Giải quyết căng thẳng giáo dục và y tế không thể trong một, hai năm

Lan Hạ|29/10/2022 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Giải trình trước Quốc hội về 2 lĩnh vực y tế và giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng 3 điểm chung với thế giới cộng với 3 đặc thù riêng làm cho 2 lĩnh vực này luôn căng thẳng nên dù có hứa, có nói gì thì vấn đề căng thẳng này cũng không thể được giải quyết trong 1, 2 năm mà phải tính bằng hàng chục năm và đây là điều rất bình thường trên thế giới.

vdd-28.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đang tại phiên họp chiều 28/10 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Chiều 28/10, tại hội trường Quốc hội, giải trình về 2 lĩnh vực giáo dục và y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, với Nghị quyết để chuyển sang một tâm thế mới, mạnh dạn nhưng có cơ sở khoa học, chúng ta đã thích ứng linh hoạt, nhờ tiếp cận được vaccine để khẩn trương ổn định phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô, đặc biệt duy trì ổn định an sinh xã hội, có bước tiến bộ tương đối toàn diện. Việt Nam luôn nằm trong top đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19. Đến nay, thế giới chưa công bố hết dịch, và chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, đặc biệt về vaccine, chúng ta có tâm thế tự tin hơn, có cơ sở để mạnh mẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, bù lại hai năm vừa qua.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đại dịch đã gây nhiều khó khăn, bất cập cho hệ thống, không chỉ giáo dục, y tế, an sinh xã hội, mà cả kinh tế, giúp chúng ta nhận diện rõ hơn những điểm yếu của các ngành này sau đại dịch. Các nước trên thế giới, kể cả những nước có trình độ phát triển cao, cũng gặp nhiều khó khăn khi đối diện với những vấn đề này. Ở Việt Nam, dù gặp khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đang đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống người dân không chỉ ở thành thị, mà ở cả nông thôn, miền núi.

3 điểm chung với thế giới cộng với 3 đặc thù riêng làm cho lĩnh vực y tế, giáo dục luôn căng thẳng

Đi vào 2 lĩnh vực chính là y tế và giáo dục được các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra nhiều vấn đề trong 2 ngày thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, kỳ vọng vào giáo dục và y tế là có thật ở tất cả các quốc gia và luôn luôn rất căng thẳng.

Nói chung tất cả các nước phát triển cũng như đang phát triển cả về y tế giáo dục đều có rất nhiều vấn đề, nhưng tựu chung lại có 3 vấn đề chung và rất giống với chúng ta.

Thứ nhất là làm sao cân đối giữa yêu cầu kỳ vọng của người dân, những yêu cầu mang tính chuyên môn của ngành giáo dục và ngành y tế với khả năng đảm bảo của nền kinh tế và của cả hệ thống, đặc biệt là y tế và giáo dục cũng như lĩnh vực văn hóa xã hội, những lĩnh vực trước mắt chuyên đi xin tiền; thành tích cũng như hạn chế thì không thấy được ngay muốn có thành tích phải mất nhiều năm và những bất cập cũng phải nhiều năm mới bộc lộ, khi bộc lộ thường cũng mất nhiều năm mới khắc phục được.

Thứ hai, là vấn đề bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục y tế. Mặc dù người ta đã có cơ chế như học bổng về bảo hiểm y tế tiến bộ hơn ta rất nhiều nhưng không thể nào đảm bảo bình đẳng tuyệt đối.

Thứ ba là quản trị các cơ sở giáo dục y tế chúng ta hay gọi là tự chủ, nhưng tóm lại là làm sao để quản trị các cơ sở công mà vẫn quản trị được vẫn thúc đẩy cơ sở tư nhân và có mức bình đẳng tương đối giữa hai thành phần này.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cũng giống như các nước, cũng đối mặt với những vấn đề như vậy, ngoài ra chúng ta còn có thêm những đặc trưng rất khác biệt.

Một là, chúng ta theo đường lối chủ nghĩa xã hội, cho nên sự kỳ vọng và đòi hỏi sự công bằng ở ta cao hơn nhiều. Dân tộc ta hiếu học, rất nhân nghĩa nên đòi hỏi chất lượng giáo dục và y tế cũng cao hơn. Chúng ta phát huy tinh thần làm chủ của người dân, cho nên cũng góp ý nhiều.

Hai là, các nước phát triển phần nhiều thu ngân sách không phải để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng ta hằng năm vẫn dành 30% ngân sách để chi cho đầu tư hạ tầng, cho nên chúng ta trình độ kinh tế đã thấp hơn, nhưng lại phải dành một khoản rất lớn để đầu tư cho hạ tầng, cho nên năng lực của chúng ta không bằng các nước, thu nhập của người dân cũng thấp hơn, cho nên khả năng chi trả của người dân cũng không được như các nước. Mọi người ở thế giới đều nói, có thể ở nhà xấu hơn, đi xe xấu hơn nhưng thuốc thì không ai chấp nhận thuốc kém hơn.

Thứ ba, ở ta biên chế sử dụng ngân sách nhà nước rất lớn, làm tròn chúng ta hiện có 2 triệu biên chế, trong đó giáo dục và y tế chiếm tuyệt đại đa số, lần lượt là 1.150.000 và 250.000. Chúng ta không có năng lực để trả lương cao như các nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: 3 cái chung với thế giới cộng với 3 đặc thù của chúng ta làm cho 2 lĩnh vực giáo dục và y tế luôn căng thẳng. Dù có hứa, có nói gì, thì vấn đề căng thẳng này cũng không thể được giải quyết trong 1, 2 năm mà phải tính bằng hàng chục năm và đây là điều rất bình thường trên thế giới.

vu_duc_dam_3.jpg
Toàn cảnh phiên họp chiều 28/10 tại hội trường Quốc hội.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, về biên chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo lo đào tạo nguồn giáo viên, lo chuẩn về giáo viên và đương nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn ở đâu có học sinh phải có giáo viên đủ các môn học và số lượng học sinh trên lớp ít nhất có thể. Ở các nước tiên tiến khoảng 20 cháu, chúng ta hiện nay chuẩn đề ra phấn đấu khoảng 35 cháu/1 lớp, nhưng vẫn thiếu. Đương nhiên, ngành giáo dục lo đào tạo giáo viên, mong có đủ giáo viên, nhưng để có đủ giáo viên chúng ta phải tăng biên chế và muốn tăng biên chế mà không phát triển giáo dục ngoài công lập được thì chúng ta phải tăng ngân sách, tăng ngân sách thì không có tiền. Như vậy chúng ta phải đồng bộ rất nhiều. Đầu tiên phải phát triển nhanh hơn để có nguồn thu nhiều hơn, nhưng sau đó phải thực sự phải làm sao để giáo dục cũng như y tế ngoài công lập phát triển được, phải là thực chất. Ví dụ, muốn trường học ngoài công lập, bệnh viện ngoài công lập được chúng ta phải có nghị quyết, có chính sách, đất miễn phí chẳng hạn. Nhưng thực tế có không, nếu đất miễn thì nhà đầu tư mới hạ học phí, mới hạ viện phí xuống được, người dân mới từ công lập sang tư thục được. Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa tự chủ đại học và làm sao cũng phải có cơ chế để số giáo viên ở các vùng đô thị có cơ chế nào đó để không phải dùng lương từ ngân sách nhà nước, có thể từ khoản học phí của những đối tượng sẵn sàng chi trả.

Đối với y tế cũng tương tự. Hiện nay, chúng ta rất nỗ lực cả về chuyên môn, bác sĩ, nhiều bác sĩ chúng ta không hề kém so với các nước phát triển. Nhưng ở các nước một bác sĩ sẽ có đến 3, 4 điều dưỡng viên để chăm sóc người bệnh. Ở chúng ta 1 bác sĩ mới có chưa đến 1,5 người điều dưỡng viên; ở Nhật Bản, 1 bác sĩ, 9 điều dưỡng viên. Để đảm bảo mức trung bình thế giới, chúng ta phải tăng gấp đôi biên chế ngành y tế như hiện nay, trong khi hiện nay chúng ta vẫn yêu cầu phải giảm.

Giá bảo hiểm y tế chỉ bằng 1/10 đến 1/30 của các nước phát triển, trong khi thuốc và máy móc thì phải như các nước phát triển.

