Đức đau đầu tìm nơi chôn lấp chất thải phóng xạ

Linh Phương (t/h)|04/12/2019 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chính phủ Đức đang đau đầu tìm kiếm nơi chôn lượng chất thải phóng xạ hạt nhân lên tới 28.000m3 trước khi quyết định đóng cửa toàn bộ nhà máy điện hạt nhân.

Với quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân của mình, nước Đức phải đối mặt với một câu hỏi đau đầu khác. Làm thế nào để chôn 28.000 m3 chất thải phóng xạ chết người – thể tích tương đương 6 tòa tháp đồng hồ Big Ben – trong hàng triệu năm tới?

Đức quyết định đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân muộn nhất vào năm 2022 trước những lo ngại về rò rỉ phóng xạ. Hiện tại, chất thải phóng xạ ở mức độ cao được lưu trữ trong các cơ sở tạm thời, thường ở gần nhà máy điện hạt nhân, nơi vốn chỉ có thể chứa chúng trong một vài thập kỷ.

Đó là còn chưa kể đến các thách thức khổng lồ khác về mặt công nghệ – vận chuyển những chất thải chết người đó như thế nào, vật liệu nào có thể dùng để bao bọc được nó và thậm chí phải tính đến cả sự hiện diện của con người trong tương lai ở vùng đất đó.

Trong khi thời hạn cuối cùng để đóng cửa 7 nhà máy điện hạt nhân còn lại là vào năm 2022, hạn chót để chính phủ Đức tìm được nơi chôn lấp chất thải phóng xạ vĩnh viễn là vào năm 2031.

Khó khăn của chính phủ Đức trong việc tìm kiếm địa điểm chôn lấp các chất thải chết người này còn chồng chất hơn khi vấp phải sự phản đối từ người dân do thiếu tin tưởng vào khả năng duy trì an toàn cho những kho chứa này của chính phủ Đức.

Ví dụ, các mỏ muối ở Asse và Morsleben, miền đông nước Đức, dù từng là nơi chứa chất thải phóng xạ mức độ trung bình trong những năm 1960-1970, cũng phải đóng cửa sau khi không đạt được các tiêu chuẩn an toàn hiện đại.

Với hơn 400 nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới, đa phần trong số đó đang sắp hết tuổi thọ của mình, việc lưu trữ chất thải phóng xạ sẽ trở nên ngày càng cấp bách hơn. Do vậy, có thể xem nước Đức đang ở vị trí đặc thù để biết chính xác cách xử lý với những chất thải đó sẽ như thế nào. Điều này cũng sẽ trở thành bài học cho những người đi sau để giải quyết thách thức đó.

Nếu chất đống lên, lượng rác có thể tương đương khoảng 6 tháp đồng hồ Big Ben. Đáng chú ý, đây là chất thải phóng xạ ở mức độ cao, rất nguy hiểm nếu không được lưu trữ và vận chuyển cẩn thận. Do đó, nơi chôn rác phải được lót bằng đá cứng và nằm tại khu vực không có nước ngầm hoặc dễ xảy ra động đất vì có thể gây rò rỉ phóng xạ.

Linh Phương (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đức đau đầu tìm nơi chôn lấp chất thải phóng xạ