Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong ngành điện

Minh Anh|11/08/2020 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Triển khai nâng cấp các phần mềm hiện hữu để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ; sử dụng công nghệ kỹ thuật số đang được ngành Điện nỗ lực thực hiện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã áp dụng thành công ứng dụng trí tuệ nhân tạo có tên là chatbot trong hoạt động chăm sóc khách hàng, gồm 8 nhóm dịch vụ: Cấp điện mới, hợp đồng mua bán điện, yêu cầu về hệ thống đo đếm, đăng ký thanh toán tiền điện, tra cứu thông tin, báo mất điện, tiếp nhận đăng ký dịch vụ của khách hàng, các dịch vụ khác thuộc lĩnh vực chăm sóc khách hàng (CSKH) ngành điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mục tiêu chung được tập đoàn đặt ra là đến năm 2025, xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin của EVN hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, vận hành thị trường điện, điều hành, vận hành hệ thống điện. Cũng đến năm 2025, hệ thống công nghệ thông tin của EVN trở thành “hệ sinh thái số”; trong đó, phải thống nhất mô hình kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của EVN; chuẩn hóa tiêu chuẩn công nghệ, cấu trúc dữ liệu bảo đảm tính tích hợp và mở rộng trong tương lai.

Ngành điện đột phá cùng công nghệ số

Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) – đơn vị được EVN giao chủ trì xây dựng mô hình doanh nghiệp số cho tập đoàn đến năm 2025 tầm nhìn 2030 – cho biết thêm, việc triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ không phải lúc nào cũng có hiệu quả ngay. Có những thời điểm, các hệ thống phần mềm của tập đoàn bị chồng chéo, thiếu tính đồng bộ, thống nhất, chưa tích hợp toàn diện, không tận dụng, khai thác được nguồn dữ liệu.

Bởi vậy, trong giai đoạn 2019-2025, EVN sẽ tập trung ứng dụng triệt để và hiệu quả công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Blockchain), ảo hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ phân tích dữ liệu báo cáo thông minh (BI)… Tập đoàn cũng hướng tới hoàn thành nâng cấp các phần mềm hiện hữu, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ điện tương đương dịch vụ hành chính công cấp độ 4 trong năm 2020. Trong giai đoạn 2019-2025, EVN sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung dựa trên các phần mềm lõi của tập đoàn; hoàn thiện văn phòng điện tử; ứng dụng công nghệ đo đếm thông minh. Đồng thời, EVN sẽ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, tạo ra nội lực đủ mạnh, thực hiện cuộc cách mạng số. Trước đó, tập đoàn đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và tăng cường giám sát, điều khiển tự động cho hệ thống điện, hệ thống đo đếm từ xa. EVN đã triển khai các ứng dụng nhằm tăng cường độ tin cậy, tối ưu vận hành lưới điện, giảm tổn thất điện năng, bảo đảm an toàn truyền tải trên hệ thống điện 500kV.

Bên cạnh đó, EVN còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu, phân tích hành vi, xu hướng, dự báo và nhu cầu của khách hàng thông qua thu thập các cuộc gọi tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng. Riêng trong năm 2020 sẽ triển khai nâng cấp các phần mềm hiện hữu để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ điện tương đương dịch vụ hành chính công cấp độ 4 (tiếp nhận yêu cầu trực tuyến; ký hợp đồng trực tuyến; thanh toán phí trực tuyến; khách hàng theo dõi online được tiến độ, quá trình xử lý yêu cầu của mình không cần đến các điểm giao dịch

Ngoài ra, trong hoạt động quản lý khách hàng, EVN đang triển khai hệ thống công tơ điện tử tự động cập nhật chỉ số sử dụng điện của khách hàng. Hệ thống này cũng cảnh báo các bất thường xảy ra đối với công tơ, trạm biến áp… giúp sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục tốt nhất, giảm thời gian mất điện do sự cố. Cùng với đó, với công nghệ mới, người dân có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ của gia đình mình hằng ngày thông qua máy tính, điện thoại thông minh, qua đó có thể điều chỉnh việc sử dụng điện một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, EVN cũng sẽ giảm được nguồn nhân lực lớn tham gia ghi chỉ số điện. Đến nay, tỷ lệ lắp đặt công tơ điện tử của EVN đạt 50%, tập đoàn phấn đấu đến hết năm 2020, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đạt 100%. EVN đã công bố dịch vụ thanh toán tiền điện trực tuyến. Hiện, tập đoàn đã kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của các địa phương. Khách hàng có thể tiếp cận, thanh toán tiền điện thông qua các dịch vụ công. Đồng thời, EVN cũng kết nối thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng.

Đáng chú ý, mục tiêu đến năm 2022, EVN và các đơn vị trong tập đoàn sẽ ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, ảo hóa, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo… vào các hoạt động từ quản trị doanh nghiệp đến sản xuất kinh doanh. Tất cả đều nhằm mang đến chất lượng điện ổn định, an toàn, bảo đảm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng ở mức tốt nhất.

Minh Anh

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong ngành điện