Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao 'Vành đai và Con đường'

Lam Trinh |18/10/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng 18/10, tại Đại Lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, đã diễn ra Lễ khai mạc trọng thể Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ ba (BRF 3). Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Lễ khai mạc.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu từ hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế.

18-bri-km.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" (BRF) lần thứ 3 ở Bắc Kinh - Ảnh: TTXVN

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự diễn đàn. Hơn 20 nguyên thủ quốc gia/người đứng đầu Chính phủ đã đến tham dự diễn đàn; trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào; Tổng thống các nước Nga, Indonesia, Argentina, Chile, Uruguay, Uzbekistan, Kazakhstan, Serbia, Mông Cổ, Sri Lanka, Congo, Kenya; Thủ tướng các nước Campuchia, Thái Lan, Hungary, Pakistan, Ai Cập, Ethiopia, Mozambique và Papua New Guinea.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) tham dự sự kiện này.

Tại Lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo và các đại biểu đều đánh giá cao những thành tựu và đóng góp quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong 10 năm qua với hàng loạt dự án và chương trình hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, kinh tế số, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ... Hợp tác Vành đai và Con đường đã góp phần thúc đẩy kết nối khu vực, hỗ trợ các nước chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước. Hướng tới mục tiêu chung về tương lai tươi sáng, thịnh vượng và cuộc sống ấm no cho người dân, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp nhằm huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia, gắn kết hơn các nền kinh tế, đồng thời bảo đảm yêu cầu bền vững về môi trường, tài chính và hài hòa xã hội.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu bật những thành tựu của chặng đường 10 năm hình thành và phát triển năng động của BRI. Sau hơn một thập kỷ, Sáng kiến BRI đã mở rộng không gian liên kết và kết nối từ lục địa Á-Âu sang châu Phi và châu Mỹ Latinh; không chỉ hình thành các tuyến hành lang kinh tế, các tuyến đường bộ và đường sắt, mà còn đầu tư phát triển năng lượng sạch, hạ tầng thông tin, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, giao lưu văn hóa nghệ thuật, trao đổi học giả, kết nối doanh nghiệp. Những thành tựu 10 năm qua sẽ là nền tảng cho “một thập kỷ vàng” tiếp theo của Sáng kiến.

Về định hướng hợp tác BRI thời gian tới, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh 3 nguyên tắc “cùng lên kế hoạch, cùng phát triển và cùng hưởng thành quả” và đề xuất 8 hành động trọng tâm gồm: (i) Thiết lập mạng lưới kết nối đa chiều; (ii) Hỗ trợ xây dựng nền kinh tế thế giới mở; (iii) Thực hiện hợp tác thiết thực; (iv) Thúc đẩy phát triển xanh; (v) Đẩy mạnh đổi mới khoa học và công nghệ; (vi) Tăng cường giao lưu nhân dân; (vii) Thúc đẩy “hợp tác liêm chính” Vành đai và Con đường; và (viii) Củng cố thể chế hợp tác Vành đai và Con đường.

Trong phát biểu tại Lễ khai mạc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã chúc mừng những thành quả của hợp tác BRI thể hiện cam kết của các nước thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và phối hợp hành động hướng tới mục tiêu chung vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh những thách thức lớn của nhân loại như thiếu hụt cơ sở hạ tầng, gia tăng bất bình đẳng, và biến đổi khí hậu đe dọa sự tồn vong của Trái Đất; tiến trình triển khai Chương trình nghị sự phát triển bền vững và Hiệp định Paris đang bị chững lại.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hợp tác tìm các biện pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, chuyển đổi hệ thống năng lượng và đẩy mạnh các giải pháp bền vững cho thế kỷ 21. BRI cho thấy chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để xây dựng hệ thống đồng bộ đô thị, cộng đồng, mạng lưới giao thông, năng lượng với tiêu chí bền vững và sức chống chịu cao là trung tâm, qua đó đem đến phúc lợi và việc làm cho người dân một cách lâu dài và bền vững.

Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Sri Lanka

Nhân dịp tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, chiều ngày 18/10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp với Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe.

18-km-ctn.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước đến dự lễ khai mạc - Ảnh: TTXVN

Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định chính sách của Việt Nam là luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Sri Lanka; mong muốn đưa quan hệ Việt Nam - Sri Lanka phát triển hơn nữa, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ranil Wickremesinghe, đất nước Sri Lanka sẽ đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội hơn nữa.

Hai bên ghi nhận những bước phát triển tích cực của mối quan hệ giữa Việt Nam và Sri Lanka trong thời gian qua, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, tôn giáo, giao lưu nhân dân. Hợp tác tài chính cũng có tiến triển mới với việc hai bên hoàn tất thủ tục pháp lý và sẽ ký Hiệp định về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan.

Để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị hai bên mở rộng hợp tác song phương trên các lĩnh vực, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của nhau, qua đó đẩy mạnh hợp tác thương mại – đầu tư.

Hai nhà Lãnh đạo nhất trí giao Bộ trưởng Ngoại giao hai nước, đồng thời là đồng chủ trì Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Sri Lanka sớm tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp theo cơ chế thường niên để thúc đẩy quan hệ hợp tác mọi mặt, trong đó có kinh tế - thương mại - đầu tư.

Đồng thời, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng khác như du lịch giáo dục - đào tạo, giao lưu văn hóa, tôn giáo, giao lưu nhân dân…; trong đó có việc nghiên cứu mở đường bay thẳng, kết nối các điểm đến của Phật giáo giữa hai nước để thu hút du lịch tâm linh.

Tổng thống Ranil Wickremesinghe chia sẻ nhiều ấn tượng tốt đẹp khi thăm Việt Nam trên cương vị Thủ tướng trước đây; chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của Việt Nam trong thời gian qua và khẳng định Sri Lanka luôn mong muốn đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam, một đất nước phát triển hết sức năng động và có nhiều nét tương đồng với Sri Lanka.

Tổng thống Ranil Wickremesinghe chia sẻ gần đây Sri Lanka đã đạt được ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển bền vững hơn sau khi vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính. Tổng thống Sri Lanka bày tỏ mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tổng thống Sri Lanka nhất trí với những đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, giao lưu văn hóa, tôn giáo và du lịch.

Tại cuộc tiếp, hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc, ASEAN và Phong trào Không liên kết.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trân trọng mời Tổng thống Ranil Wickremesinghe sớm thăm lại Việt Nam. Tổng thống Sri Lanka đã vui vẻ nhận lời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao 'Vành đai và Con đường'