Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh

Mai Anh (t/h)|05/06/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Với mức giá cạnh tranh và XK đang tăng mạnh trở lại, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về XK gạo toàn cầu ngay trong năm nay.

Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản vừa cho biết, thị trường gạo xuất khẩu thế giới tháng 5 tiếp tục sôi động khi một số nước có nhu cầu mua để làm đầy kho dự trữ đề phòng trường hợp Covid-19 kéo dài. Giá gạo xuất khẩu trên thế giới duy trì ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhẹ. Hiện giá gạo bình quân ngày 3/6, của loại 5% tấm ở mức 473-477 USD một tấn. Riêng gạo Jasmine (gạo thơm dẻo) đang có giá cao nhất là 558-562 USD một tấn.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm nay đạt 470,2 USD một tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá bình quân cao nhất trong vòng hai năm qua.

Trước đó, giá gạo Việt Nam năm 2019 dao động 376-420 USD một tấn. Còn giá gạo năm 2018 quanh mức 380-502 USD một tấn.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng đều đặn trong mấy tuần gần đây do nhu cầu mạnh từ các khách hàng châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, mức giá này vẫn rẻ hơn 30% so với gạo cùng loại của Thái Lan và rẻ hơn 15% so với gạo Việt Nam.

Tính từ 23/4 đến 24/5, giá gạo đồ 5% tấm tăng khoảng 3%, sau khi đã tăng khoảng 4% trong tháng trước đó. Gạo đồ 5% tấm trong tuần kết thúc vào ngày 22/5 có giá 385-389 USD/tấn, cũng cao nhất trong vòng 1 năm.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan trong tuần thứ 3 tháng 5 thì giảm gần 10%, xuống 480-505 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, mức giá này thấp hơn khoảng 27%. Tuy nhiên, vẫn cao nhất trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ vụ đông – xuân tới nay đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn. Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho xuất khẩu gạo trong tháng 5, 6 và các tháng tiếp theo, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp.

Cơ hội không chỉ có ở ngay trước mắt, về lâu về dài, ngành gạo Việt Nam vẫn được trải thảm đỏ. Bộ Công Thương cho biết ngành nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của gạo sẽ tăng thêm 65%, tính đến hết năm 2020.

Mai Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh