Hội nghị lần thứ 13 các bên tham gia công ước đa dạng sinh học khai mạc tại Mêxicô

PV|07/12/2016 02:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

(Moitruong.net.vn)Từ ngày 4 – 17/12/2016, Hội nghị lần thứ 13 các bên tham gia CBD (COP13); Cuộc họp lần thứ 8 các bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (CP-MOP8) và cuộc họp lần thứ 2 các bên tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen, chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (NP-MOP2) được tổ chức tại Cancun, Mêxicô, thu hút sự tham gia có khoảng 10.000 đại biểu là đại diện của các nước thành viên, các nước không phải là thành viên, các tổ chức quốc tế và các tổ chức tham gia COP13, CP-MOP8 và NP-MOP2. Đoàn Việt Nam do Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài làm Trưởng đoàn.

2016cbdcop13toancanh

Toàn cảnh Hội nghị

     Trước thềm COP13, từ ngày 2 – 3/12/2016 đã diễn ra cuộc họp cấp cao (HLS) với chủ đề “Lồng ghép ĐDSH vì sự thịnh vượng”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngành nông nghiệp, du lịch, lâm nghiệp, thuỷ sản trong bảo tồn ĐDSH và sự cần thiết cần lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH trong những hoạt động của các ngành này. Cuộc họp có sự tham dự của 382 đại biểu, bao gồm 50 Bộ trưởng, 40 Thứ trưởng, 42 trưởng đoàn, 250 lãnh đạo và đại diện của các tổ chức quốc tế, quốc gia.

Theo đó, nông – lâm nghiệp, thủy sản, du lịch là những ngành phải dựa vào ĐDSH và các dịch vụ hệ sinh thái song cũng là nguyên nhân gây nên sự suy giảm ĐDSH trên toàn cầu và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, bao gồm cả các khía cạnh an ninh lương thực và giảm nghèo. Đặc biệt, nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của các ngành này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các thập kỷ tiếp và áp lực tới ĐDSH cũng ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc lồng ghép vấn đề ĐDSH trong các ngành là rất cần thiết, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngành, cũng như ngăn chặn sự mất mát ĐDSH.

     Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký CBD Braulio Ferreira de Souza Dias cho biết, để bào vệ ĐDSH, chúng ta cần làm việc, yêu cầu những hành động của các ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản, du lịch phải cân nhắc đến tác động tới sự sống trên hành tinh của chúng ta”.

     Tổng Thư ký Chương trình môi trường Liên hợp quốc Erik Solheim cho rằng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch là những ngành quan trọng, do đó, các hoạt động của ngành cần cân nhắc đến vấn đề bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH một cách toàn diện nhất. “Các quốc gia đã cam kết với tham vọng đạt được các mục tiêu Aichi về ĐDSH cần đưa những tuyên bố này thành các hành động ở cấp quốc gia. Nếu các quốc gia không bảo đảm đạt được các mục tiêu đã đề ra thì tham vọng của họ chỉ là trên giấy” – Tổng Thư ký nhấn mạnh.

     Tại các phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như nỗ lực của quốc gia trong việc thực hiện lồng ghép nội dung ĐDSH trong các ngành nông nghiệp, du lịch, lâm nghiệp, thuỷ sản. Đồng thời, đề xuất giải pháp để các ngành có sự tham gia, đóng góp cụ thể vào công tác bảo tồn ĐDSH. Ngoài ra, HLS cũng thảo luận mối liên hệ giữa các hành động về bảo tồn ĐDSH, biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của ĐDSH trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

     Cuộc họp cấp cao đã thông qua Tuyên bố Cancun về lồng ghép bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH vì sự thịnh vượng. Trong đó, nhấn mạnh việc thúc đẩy các hành động cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu Aichi trong khuôn khổ Liên minh Cancun và các cam kết nhằm tăng cường việc thực thi Công ước CBD. Kết quả của HLS sẽ được báo cáo tại phiên toàn thể của COP13.

     Tham gia Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã chia sẻ thông tin về lồng ghép các cân nhắc về ĐDSH trong các ngành, cụ thể là những thành tựu trong bảo tồn ĐDSH nói chung và trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản nói riêng, đồng thời khẳng định quyết tâm của Việt Nam đối với tuyên bố Cancun.

PV

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hội nghị lần thứ 13 các bên tham gia công ước đa dạng sinh học khai mạc tại Mêxicô
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.