỷ đồng.

cs-bien.jpg
Lực lượng tuần tra Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 kiểm tra hàng hóa vi phạm trên biển. Ảnh: Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 cung cấp.

Theo Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4, điển hình là một số vụ việc gần đây như vụ phát hiện tàu cá số hiệu TG 90108 TS chở 40.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Hôm đó, khoảng 23 giờ ngày 17/10, trong lúc tuần tra trên vùng biển thuộc quần đảo Thổ Chu, TP Phú Quốc, Cảnh sát biển 4 đã phát hiện tàu cá số hiệu TG 90108 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn liền ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra theo quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Lê Việt Cường (55 tuổi, ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang) làm thuyền trưởng; tàu không có kết nối với thiết bị giám sát hành trình. Ông Cường khai nhận trên tàu có 40.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Lực lượng tuần tra của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, lập hồ sơ ban đầu của vụ việc và niêm phong hàng hóa vi phạm, di lý phương tiện về cảng Hải đội 422 TP Phú Quốc để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 26/9 tại vùng biển Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau, lực lượng tuần tra của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã kiểm tra tàu cá TG 93698 TS khi tàu này đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.

Trung tá Lê Văn Khánh - Trưởng phòng Trinh sát BTL Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, những hành vi vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển, sang mạn trái phép dầu DO trên vùng biển Tây Nam đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu hợp pháp của các thương nhân, làm thất thu lớn nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, các hành vi vi phạm này còn trực tiếp tiếp tay cho nhiều tàu cá Việt Nam vi phạm về khai thác IUU, nhất là hành vi sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Bài liên quan
  • Đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu
    Trình bày trước Quốc hội Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị “Làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh sát biển 4 xử lý 25 trường hợp buôn lậu trên biển, thu gần 1,8 triệu lít dầu DO không hợp lệ