Về vấn đề về học phí, viện phí, theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã rất cố gắng, nỗ lực và được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao là với nguồn kinh phí như vậy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục và y tế tốt hơn rất nhiều so với những nước có cùng mức chi, nhưng cũng chỉ có giới hạn, không thể nào chúng ta đòi hỏi một chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới, trong khi thu nhập của người dân và chi ngân sách cho dịch vụ đấy lại ở mức thấp trên thế giới, người dân cũng không thể chi trả hơn được.

Có đại biểu nói hiện nay tỷ lệ chi của người dân chúng ta lên đến 40%, phải giảm xuống 20% là rất đúng, nhưng muốn để người dân giảm xuống thì ở đâu đó phải chi ra hoặc người dân mua bảo hiểm, hoặc từ ngân sách. Cho nên bài toán này là rất đau đầu. Chúng ta khéo nằm thì no, khéo co thì ấm, chỉ có từng đấy tiền thôi, chúng ta buộc phải tăng mệnh giá bảo hiểm y tế, muốn thế người dân đóng góp thêm 1 phần, nhưng ngân sách Nhà nước phải dành thêm.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, mệnh giá bảo hiểm y tế của chúng ta chỉ bằng 1/10 đến 1/30 của các nước phát triển, trong khi thuốc và máy móc thì phải như các nước phát triển.

Về giáo dục theo Phó Thủ tướng cũng tương tự, hiện nay các trường phổ thông được hưởng 60% từ học phí để lo cho chi chuyên môn. Vừa qua, để hỗ trợ người dân khó khăn sau đại dịch, Chính phủ đưa ra chủ trương sẽ không tăng học phí. Phần người dân phải đóng góp là không tăng. Nhưng muốn để các trường vận hành được thì ngân sách nhà nước phải bù vào phần lẽ ra phải tăng mà không tăng. Chính phủ đang làm những bước cuối cùng để ban hành nghị quyết theo hướng như vậy.

Về vấn đề tự chủ Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng là vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay. Chúng ta đã có kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp nhà nước sau 30 năm, chúng ta giảm được từ 10.000 doanh nghiệp nhà nước xuống còn dưới 1.000, nhưng đổi lại chúng ta có trên 700.000 doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đơn vị sự nghiệp về cơ bản không giảm được mấy. 2 năm vừa qua có giảm nhiều về đầu mối, nhưng tổng biên chế vẫn không giảm, con số tròn là khoảng 48.000 đơn vị sự nghiệp.

Làm sao để quản trị các đơn vị sự nghiệp này, trong đó chủ yếu là trường học và bệnh viện? Tự trả lời câu hỏi của mình, Phó Thủ tướng nói chúng ta vẫn làm nhưng làm khác với thế giới và vừa qua đã phải thay đổi theo xu hướng của thế giới.

Ở thế giới, quản trị bệnh viện và trường học xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, được phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở, từ đó người ta được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư và về lương....

Còn ở Việt Nam, vì chúng ta thiếu tiền cho nên thiết kế theo hướng là lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên, nếu lo được hết cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ hoàn toàn, nếu ở mức giá thấp hơn không lo được đầu tư chỉ chi được thường xuyên là tự chủ được, một mức nữa là tự chủ được một phần chi thường xuyên và mức cuối cùng là không tự chủ được. Chúng tôi vẫn nói với nhau đó là một khóa 4 nấc và 2 chìa. Ví dụ như đại học ở Đức là tự chủ nhưng ngân sách nhà nước vẫn lo 85%, còn ở chúng ta nếu ngân sách nhà nước còn lo thì không có tự chủ và chúng tôi rất tha thiết phải thay đổi việc này.

Kết thúc phần giải trình, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu để cùng với các cơ quan có chức năng rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để chúng ta có những sự đổi mới căn bản hơn.

Bài liên quan
  • Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm
    Sau khi Bộ Y tế thông tin có 1 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ. Ngày 24/10, Bộ Y tế đã gửi Công văn khẩn số 5995/BYT-DP đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Giải quyết căng thẳng giáo dục và y tế không thể trong một, hai năm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.